Nhãn Hương Chi có nguồn gốc được trồng trong vườn nhà cụ Hương Chi ở phường Hồng Châu, thành phố Hưng Yên nên có tên gọi là nhãn Hương Chi. Giống nhãn này cây thấp, cành xòe rộng, tán tròn sum suê, lá xanh đậm nhỏ hơn nhãn lồng. Trong quá trình chăm sóc, theo dõi, anh Hương nhận thấy cây nhãn Hương Chi thích nghi tốt với đất đai và khí hậu địa phương. Cây sinh trưởng nhanh, ít sâu bệnh, chịu được khô hạn, công đầu tư chăm sóc không nhiều. Đặc biệt, thời gian cho thu hoạch sớm, năng suất khá.
Cây nhãn Hương Chi được trồng xen trong vườn cà phê, sầu riêng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh Đặng Ngọc Hương |
Thấy vườn nhãn Hương Chi của gia đình anh Hương cho thu hoạch sớm, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá, lại trồng xen canh được trong vườn sầu riêng, cà phê, nhiều nông dân trên địa bàn xã Đắk Ha đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Anh Dương Xuân Trường ở thôn 1, xã Đắk Ha (Đắk Glong) đánh giá: “Nhãn Hương Chi là cây trồng mới trên vùng đất Đắk Ha. Tuy nhiên qua thực tế sản xuất cho thấy, đây là giống cây trồng có nhiều triển vọng. Nhãn Hương Chi cho quả to, hạt bé, cùi dày, giòn ngọt, thơm ngon. Hương vị khá đặc biệt so với nhãn ở khu vực khác. Với khí hậu thuận lợi, nhãn Hương Chi trồng tại khu vực này có thể chủ động trong việc xử lý trái lệch vụ, tránh trùng với thời điểm chính vụ của các vùng trồng khác”.
Năm đầu cây nhãn này cho thu bói được khoảng 6-8 kg/cây. Năm nay là năm thứ hai, tôi thu được 15 kg/cây. Với giá bán tại thị trường trong tỉnh 25.000 đồng/kg, mỗi cây cho nguồn thu nhập được trên 300.000 đồng. Năm thứ tư dự kiến, vườn nhãn có thể cho sản lượng 10 tấn. (Anh Đặng Ngọc Hương, thôn 1, xã Đắk Ha (Đắk Glong) |
Một ưu điểm của giống nhãn này là ra rất nhiều đợt hoa, gặp thời tiết không thuận lợi, nếu đợt hoa đầu không đậu thì có đợt hai, đợt ba, do đó năng suất ổn định hơn các giống nhãn khác. Chùm quả thuộc dạng chùm sung sai quả, trung bình mỗi chùm nặng trên dưới 1 kg, chùm to có thể từ 2-3 kg. Anh Hương cho biết, việc chăm sóc cây nhãn Hương Chi khá đơn giản. Cây chịu được hạn và thích ứng khá tốt với thổ nhưỡng, khí hậu ở nơi đây. Cây cũng kháng sâu bệnh tốt. Qua hai năm trồng, anh Hương hầu như không phải sử dụng thuốc trừ sâu. Vào mùa bọ cánh cứng, anh sử dụng chất sinh học để xua đuổi. Đánh giá tiềm năng, hiệu quả của cây nhãn Hương Chi, anh Hương ấp ủ mở rộng thêm diện tích, chăm sóc vườn cây theo hướng nông nghiệp xanh, đưa sản phẩm vào được các siêu thị, trung tâm thương mại trong và ngoài tỉnh. Thời gian tới, anh chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho các hộ dân có nhu cầu trồng trọt, sản xuất để tạo nên vùng sản xuất sản lượng lớn để xuất khẩu. Vì đầu ra, anh đã có liên hệ ký kết xuất khẩu qua thị trường Nhật Bản.
Hướng chuyển đổi cây trồng của anh Hương bước đầu khá phù hợp. Tuy nhiên, để sản xuất mang tính bền vững, hạn chế được rủi ro trước khi lựa chọn cây trồng, người dân nên cân nhắc kỹ lưỡng, đồng thời đẩy mạnh liên doanh, liên kết, tiêu thụ sản phẩm để tránh thiệt hại về kinh tế về sau.