3ha vú sữa hoàng kim của ông Lợi đạt chuẩn VietGAP 2 năm nay.
Một trong những mô hình trồng cây ăn trái đem lại hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu mà huyện Phụng Hiệp đang nhân rộng chuyển đổi từ đất trồng cây ăn trái và mía kém hiệu quả để tạo thành vùng trồng cho loại cây này là vú sữa hoàng kim.
Trên diện tích đất trước đây trồng mía, cây ăn trái kém hiệu quả, gia đình ông Trần Ngọc Lợi, ở ấp Phụng Sơn B, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng vú sữa hoàng kim, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Lợi phấn khởi cho biết: “Tôi thấy cây vú sữa hoàng kim có giá trị kinh tế cao hơn một số cây trồng khác. Đặc biệt loại cây này dễ trồng, kể cả trên đất phèn và ít sâu bệnh. Hiện tại, tôi trồng được 1.000 cây vú sữa hoàng kim trên diện tích 3ha, trong đó 500 cây đã trồng được trên 2 năm. Cây vú sữa hoàng kim, trồng khoảng 18 tháng là ra trái, cây cho trái quanh năm. Hiện nay, trái vú sữa hoàng kim rất dễ bán, thương lái đến tận vườn tìm mua. Giá bán tại vườn dao động từ 60.000 đồng/kg đến vài trăm ngàn đồng/ký. Theo đó, để tăng thu nhập trên cùng diện tích, từ việc nắm bắt nhu cầu thị trường, tôi đã nhân giống vú sữa hoàng kim ra bán cây giống. Từ khi nhân giống đến nay bán được 4.000 cây. Với giá bán từ 60.000-200.000 đồng/cây, tôi thu từ tiền bán cây giống trên 200 triệu đồng mỗi năm”.
Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên đất mía, cây trồng kém hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu, thời gian qua huyện Phụng Hiệp đã phát triển đa dạng các loại cây trồng, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Bà Nguyễn Thị Bích Thuận, Tổ trưởng Tổ kỹ thuật xã Tân Long, cho biết: Xã luôn tăng cường công tác vận động, tuyên truyền người dân trồng cây theo hướng an toàn, thân thiện và bảo vệ môi trường để đáp ứng yêu cầu thị trường, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân. Trong năm 2021, toàn xã đã thực hiện chuyển đổi được 10ha từ đất trồng mía, các loại cây trồng kém hiệu quả sang những loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao hơn, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Các loại cây trồng được chuyển đổi chủ yếu là chanh không hạt, sầu riêng, cam, mít. Đặc biệt, cây vú sữa hoàng kim là loại cây ăn trái mới được trồng trên địa bàn hơn 3ha, được đánh giá là loại cây trồng cho thu nhập cao và đã đạt chuẩn VietGAP. Hiện sản phẩm vú sữa hoàng kim đang đăng ký sản phẩm OCOP.
Theo định hướng của xã Tân Long, bên cạnh việc mở rộng vùng trồng các loại cây ăn trái khác, cây vú sữa hoàng kim sẽ được nhân lên từ 5-10ha để tạo thành vùng trồng, đảm bảo diện tích trong việc xin cấp mã vùng. Ngoài ra, để tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, đề nghị cấp trên nên quan tâm việc kết nối tiêu thụ sản phẩm cho người dân, đầu tư vốn vay cho người dân có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất và quan tâm nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông nông thôn.
Hiện tại, các sản phẩm đặc trưng của huyện Phụng Hiệp đã được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP được 17 sản phẩm, trong đó năm 2021 được công nhận thêm 3 sản phẩm mới. Bên cạnh đó, công nhận VietGAP trên cây lúa với diện tích 50ha ở Hợp tác xã Thạnh Mỹ B, xã Bình Thành, phục vụ xuất khẩu. Nâng tổng mô hình hiệu quả và phát triển mô hình mới trên toàn huyện lên 1.018, tăng 47 mô hình so với năm 2020. Các mô hình trồng trọt có lợi nhuận từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng trên địa bàn toàn huyện là 658 mô hình, trong đó có 82 mô hình đạt từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng, có 13 mô hình đạt trên 500 triệu đồng. Đến nay, trên địa bàn huyện có 109 mô hình ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, tăng thu nhập cho người nông dân.
Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: Năm 2021, toàn huyện đã chuyển đổi được 580ha đất mía sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế khác, nâng tổng diện tích được chuyển đổi từ trước đến nay là 3.000ha. Hiện nay, huyện tiếp tục nhân rộng mô hình theo hướng chiều sâu. Nhân rộng mô hình có quy hoạch và tiến tới thành lập hợp tác xã, ký mã vùng trồng. Tiếp tục mở rộng diện tích khóm MD2 và khuyến cáo người dân trồng xoài trên đất mía kém hiệu quả. Xúc tiến kêu gọi doanh nghiệp đầu tư kỹ thuật sản xuất lúa. Tập trung thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy. Trên cơ sở đó, huyện ký kết với Trường Đại học Cần Thơ để thực hiện một số công việc như quy hoạch tổng thể các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, xây dựng các mô hình theo chuỗi giá trị gắn với phát triển kinh tế tuần hoàn. Tiếp tục thực hiện các công trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng các xã đạt nông thôn mới để đạt nông thôn mới nâng cao.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, năm 2022 huyện tiếp tục thực hiện từ 4.000-5.000ha lúa an toàn được bao tiêu; tiếp tục vận động người dân chuyển đổi 1.000ha đất mía chưa được bao tiêu chuyển đổi sang các loại cây trồng khác; phấn đấu mỗi năm thực hiện từ 5-7 sản phẩm OCOP. Phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 40% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 10% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. |