|
  • :
  • :

Hỗ trợ nông dân phát triển

Để vực dậy thế mạnh nông nghiệp, thời gian qua tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, đề án về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đi kèm với những đề án đó là chính sách hỗ trợ về vốn, cây con giống, quy trình sản xuất để nông dân từng bước xây dựng được mô hình sản xuất đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

 

Nhờ có nhiều chương trình, dự án đã hỗ trợ người dân trong tỉnh chuyển đổi cây trồng hiệu quả. Ảnh: T.TRÚC

Giúp sản phẩm đứng vững trên thị trường

Theo Sở NN&PTNT Hậu Giang, năm qua UBND tỉnh đã ban hành chương trình hành động phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang 5 năm 2021-2025, với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với thị trường, nhất là tập trung cho các nông sản chủ lực như lúa, mít, chanh không hạt, bưởi, khóm, mãng cầu, heo, lươn, cá thát lát và cá tra. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Tăng dần diện tích sản xuất theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp thông minh, bảo vệ môi trường. Hệ thống cơ sở hạ tầng được quy hoạch đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn trước thiên tai.

Theo ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, để từng bước giúp nông sản của huyện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, thời gian qua huyện đã tích cực hỗ trợ nông dân xây dựng được 13 mã số vùng trồng trên 4 loại trái cây như: Mít thái, nhãn Ido, xoài và dưa hấu. Tổng diện tích xây dựng 172ha, có 254 hộ tham gia, tổng sản lượng hàng năm đạt gần 3.700 tấn trái.

Canh tác hơn 2ha nhãn Ido, nhưng chủ yếu chỉ bán nội địa nên lợi nhận mang lại không cao. Cách đây 4 năm, được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp huyện, anh Hồ Văn Tâm, ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, đã mạnh dạn liên kết với 24 hộ dân trồng nhãn Ido trong vùng được 14ha để xin đăng ký mã số vùng trồng cho cây nhãn Ido Thạnh Hòa và tuân thủ các quy trình sản xuất nhãn sạch, chuẩn bị các bước cần thiết để sản xuất nhãn Ido xuất khẩu. Anh Tâm cho biết: “Khi đăng ký xây dựng thành công mã số vùng trồng, sau đó sẽ vận động bà con chuyển sang sử dụng phân hữu cơ và tuân thủ việc ghi chép sổ sách, tuân thủ loại thuốc bảo vệ thực vật nào được xài, cái nào không. Để thời gian tới mình có cơ hội xuất khẩu nhãn ra nước ngoài, từ đó cho giá trị kinh tế cao hơn”.

Ngoài việc xây dựng mã số vùng trồng, thông qua chương trình OCOP, huyện Phụng Hiệp còn hỗ trợ bà con các bước như: xây dựng nhãn hiệu, bao bì và cách thức bảo quản sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Tính đến nay, huyện Phụng Hiệp đã có 21 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh từ 3-4 sao, với sản lượng bán ra tăng từ 50% đến 60% so với thời điểm chưa công nhận.

Nhờ sự hỗ trợ từ chương trình OCOP, rượu lão tửu Út Tây từng bước chinh phục thị trường. Ảnh: D.KHÁNH

Điển hình như cơ sở sản xuất rượu truyền thống Út Tây, khởi nghiệp cách đây 4 năm, nhờ tham gia chương trình OCOP, cơ sở được hỗ trợ một dây chuyền chiết xuất rượu theo hướng hiện đại, từ 1 sản phẩm đạt 3 sao đến nay cơ sở đã có thêm 3 sản phẩm đạt 4 sao, giá trị các sản phẩm tăng gần 30% so với thời điểm mới khởi nghiệp. Bà Võ Thị Phương Trang, chủ cơ sở sản xuất rượu truyền thống Út Tây, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Chương trình OCOP đã giúp cho các chủ thể tự tin giới thiệu sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng. Để từ đó mở rộng quy mô sản xuất và Út Tây cũng vậy, năm qua cũng nhờ OCOP mà sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường và người tiêu dùng ngày càng biết đến nhiều hơn”.

Vực dậy thế mạnh nông nghiệp

Năm năm qua huyện Phụng Hiệp đã ban hành 2 nghị quyết, 1 đề án và 3 chương trình đột phá về chuyển đổi cây trồng và phát triển nông nghiệp gắn với du lịch. Qua đó, huyện đã tranh thủ nguồn vốn hơn 35 tỉ đồng hỗ trợ hơn 320 tấn lúa giống, 300.000 cây con giống, mở hơn 100 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP và nhiều trang thiết bị như nhà xưởng, nhà lưới, hệ thống tưới thông minh để nông dân sản xuất.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết: Để từng bước thực hiện nghị quyết về phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch, theo kế hoạch giai đoạn 2021-2025 huyện Phụng Hiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ cho nông dân khoảng 12 tỉ đồng để xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất. Theo đó, trung bình mỗi năm huyện sẽ hỗ trợ 3-4 tỉ đồng để chuyển giao cho nông hộ về khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất và chăn nuôi theo hướng công nghệ cao và 50% giống, vật tư nông nghiệp, trang thiết bị phục vụ sản xuất. Từng bước hình thành mô hình sản xuất, chăn nuôi với diện tích lớn, tạo ra sản phẩm chất lượng để phục vụ cho khách tham quan du lịch và xuất khẩu.

Với những chính sách hỗ trợ kịp thời đã giúp nông dân ở huyện Phụng Hiệp tự tin xây dựng mô hình và mở rộng quy mô sản xuất. Tính đến nay toàn huyện có 1.018 mô hình tập trung và làm ăn có hiệu quả, trong đó có 109 mô hình sản xuất theo hướng công nghệ cao. Ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho biết: Chính nhờ sự hỗ trợ kịp thời của các đề án, các chương trình hỗ trợ đã góp phần giúp cho huyện nâng chất và xây dựng mới mỗi năm từ 50-70 mô hình sản xuất hiệu quả. Hiện tại, huyện đang tập trung quy hoạch lại vùng sản xuất, song song đó sẽ phối hợp với các công ty, doanh nghiệp vận động nông dân chuyển đổi sang các loại cây trồng đã được liên kết phát triển như khóm MD2, xoài cát Lộc hay lúa an toàn…

Cũng theo ông Lê Như Lê, một điểm khá thuận lợi đối với lĩnh vực sản xuất ở huyện Phụng Hiệp là huyện vừa ký kết giao ước hợp tác với Trường Đại học Cần Thơ. Theo đó, tới đây nông dân trong huyện sẽ được tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản làm ra để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, cho biết: Trong năm 2022 này sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cây trồng, vật nuôi gắn kết với thị trường thông qua Đề án Phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030. Tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường phổ biến, chuyển giao các giống cây trồng mới có chất lượng và giá trị cao vào sản xuất. Phát triển các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Tập trung phát triển các hợp tác xã gắn sản xuất với chuỗi cung ứng; đồng thời phát triển nông nghiệp đảm bảo an toàn chất lượng, tăng cường hướng dẫn, cấp chứng nhận mã số vùng trồng, khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ...

Tỉnh Hậu Giang đang có nhiều chương trình đề án hỗ trợ nông dân như Chương trình hành động phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang 5 năm 2021-2025; Chương trình Khuyến nông trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025; Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030; Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tỉnh Hậu Giang (VnSAT); dự án Cái Lớn - Cái Bé về hợp phần xây dựng mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu; các dự án về nguồn vốn viện trợ nước ngoài...

Nguồn: http://baohaugiang.com.vn/kinh-te/ho-tro-nong-dan-phat-trien-106135.html