|
  • :
  • :

Hướng đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

Trong bối cảnh thay đổi sâu sắc của tình hình thế giới và khu vực dưới tác động của dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và xu thế toàn cầu hóa, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trở thành những thành tố quan trọng trong hoạch định chiến lược của Chính phủ, địa phương và doanh nghiệp.

 

Nông dân Hậu Giang đang phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại.

Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đang từng bước chuyển đổi các khu công nghiệp, khu chế xuất sử dụng công nghệ lạc hậu trở thành khu công nghiệp, khu chế xuất ứng dụng công nghệ cao thân thiện môi trường, ít thâm dụng lao động.

“Thành phố cũng có những chuyển động trong phát triển hạ tầng, đề xuất chính sách phù hợp, tháo gỡ các nút thắt thể chế. Đây cũng là việc chuẩn bị hệ sinh thái cho làn sóng FDI xanh để đón các nhà đầu tư xanh đến với thành phố, phát triển một cách bền vững”, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định.

Trong khi đó, ở tỉnh Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ 10 và 11 đều đặt ra mục tiêu là tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Chính vì lẽ đó mà 31 khu công nghiệp đi vào hoạt động thì bắt buộc phải xử lý nước thải tập trung. Một số doanh nghiệp gần đây đã theo xu hướng đổi mới công nghệ, đối với công đoạn có ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động thì doanh nghiệp bắt đầu chuyển sang dùng robot.

Bên cạnh phát triển công nghiệp “xanh” như các tỉnh, thành phố trên thì Đồng Tháp chọn cho mình hướng phát triển nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường. Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ: Đồng Tháp là tỉnh nông nghiệp, đầu nguồn vùng đồng bằng sông Cửu Long, do đó tỉnh nhận thức rõ được tầm quan trọng của phát triển bền vững. Trong giai đoạn tiếp theo, phát triển bền vững đã được đưa vào Nghị quyết của Tỉnh ủy, cùng với việc triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn mới, cũng như Đề án Chuyển đổi số, Đồng Tháp đang quyết tâm cao hướng đến mục tiêu phát triển xanh và bền vững.

Ở một khía cạnh khác, theo bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, hội tụ nguồn nhân lực là quan trọng. Bởi không chỉ đi thành phố lớn mới thành đạt mà dùng kiến thức để quay về quê, biết cách nâng chuỗi giá trị sản xuất đưa quê hương phát triển. Từng nơi phát triển xanh thì đất nước mới xanh được.

Bà Cao Xuân Thu Vân đề xuất: “Muốn làm được điều đó thì quy hoạch chung của mình phải thích ứng toàn bộ quy hoạch chung của các ngành, thuận với hiệp ước mình ký kết để thống nhất nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng đâu thì phát triển xanh đến đó để doanh nghiệp thấy thuận lợi phát triển dự án. Cuối cùng, ngân sách của mình nên quan tâm giáo dục, đưa nội dung ngay từ bây giờ để tạo thế hệ nhận thức, lúc này mới bền vững thật sự”.

Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, đánh giá cao về nỗ lực của Việt Nam trong các cam kết mạnh mẽ về môi trường cũng như định hướng phát triển kinh tế xanh, bền vững. Theo ông Alain Cany, mặc dù đạt nhiều kết quả nhưng Việt Nam còn nhiều việc phải làm, cần thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, đặc biệt là việc biến rác thải thành năng lượng.

Ông Alain Cany cho biết: “Các doanh nghiệp thuộc EuroCham đang có một số dự án để thúc đẩy mục tiêu carbon bằng 0, ví dụ như nhà máy sản xuất Lego tại Bình Dương đã đưa ra cam kết xây dựng nhà máy không carbon. Họ dùng điện áp mái và các nguồn năng lượng sạch”.

Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, cho biết mục tiêu của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025 là đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%, kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28-30%; 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý hoàn toàn; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%; tỷ lệ che phủ rừng không thấp hơn mức 42%.

Ông Tạ Đình Thi nhấn mạnh: “Nếu nền kinh tế của chúng ta chậm “xanh hóa” các ngành hàng, nếu các doanh nghiệp chậm “chuyển đổi xanh” từ mô hình hoạt động đến quy trình sản xuất, đầu tư, thương mại thì sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội hợp tác và phát triển. Thập kỷ này và nhiều thập kỷ tới, chắc chắn xu hướng cạnh tranh trên toàn cầu sẽ là “cạnh tranh xanh”. Do đó, những câu chuyện thành công và dẫn dắt xu hướng hướng này sẽ thuộc về các nền kinh tế, các địa phương, các doanh nghiệp và người dân biết nắm bắt sớm, hành động ngay và không ngừng thúc đẩy chuyển đổi xanh”.

Quan điểm phát triển của Việt Nam trong giai đoạn 10 năm tới là “phát triển nhanh và bền vững”, đồng thời “phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biển đổi khí hậu”. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc đánh giá cao việc nhiều địa phương đã xây dựng và ban hành chiến lược, kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cũng như các doanh nghiệp đã tìm kiếm các mô hình đổi mới sản xuất theo hướng xanh, bền vững. Bởi “xanh” hóa những mảng “nâu” kinh tế, đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững, gia tăng đầu tư tư nhân là những bước tiến quan trọng góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc nhấn mạnh: “Địa phương, doanh nghiệp và người dân không chỉ là trung tâm, động lực, đối tượng thụ hưởng, mà còn là các chủ thể nòng cốt và đi đầu hiện thực hóa các mục tiêu này. Việc nắm bắt các cơ hội để hội tụ nguồn lực của các chủ thể liên quan là quan trọng để xây dựng nền kinh tế - xã hội xanh gắn với phát triển bền vững”.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao cũng cam kết là người đồng hành tin cậy cùng địa phương và doanh nghiệp trên chặng đường đi tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng các địa phương và doanh nghiệp giai đoạn tới sẽ trở thành một lực lượng đi đầu năng động, sáng tạo, khơi dậy khát vọng phát triển, phồn vinh, đưa địa phương và đất nước cất cánh trong thời gian tới.

Theo tính toán sơ bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới, chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đến năm 2030 dự kiến cần khoảng 30 tỉ USD. Trong đó, ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 30% và cần tới 70% từ các nguồn lực khác, trong đó chủ yếu được xác định là khu vực tư nhân.

Nguồn: http://baohaugiang.com.vn/kinh-te/huong-den-tang-truong-xanh-va-phat-trien-ben-vung-105939.html