|
  • :
  • :

Thúc đẩy phát triển nông nghiệp ĐBSCL

Tại Hội nghị thúc đẩy phát triển nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các tỉnh, thành phố cần tập trung để đẩy mạnh phát triển toàn vùng ĐBSCL nhanh và bền vững theo hướng chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn không ngừng được quan tâm đầu tư góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển.

Khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2021, giá trị gia tăng tổng sản phẩm ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL tăng 1,6%, chiếm 32,2% giá trị gia tăng tổng sản phẩm trên địa bàn toàn vùng và chiếm 31,3% giá trị gia tăng tổng sản phẩm toàn ngành nông nghiệp cả nước. ĐBSCL đứng đầu cả nước về sản lượng gạo, tôm nước lợ, cá tra và trái cây, với 24,5 triệu tấn lúa (chiếm 55,4% cả nước), 0,78 triệu tấn tôm (chiếm 83,5%), 1,47 triệu tấn cá tra (chiếm 98%) và 4,3 triệu tấn trái cây (chiếm 60%).

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh: ĐBSCL là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, trái cây, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của cả nước. Vùng kinh tế trọng điểm của vùng ĐBSCL gồm 4 tỉnh, thành phố Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau; đây là vùng có vai trò quan trọng trong chuyển giao công nghệ sinh học, cung cấp giống, các dịch vụ kỹ thuật logistics, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp cho cả vùng ĐBSCL.

Những năm qua, nông nghiệp ĐBSCL liên tục tăng trưởng, có những thành tựu phát triển vượt bậc, đóng góp lớn cho tăng trưởng, phát triển ngành nông nghiệp cả nước, thực hiện nhiệm vụ bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, luôn đứng đầu cả nước về sản lượng và giá trị xuất khẩu lúa gạo, trái cây, thủy sản. Phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới được chú trọng, đạt nhiều kết quả tích cực, đời sống của nông dân và người dân nông thôn được cải thiện đáng kể.

Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật. Đến hết năm 2021, có 37 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 địa phương là thành phố Cần Thơ và tỉnh Bạc Liêu đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hình thức tổ chức sản xuất được thúc đẩy theo hướng tăng cường hợp tác, liên kết giữa sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Toàn vùng có trên 100.000 cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, có trên 2.460 hợp tác xã nông nghiệp (24,8% tham gia chuỗi liên kết sản xuất); đồng thời, đã triển khai nhiều hoạt động nâng cao hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp, gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được quan tâm đầu tư góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển và đổi mới bộ mặt nông thôn. Thời gian qua, đã đầu tư đồng bộ hệ thống kênh với 15.000km kênh trục và kênh cấp I, 77.000km kênh cấp II và cấp III. Đã hình thành các hệ thống công trình thủy lợi và hệ thống đê bao, hạ tầng cấp nước, hạ tầng cảng cá khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Tính đến nay, tỷ lệ số xã toàn vùng đạt tiêu chí về hạ tầng giao thông nông thôn là 78% (gần bằng tỷ lệ này của cả nước - 79%).

Cùng với hệ thống hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai, cấp nước sinh hoạt, hệ thống cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão cũng được đầu tư nâng cấp, như khu neo đậu tránh trú Rạch Gốc (Cà Mau), Hòn Tre (Kiên Giang), Kinh Ba (Sóc Trăng), Cung Hầu (Trà Vinh), Bình Đại (Bến Tre), cửa sông Soài Rạp (Tiền Giang)...; các cảng cá, bến cá Tắc Cậu, Bình Đại, Gành Hào, Trần Đề… Các hệ thống cơ sở hạ tầng trên đã góp phần bảo vệ và phát triển sản xuất, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Phấn đấu đến năm 2030, phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới.

Đón nhiều cơ hội mới

Theo Bộ NN&PTNT, gần đây, ĐBSCL đón thêm cơ hội mới, đó là việc Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, trung tâm kết nối các địa phương trong vùng. Cùng với hệ thống giao thông đường bộ, trong đó các tuyến cao tốc trong giai đoạn trung hạn 2021-2025, các dự án thủy lợi, phòng chống thiên tai, sạt lở bờ sông, bờ biển, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư, mở ra nhiều dư địa phát triển mới, đồng bằng dần khơi thông điểm nghẽn về một vùng trũng hạ tầng

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Cơ hội chỉ được khởi tạo và tận dụng khi từng địa phương và cả vùng chuẩn bị thật tốt, thật đồng bộ ngay từ bây giờ, với tâm thế sẵn sàng, chủ động. Nếu không, sẽ mãi dừng lại ở cơ hội. Chúng ta cùng nhau hình dung rằng, trong vài ba năm nữa, khi hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông - vận tải, đô thị, thủy lợi, phòng chống thiên tai, logistics phục vụ nông nghiệp, nông thôn thì đồng bằng sẽ như thế nào? Chắc chắn dòng chảy nông sản đến thị trường sẽ nhanh hơn, chi phí sẽ giảm hơn, sức cạnh tranh hàng hóa sẽ cao hơn. Doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu,… sẽ đến với ĐBSCL ngày càng nhiều hơn. Chúng ta có niềm tin vững chắc rằng, khát vọng vùng đất chín rồng với nền nông nghiệp “Xanh - Sinh thái - Bền vững” sẽ sớm được hiện thực hóa.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng liên kết vùng ĐBSCL không phải là phép tính cộng về dân số, về diện tích, về nguồn lực hữu hình của 13 tỉnh, thành phố. Hơn hết, đó là độ mở, kết nối về tư duy, kết nối các nguồn lực vô hình, vô hạn, tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa “Nhà nước - thị trường - xã hội”, kiếm tìm xung lực mới, khởi tạo không gian phát triển mới. Khi ấy, mỗi địa phương, với điều kiện đặc thù, thế mạnh riêng biệt, sẽ đóng góp chủ động, hài hòa vào tổng thể không gian kinh tế chung. Khi ấy, đồng bằng sẽ trở thành một thực thể kinh tế hoàn chỉnh, vận hành linh hoạt, năng động; người dân sẽ vững vàng tâm thế chủ thể, chất lượng sống của bà con nông dân ngày càng được nâng cao.    

Bộ NN&PTNT sẽ khai trương Văn phòng điều phối Nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ. Ngoài ra, sẽ tích cực đàm phán, kêu gọi các dự án đầu tư hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, trong đó có chuỗi kho lạnh bảo quản nông sản cấp độ liên huyện, liên tỉnh dọc theo sông Hậu và sông Tiền. Hy vọng rằng, đến năm 2025, cùng với hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng nông nghiệp, hạ tầng xã hội, giáo dục, nguồn nhân lực, tư duy liên kết vùng sẽ quyết định sự phát triển bền vững cho vùng châu thổ sông Mekong.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị thúc đẩy phát triển nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, với chủ đề “Khát vọng nông nghiệp đất chín rồng xanh - sinh thái - bền vững”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Trong bối cảnh Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ĐBSCL phải là một thực thể, 13 tỉnh, thành không thể rời rạc mà phải bổ sung cho nhau cùng liên kết, phát triển. Trong đó, sản xuất phải gắn với thị trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phải có công nghiệp chế biến, dịch vụ đi kèm. Đặc biệt cần ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất lao động.

Các tỉnh, thành phố cần tập trung để đẩy mạnh phát triển toàn vùng ĐBSCL nhanh và bền vững theo hướng chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; giữ vững an ninh, quốc phòng; ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tập trung đề xuất các cơ chế, chính sách để phát triển ĐBSCL; quy hoạch vùng nguyên liệu; phát triển hạ tầng; đào tạo, phát huy nguồn nhân lực; đầu tư khoa học, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Theo quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu đến năm 2030, phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới. Trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế và các đô thị động lực tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng, ứng dụng công nghệ cao với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển kinh tế biển, tăng cường kết nối nội vùng, trong nước và quốc tế; chú trọng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo dựng môi trường sống bền vững, chất lượng sống tốt cho người dân địa phương gắn với bảo tồn các tài nguyên, hệ sinh thái quan trọng.

Nguồn: http://baohaugiang.com.vn/kinh-te/thuc-day-phat-trien-nong-nghiep-dbscl-105268.html