|
  • :
  • :

Thời tiết bất lợi, năng suất lúa hè thu vẫn tăng

Đến nay, nông dân trong tỉnh cơ bản thu hoạch xong lúa hè thu. Dù vụ lúa này gặp thời tiết bất lợi, đầu vụ nắng hạn khiến nhiều diện tích khô cháy, đến khi thu hoạch thì gặp mưa, nhưng năng suất vẫn đạt cao.

Năng suất tăng

TX Đông Hòa gieo sạ lúa vụ hè thu trễ hơn các địa phương khác trong vùng tưới của thủy nông Đồng Cam do nằm cuối nguồn nước. Cũng vì vậy nên gặp khó khăn trong khâu tưới dẫn đến khô hạn. Cả thị xã có đến 379ha thiếu nước, trong đó phường Hòa Xuân Tây 110ha, các xã Hòa Xuân Đông 10ha, Hòa Tân Đông 120ha và Hòa Xuân Nam 10ha, Hòa Tâm 30ha... Phòng Kinh tế TX Đông Hòa đã phối hợp với các địa phương kiểm tra tình hình khô hạn và tổ chức bơm chống hạn.

Ông Đoàn Văn Thức ở xã Hòa Tân Đông chia sẻ: Tôi có 2 đám ruộng, vụ này mã lúa đẹp nhưng lúa không no gạo vì bị khô nước. Tôi đi thăm đồng, thấy khu vực ruộng phía trên nước đầy đủ thì gié lúa dài, nặng hạt, năng suất cao.

Theo ông Võ Thanh, Phó Phòng Kinh tế TX Đông Hòa, đến nay nông dân địa phương cơ bản thu hoạch xong hơn 4.623ha lúa hè thu, năng suất 69 tạ/ha, vượt 2 tạ/ha so với kế hoạch, tăng 0,7 tạ/ha so với vụ hè thu năm trước; sản lượng hơn 31.903 tấn, vượt 0,74% kế hoạch, tăng 6,7% so với cùng kỳ.

Còn tại huyện Tây Hòa, đến nay công dân đã thu hoạch 6.470ha lúa vụ hè thu, năng suất ước đạt 73 tạ/ha, tăng 0,5% so với vụ hè thu năm 2020, sản lượng 47.238 tấn. Cũng trong vụ hè thu vừa qua, do nắng hạn kéo dài nên các hồ chứa nước khô cạn, Phòng NN-PTNT huyện thực hiện việc bơm tưới khắc phục hậu quả hạn hán trên tổng diện tích toàn huyện là 959ha, trong đó diện tích mất trắng 48ha, thiệt hại năng suất từ 30-70% là 75ha.

Ông Nguyễn Dũng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, cho hay: Nắng hạn xảy ra, ngoài diện tích xa nguồn nước không thể bơm tưới dẫn đến mất trắng, số còn lại địa phương kịp thời bơm chống hạn cứu lúa. Vụ này các xã, thị trấn tập trung gieo sạ đúng khung lịch thời vụ chung của huyện, người dân sử dụng giống có năng suất, chất lượng cao như OM2695-2, ML49, ML123…

Cùng với đó, công tác chăm sóc, bón phân cân đối giữa đạm, lân, kali ngày càng được nông dân chú trọng. Tình hình sâu bệnh gây hại trên đồng ruộng tuy có xảy ra nhưng được khống chế kịp thời nên cuối vụ mang lại năng suất cao.

Khó khăn trong tận dụng rơm

Vụ hè thu, nhiều cánh đồng lúa chưa kịp chín đã gặp mưa khiến nhiều diện tích đổ ngã. Vụ này lại thiếu máy gặt đập dẫn đến tiến độ thu hoạch chậm.

Trên cánh đồng lúa các huyện Tây Hòa, Phú Hòa, nhiều diện tích lúa ngã nằm chờ máy. Ông Trần Nguyễn Lâm Viên, Phó phụ trách Trạm Khuyến nông Tây Hòa, cho biết: Đến mùa thu hoạch, vùng này máy gặt đập từ tỉnh Gia Lai xuống, TX Đông Hòa lên rất nhiều. Năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, các chủ máy không đưa máy đến được nên thời điểm lúa chín chờ máy thu hoạch thì gặp mưa, lúa đổ ngã, nông dân tốn chi phí thuê máy gặt đập lúa ngã đổ cao hơn lúa đứng. Cũng chính vì vậy, nhiều người thu hoạch lúa khô thành lúa ướt.

Theo bà Nguyễn Thị Hương ở xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa, mấy năm trước máy gặt đập từ các nơi khác đến thu hoạch kiểu cuốn chiếu hết đồng này qua đồng khác nên tiến độ nhanh. Còn vụ này chỉ có máy tại chỗ nên thu hoạch chậm. “Một ngày tôi chạy lên chạy xuống 3 lần “canh” máy gặt đến khu ruộng mình thì gọi họ gặt chớ để đi qua khu ruộng khác thì khó quay lại. Canh 2 ngày mới có máy gặt, khi gặt xong phơi rơm chưa kịp khô thì gặp mưa liên tiếp, không chỉ tôi mà nhiều nông dân mất mùa rơm khô”, bà Hương cho hay.

Canh tác trên cánh đồng Thành, đồng Núi Một thuộc xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân), ông Trần Văn Bình ở địa phương này cho biết: “Sáng máy gặt đập thu hoạch phun rơm, vợ chồng tôi phơi và trở rơm một ngày, tối gọi máy cuốn rơm chở về nhà. Nhiều người không chịu cuốn rơm ban đêm như tôi nên rơm ướt nằm lại tại ruộng. Nhiều người thất thu rơm khô, không có để trữ làm thức ăn cho bò”.

Theo nhiều nông dân chăn nuôi bò, vụ này người nuôi quý rơm khô, vì qua vụ hè thu, đến tháng 4 năm sau mới thu hoạch vụ lúa mới, nghĩa là lúc đó mới có rơm cho bò. Vụ này không trữ được rơm, mùa mưa đến thiếu rơm cho bò ăn, bò đói, gầy ốm. Có năm, nhiều gia đình nuôi bò số lượng nhiều, đầu tư 500.000-1 triệu đồng mua rơm, nhưng không có rơm khô để mua.

Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Phú Yên, lúa vụ hè thu nông dân toàn tỉnh đã thu hoạch 22.592,7ha, còn 1.877,2ha chưa thu hoạch. Trong đó, tại Tuy An còn 41ha, Sông Hinh 321,2ha, Tây Hòa 1.062ha, Phú Hòa 165ha, và TP Tuy Hòa 288ha. Năng suất lúa ước đạt 68,4 tạ/ha.

 

Nguồn: http://baophuyen.com.vn/82/265885/thoi-tiet-bat-loi-nang-suat-lua-he-thu-van-tang.html