|
  • :
  • :

Nhẹ lo mưa lũ, khó khâu tiêu thụ lúa

Nếu như tình hình mưa lũ không đáng lo ngại trong việc sản xuất lúa Hè Thu và Thu Đông thì tình hình tiêu thụ lúa đang đặt ra vấn đề nan giải trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.

Ngành chuyên môn dự báo tình hình mưa lũ cơ bản không ảnh hưởng sản xuất.
Ngành chuyên môn dự báo tình hình mưa lũ cơ bản không ảnh hưởng sản xuất.

Nếu như tình hình mưa lũ không đáng lo ngại trong việc sản xuất lúa Hè Thu và Thu Đông thì tình hình tiêu thụ lúa đang đặt ra vấn đề nan giải trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.

Mưa lũ cơ bản không ảnh hưởng sản xuất

Nhận định diễn biến lũ của Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, lũ đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu và Châu Đốc trong tháng 8 có xu thế tăng với cường suất từ 2- 3 cm/ngày. Lũ tăng mạnh hơn vào cuối tháng 8 và mực nước lớn nhất đạt 2,6m tại Tân Châu và 2,1m tại Châu Đốc. Mực nước lũ đầu vụ không cao nên ít có khả năng ảnh hưởng đến các khu vực sản xuất lúa Hè Thu và Thu Đông trên địa bàn các tỉnh ĐBSCL.

Lũ nội đồng tại vùng giữa ĐBSCL, trong đó có Vĩnh Long, mực nước lũ ở mức thấp và chịu tác động mạnh bởi thủy triều. Dự báo cuối tháng 8 ở khu vực này mực nước lớn nhất biến đổi từ 0,47- 1,73m, mực nước cao biến đổi từ 1- 1,73m tập trung ở khu vực ven sông chính và giáp vùng thượng. Các khu vực phía dưới, xa sông chính và sâu bên trong nội đồng mức nước phổ biến thấp dưới mức 1m.

Cũng theo Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam, ứng với mức lũ đầu vụ là 2,6m tại Tân Châu, về cơ bản hệ thống ô bao, bờ bao đáp ứng bảo vệ sản xuất. Các tỉnh vùng giữa về cơ bản không ảnh hưởng sản xuất do lũ thượng nguồn ở mức thấp và triều dự báo ở mức không cao.

Hiện trên lưu vực hạ lưu sông Mekong và ĐBSCL chưa xảy ra ngập úng do mưa lũ. Mưa dự báo trong tháng 8 thấp hơn trung bình nhiều năm. Đặc trưng thủy triều dự báo trong tháng 8: đỉnh triều chủ yếu đạt vào các ngày cuối tháng. Đỉnh triều tháng 8 dự báo cao hơn trung bình nhiều năm nhưng thấp hơn đỉnh triều cùng kỳ các năm 2019, 2020.

Tính đến đầu tháng 8/2021, lúa Hè Thu của tỉnh Vĩnh Long đã xuống giống được 45.320ha (đạt 88% so với kế hoạch) lúa chủ yếu chắc xanh- chín. Trà lúa Hè Thu đã thu hoạch 44.195ha với năng suất bình quân 5,56 tấn/ha. Lúa Thu Đông 2021 đã xuống giống được 33.925ha, đạt 73% so kế hoạch vụ. Các trà lúa đang sinh trưởng và phát triển khá tốt, phổ biến các trà lúa đang ở giai đoạn mạ- trổ.

Giá lúa giảm, khó tiêu thụ

Giá lúa Hè Thu 2021 tại các tỉnh ĐBSCL đang giảm mạnh, việc thu hoạch, vận chuyển lúa cũng gặp vô vàn khó khăn do các tỉnh- thành phía Nam vẫn tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, ảnh hưởng lớn đến đời sống nông dân.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp- PTNT đã họp trực tuyến với Bộ Công thương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp để tìm cách tháo gỡ. Theo Bộ Công thương, giá lúa tại ĐBSCL hiện đang trên đà giảm. Theo ước tính của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ 2- 6/8, giá lúa thường tại ruộng giảm bình quân 133 đ/kg, hiện chỉ còn khoảng 5.000 đ/kg.

Theo các địa phương, nguyên nhân chính dẫn đến tình hình giá lúa giảm là do các tỉnh- thành phía Nam hiện đang thực hiện giãn cách xã hội, việc di chuyển thu mua giữa các địa phương khó khăn nên nhiều doanh nghiệp đã ngừng mua lúa. Đối với việc thu mua lúa gạo vụ Hè Thu 2021, sản lượng thu mua sụt giảm 20- 30%. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng thực hiện sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” nên buộc phải dừng hoạt động, ảnh hưởng lớn đến toàn chuỗi sản xuất và cung ứng.

Trước tình hình đó, các kiến nghị được Bộ Nông nghiệp- PTNT đưa ra đều tập trung vào việc gỡ khó trong lưu thông cho hoạt động sản xuất và tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu lúa gạo.

Theo Cục phó Cục Trồng trọt- Lê Thanh Tùng, việc bốc xếp, vận chuyển, lưu thông lúa hàng hóa bị đứt gãy chuỗi cung ứng từ ngoài đồng, đến nhà máy, giao ra cảng và lên tàu cho khách hàng. Kênh phân phối nội địa cũng khó khăn giao hàng cả đường bộ, đường thủy. Nhà máy sản xuất xong thiếu hoặc không có ghe, sà lan giao lên cảng. Trong khi khách quốc tế vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp không giao hàng được.

Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến về hoạt động của các tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại phía Nam, Bộ Nông nghiệp- PTNT kiến nghị Chính phủ cho tăng thu mua tạm trữ lúa Hè Thu để nông dân yên tâm cũng như kích cầu sản xuất vụ Thu Đông và việc bố trí tiêm vắc xin cho đội ngũ lao động trực tiếp tại các khu vực sản xuất, tiêu thụ nông- lâm- thủy sản.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Trần Thanh Nam cho rằng lượng lúa Hè Thu đang rất nhiều, nếu không có chính sách kịp thời nhiều đối tượng sẽ trục lợi, nông dân là đối tượng thiệt thòi. Do vậy, Tổ công tác đề xuất Bộ trưởng kiến nghị Chính phủ có chính sách thu mua dự trữ lúa Hè Thu theo chương trình dự trữ quốc gia. Khi đó, thị trường sẽ được kích cầu, giá lúa cải thiện, nông dân có động lực làm vụ lúa Thu Đông.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Lê Minh Hoan, để cắt đứt đà giảm của giá lúa gạo vụ Hè Thu, cần tăng cường trách nhiệm của địa phương về khâu liên kết, lưu thông giữa các doanh nghiệp. Các địa phương ĐBSCL phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp, thương lái đi thu mua, vận chuyển lúa; tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp đảm bảo “3 tại chỗ”.

Bộ trưởng cũng đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh- thành vùng ĐBSCL chỉ đạo Sở Nông nghiệp- PTNT, chính quyền địa phương thành lập các tổ công tác hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản. Đồng thời, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh cho tổ chức, cá nhân trong sản xuất, thu hoạch, vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp. Các doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa để tự gỡ cho mình và gỡ cho địa phương. Ngân hàng hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp tăng cường mua lúa cho dân.

Nguồn: http://baovinhlong.com.vn/kinh-te/202108/nhe-lo-mua-lu-kho-khau-tieu-thu-lua-3072444/