Ngày 5/2/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 324/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án “Ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”. Đề án do Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Thông tin KH&CN tỉnh triển khai thực hiện.
Đóng gói chế phẩm vi sinh tại Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Thông tin KH&CN tỉnh- Ảnh: V.T.H
Mục tiêu của đề án là phát động phong trào sử dụng chế phẩm vi sinh trong sản xuất nông nghiệp trên toàn tỉnh nhằm cải tạo đất, thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực, xử lý ô nhiễm môi trường, góp phần tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới. Ứng dụng có hiệu quả các loại chế phẩm vi sinh trong trồng trọt; chăn nuôi lợn, nuôi trồng thủy sản, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân và cải thiện chất lượng môi trường. Các hộ dân tham gia đề án được hỗ trợ 70% kinh phí mua chế phẩm vi sinh trong 3 năm đầu (từ năm 2021 - 2023) và 50% cho 2 năm tiếp theo (từ năm 2024 - 2025).
Những năm trước đây, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã chỉ đạo nghiên cứu sản xuất thành công các chế phẩm vi sinh học như: Compo-QTMIC, Tricho-Pseu, Nitro-QTMIC, Perfect-QTMIC, Pro-QTMIC và Bio-QTMIC. Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Thông tin KH&CN tỉnh đã xây dựng các mô hình thí điểm sử dụng các chế phẩm vi sinh này trong sản xuất nông nghiệp như: Xử lý môi trường trong chăn nuôi, xử lý ao hồ trong nuôi tôm, bổ sung vào thức ăn cho vật nuôi mang lại hiệu quả cao. Từ kết quả nghiên cứu, thử nghiệm, trung tâm đã chuyển giao công nghệ và kỹ thuật ứng dụng các chế phẩm vi sinh cho các tổ chức, cá nhân có kết quả tích cực.
Trong quá trình chế biến, các cơ sở sản xuất cà phê trên địa bàn huyện Hướng Hóa thải ra một lượng vỏ cà phê khá lớn gây ô nhiễm môi trường. Để khắc phục tình trạng này, Sở KH&CN đã chỉ đạo Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Thông tin KH&CN nghiên cứu, phân lập các chủng vi sinh vật và hoàn thiện quy trình, công nghệ sản xuất thành công chế phẩm vi sinh vật Compo- QTMIC phân giải vỏ cà phê. Từ kết quả nghiên cứu, trung tâm đã xây dựng mô hình sản xuất phân hữu cơ từ vỏ cà phê tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa đạt kết quả cao, vừa giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường do vỏ cà phê gây ra, vừa tạo một lượng phân hữu cơ lớn, góp phần tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp nhờ tăng năng suất, chất lượng cho cây trồng và giảm chi phí sản xuất.
Giám đốc HTX Công Bằng Sa Mù, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa Võ Thanh Hoàng cho biết: “Từ năm 2017, được sự hỗ trợ của Sở KH&CN về kỹ thuật, chế phẩm vi sinh và các loại máy hỗ trợ như máy xay, HTX Công Bằng Sa Mù đã sản xuất phân bón hữu cơ từ vỏ cà phê. Sau 2 tháng ủ với chế phẩm vi sinh, vỏ cà phê tươi trở thành hỗn hợp phân hữu cơ có thể sử dụng cho mọi loại đất với hàm lượng chất dinh dưỡng cao. Từ đó đến nay, mỗi năm HTX sản xuất được 30 - 50 tấn, đảm bảo đủ cung cấp cho xã viên. Thấy rõ hiệu quả mô hình sản xuất phân hữu cơ từ vỏ cà phê, hiện nay người dân xã Hướng Phùng đều tận dụng các phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp để làm phân hữu cơ. Vỏ cà phê sau chế biến từ chỗ đem đổ bỏ gây ô nhiễm môi trường thì đến nay được bán với giá cao để sản xuất phân bón hữu cơ”.
Với kết quả tích cực về nghiên cứu và ứng dụng chế phẩm vi sinh vào sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã chủ trương đẩy mạnh ứng dụng trên diện rộng vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp. Để đề án được triển khai thuận lợi, trong năm 2021, Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Thông tin KH&CN tỉnh phát động phong trào trong nông dân toàn tỉnh về tuyên truyền, phổ biến ứng dụng chế phẩm vi sinh vào sản xuất; đồng thời hướng dẫn kỹ thuật và tổ chức cho các hộ nông dân thực hành ứng dụng các loại chế phẩm vi sinh vào sản xuất nông nghiệp. Trước mắt, trung tâm triển khai hướng dẫn sản xuất phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp và xử lý chất thải chăn nuôi bảo vệ môi trường sinh thái tại các xã về đích nông thôn mới trước và trong năm 2021. Trung tâm hỗ trợ 8 tấn chế phẩm CompoQTMIC và Tricho-Pseu để xử lý khoảng 4% lượng phế phụ phẩm nông nghiệp sản xuất ra 8.000 tấn phân hữu cơ. Trong nuôi trồng thủy sản thâm canh, trung tâm hỗ trợ 4 tấn chế phẩm Nitro-QTMIC để xử lý môi trường ao nuôi cho 40 ha/vụ và 4 tấn chế phẩm PerfectQTMIC bổ sung thức ăn nuôi tôm cho 8 ha ao nuôi/vụ. Đối với chăn nuôi lợn, trung tâm giới thiệu, hướng dẫn 2 - 3 trang trại chăn nuôi lợn và 20 hộ sử dụng chế phẩm Pro-QTMIC bổ sung thức ăn với lượng hỗ trợ 1 tấn và 1 tấn chế phẩm Bio-QTMIC để xử lý môi trường chăn nuôi làm đệm lót sinh học.
Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ sinh học, trong đó có công nghệ vi sinh vào sản xuất đã mang lại những tác dụng to lớn cho ngành nông nghiệp với những ưu điểm vượt trội như: Giúp cân bằng hệ sinh thái trong đất nói riêng và môi trường nói chung; cải thiện môi trường lý, hóa, sinh của đất, góp phần tăng độ phì nhiêu và tiêu diệt các mầm bệnh, sâu, côn trùng gây hại, tăng sức đề kháng cho cây trồng và vật nuôi; giúp lưu giữ và sản sinh nước, chất dinh dưỡng; kiểm soát dòng chảy của phân bón; tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi; phân hủy, chuyển hóa các phế thải sinh học, phế thải nông nghiệp, công nghiệp thành phân hữu cơ; góp phần làm sạch môi trường… Phấn đấu đến năm 2030, 70% lượng phế phụ phẩm nông nghiệp với khoảng 400.000 tấn được sử dụng để sản xuất phân hữu cơ; có khoảng 50% - 60% trang trại nuôi tôm thâm canh sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý môi trường ao nuôi và bổ sung vào thức ăn cho tôm; 40% - 50% trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm sử dụng chế phẩm vi sinh để phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, an toàn sinh học; hình thành được mạng lưới cung ứng chế phẩm vi sinh đến các địa phương.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Thông tin KH&CN tỉnh Đào Ngọc Hoàng cho biết: “Trung tâm tiến hành đào tạo chuyển giao kỹ thuật công nghệ, xây dựng kế hoạch, chương trình, tài liệu cụ thể sát thực tế cho việc triển khai đề án. Bố trí cán bộ kỹ thuật tổ chức đào tạo cho các HTX, tổ sản xuất để từ đó nhân rộng trong nông dân. Cùng với đó, trung tâm cũng chuyển giao trực tiếp vật tư, công nghệ vi sinh và kỹ thuật cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Trong quá trình triển khai, trung tâm có thể phối hợp lồng ghép với các chương trình, dự án đào tạo nghề nông thôn, xây dựng mạng lưới đào tạo viên cơ sở, cung cấp chế phẩm vi sinh… để thực hiện đề án đạt hiệu quả cao nhất”.
Theo http://www.dostquangtri.gov.vn/