Dù mới đầu tư nuôi dê được 5 năm nhưng trại dê của gia đình anh Nguyễn Trung Ân ở ấp Tân Lập, xã Tân Thành thuộc diện lớn nhất huyện Bù Đốp. Trang trại có quy mô khoảng 600 con gồm dê bo đầu sô, bách thảo, dê lai. Tháng 3-2021, gia đình anh nhập hơn 150 con giống với giá từ 170-190 ngàn đồng/kg. Trước khi dịch bùng phát, việc chăn nuôi và mua bán dê dễ dàng, thuận lợi, mỗi tháng anh bán hàng trăm con dê thịt với giá dao động từ 120-150 ngàn đồng/kg. Các thương lái ở TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… tự tìm đến thu mua.
Cũng như nhiều hộ nuôi dê khác, trại dê giống của gia đình anh Nguyễn Gia Triệu không thể xuất bán vì dịch Covid-19 không có người đến mua
Thế nhưng nhiều tháng nay, dê đã đến kỳ xuất bán nhưng không có người mua, dù giá chỉ bằng nửa so với trước. Trong khi đó, mỗi ngày anh phải tốn khoảng 3 triệu đồng chi phí mua thức ăn. Anh Ân chia sẻ: “Do ảnh hưởng bởi dịch nên rất khó khăn trong việc tiêu thụ, muốn bán mà không bán được. Dê càng lớn thì giá trị thịt càng thấp. Bây giờ càng nuôi càng lỗ nhưng không còn cách nào, chỉ biết cho dê ăn cầm cự chờ qua dịch”.
Tương tự trại dê giống của anh Nguyễn Gia Triệu ở ấp Tân Hòa, xã Tân Tiến có quy mô cũng khá lớn với 200 con. Là trại chuyên sản xuất dê giống nên từ khâu làm chuồng đến thức ăn đều được thiết kế cầu kỳ và kỹ lưỡng, đảm bảo quy trình sạch, an toàn. Thức ăn cho dê chủ yếu là bắp ủ men vi sinh, ngoài ra anh còn bổ sung thêm cỏ, lá cây. Với số lượng dê hiện tại, mỗi ngày anh phải chi từ 600-700 ngàn đồng tiền thức ăn. Bình thường mỗi tháng anh bán khoảng 15 con dê giống với giá từ 12-15 triệu đồng/con. Nhưng từ đầu đợt dịch đến nay, anh vẫn chưa bán được con nào. “Hiện nay, dê thịt không bán được thì dê giống làm sao có đầu ra. Giờ chỉ còn cách tiếp tục nuôi chờ qua đợt dịch, biết sẽ lỗ nhưng không còn cách nào khác” – anh Triệu chia sẻ.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành Huỳnh Phi Long cho biết: “Vài năm trở lại đây, khi giá tiêu, cao su tụt dốc thì giá dê lại cao và ổn định. Với thức ăn sẵn có từ nọc tiêu, lá cây và cỏ nên người dân chuyển sang nuôi dê rất nhiều. Riêng xã Tân Thành có thời điểm số hộ nuôi dê chiếm 90% số hộ dân trong xã, với tổng đàn lên đến vài chục ngàn con. Cuộc sống của người dân khá ổn định từ việc chăn nuôi dê. Thế nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn bởi không có đầu ra, dù giá dê rất thấp”.
Hỗ trợ xây dựng lò mổ, quảng bá sản phẩm
Trồng tiêu kết hợp nuôi dê là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao và trở thành phương thức giảm nghèo đối với người dân huyện biên giới Bù Đốp nhiều năm qua. Vì vậy, nuôi dê ngày càng phát triển mạnh và trở thành phong trào. Trong khoảng thời gian dài, giá dê thịt, dê giống cao và ổn định đã đem lại cuộc sống ấm no cho nhiều hộ dân trên mảnh đất vùng biên này.
So với các loại thực phẩm khác, thịt dê không phải là món ăn phổ biến trong bữa cơm hằng ngày của mỗi gia đình, mà được tiêu thụ chủ yếu bởi các nhà hàng, quán nhậu. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các nhà hàng, quán nhậu tạm dừng hoạt động, đồng nghĩa thịt dê không còn nơi tiêu thụ. Ngoài ra, sản phẩm thịt dê chưa được quan tâm, chế biến sâu thành những sản phẩm có thể dự trữ lâu ngày… Vì vậy, việc tìm đầu ra cho sản phẩm thịt dê vào thời điểm này là hết sức khó khăn. Bù Đốp hiện có 1 hợp tác xã, 1 chi hội nghề nghiệp và 25 tổ nghề nghiệp chăn nuôi dê với hơn 6.200 hộ tham gia, tổng đàn gần 78.000 con. Đây thực sự là khó khăn, thách thức lớn đối với người nuôi dê ở Bù Đốp hiện nay.
Ông MAI VĂN SANG, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bù Đốp: UBND huyện đã cho chủ trương và quyết định thành lập tổ tiêu thụ nông sản, thúc đẩy sản xuất. Trong đó, đưa ra một số giải pháp đối với chăn nuôi dê trên địa bàn. Trước mắt, huyện sẽ hỗ trợ một phần vốn cho hợp tác xã nuôi dê xây dựng lò mổ và đầu tư kho đông lạnh. Mục tiêu lâu dài là xây dựng thương hiệu và đưa sản phẩm thịt dê Bù Đốp ra thị trường. Tuy nhiên, huyện cũng khuyến cáo người dân giữ ổn định và không tăng đàn.
Người dân Bù Đốp nói riêng và toàn tỉnh nói chung, những năm gần đây phát triển mạnh chăn nuôi dê. Khó khăn đầu ra cho sản phẩm không chỉ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mà còn do “cung vượt cầu”. Từ thực tế đó, các ngành chức năng và người chăn nuôi cần phải định hướng quy hoạch phát triển chăn nuôi dê cho phù hợp. Đồng thời, liên kết xây dựng thương hiệu thịt dê để đảm bảo phát triển bền vững. Hiện tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát, cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Với những quyết sách đúng đắn, kịp thời của huyện Bù Đốp, hy vọng việc chăn nuôi dê của người dân sẽ khởi sắc hơn.