|
  • :
  • :

Chăn nuôi tuần hoàn: Chìa khóa cho hướng đi bền vững

“Nông nghiệp tuần hoàn nói chung và chăn nuôi tuần hoàn nói riêng là hoạt động sản xuất không chất thải, không phế phẩm, ứng dụng kỹ thuật truyền thống và những tiến bộ khoa học để xử lý phụ phẩm, chất thải trong quá trình sản xuất thành giá trị hữu ích, tái sử dụng trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ và tái sinh môi trường. Đây là hướng đi bền vững trong định hướng phát triển chăn nuôi được các cấp, ngành chuyên môn và người dân áp dụng, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi”, ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi.

 

Chăn nuôi theo hướng khép kín, tận dụng tốt các phế phụ phẩm là một trong nhiều giải pháp các chuyên gia đưa ra để phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi.

 

Chăn nuôi muốn bền vững – Phải tuần hoàn

 

Sau khi trải qua đồng thời dịch bệnh Covid-19 và Dịch tả lợn châu Phi, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ nước ta ghi nhận giảm mạnh. Trước thời điểm bùng phát dịch bệnh, cả nước có khoảng 4 triệu hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, cho đến thời điểm hiện tại tỷ lệ này đã giảm xuống một nửa, chỉ còn khoảng gần 2 triệu hộ. Điều này cho thấy, trong thời gian tới, ngành chăn nuôi cần có những giải pháp mang tính căn cơ.

 

Trong tương lai, chăn nuôi cần phát triển mạnh hơn nữa việc sản xuất theo chuỗi, tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu làm thức ăn trong nước nhằm giảm giá thành sản xuất. Để tận dụng được, bắt buộc chúng ta phải đi theo hướng chăn nuôi tuần hoàn. Tức là đầu ra của nhóm ngành này chính là đầu vào của nhóm ngành khác. Trong đó, hai ngành có thể tuần hoàn tốt nhất chính là trồng trọt và chăn nuôi.

 

“Mặc dù ngành chăn nuôi nước ta vẫn giữ vững tăng trưởng, nhưng muốn phát triển bền vững không thể không áp dụng chăn nuôi tuần hoàn. Trong đó, gia cầm và gia súc ăn cỏ là hai đối tượng tận dụng được nhiều nhất với nguồn nguyên vật liệu trong nước”, ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi chia sẻ.

 

“Hiện nay có rất nhiều nông nghiệp áp dụng hình thức chăn nuôi tuần hoàn. Tập đoàn Quế Lâm hiện nay là một trong những doanh nghiệp đang áp dụng rất tốt hình thức này. Việc chủ động từ con giống, áp dụng an toàn sinh học, sử dụng các chế phẩm sinh học, sử dụng phân chất thải của lợn sản xuất phân hữu cơ bón lại cho trồng trọt giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu, hạ giá thành sản xuất cũng như đảm bảo chất lượng sản phẩm an toàn sinh học. Hay như doanh nghiệp chăn nuôi bò T&T cũng là một đơn vị điển hình đi đầu trong việc áp dụng mô hình chăn nuôi tuần hoàn”, ông Nguyễn Văn Trọng cho biết thêm.

 

Thực chất, mô hình chăn nuôi tuần hoàn đã được áp dụng trong sản xuất từ rất lâu trước đây, điển hình như mô hình V.A.C. Tuy nhiên hiện nay, mô hình chăn nuôi tuần hoàn đã phát triển ở mức cao cấp hơn, sản phẩm phân được chế biến. Các sản phẩm canh tác theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn sinh học, tận dụng tối đa nguồn phế phẩm.

 

Thời gian tới, ngành chăn nuôi sẽ cố gắng tăng tỷ lệ chăn nuôi tuần hoàn lên khoảng 3-5% cơ cấu chăn nuôi hiện nay.

 

Giải bài toán chất thải trong chăn nuôi

 

Việt Nam hiện có tổng đàn chăn nuôi lên tới hơn 500 triệu con các loại, trong đó có hơn 40% là chăn nuôi quy mô công nghiệp, mỗi ngày sử dụng hàng trăm ngàn tấn thức ăn, lượng chất thải chăn nuôi lên tới khoảng gần 100 triệu tấn. Đây là một lợi thế lớn cho việc phát triển mô hình chăn nuôi tuần hoàn.

 

Ở các nước phát triển, mô hình kinh tế tuần hoàn ngay trong trang trại được áp dụng từ rất lâu trước đó. Phân và nước thải của vật nuôi có thể làm gas, phát điện ngược lại phục vụ cho hoạt động của trang trại. Mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi đang là một xu thế tất yếu mà Việt Nam cần hướng tới.

 

TS. Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp chia sẻ, trong quá trình chăn nuôi tạo ra nguồn thực phẩm, bên cạnh đó, chất thải từ chăn nuôi tạo ra nguồn phân bón, bón lại cho cây trồng, lấy cây trồng đó phục vụ trở lại cho chăn nuôi. Nước thải chăn nuôi cũng sẽ trở thành nguồn năng lượng tái tạo, quay lại phục vụ cho sản xuất, đó chính là kinh tế tuần hoàn.

 

Cả nước hiện có khoảng 12 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi và 23.500 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung. Mỗi năm, khối lượng nguồn thải từ chăn nuôi ra môi trường là khoảng 84 triệu tấn, trong đó chỉ có khoảng 20% được sử dụng hiệu quả như sản xuất phân bón, sản xuất điện, khí đốt… Còn lại 80% lượng chất thải chăn nuôi đã bị lãng phí và phần lớn thải ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường nước, chất thải rắn và không khí nghiêm trọng.

 

Trong tình hình hiện nay, vấn đề này một lần nữa được đặt ra rất cấp thiết, bởi quy mô chăn nuôi ở nước ta ngày càng lớn. Thực tế cho thấy, nơi nào chăn nuôi càng phát triển thì cũng là nơi ô nhiễm nhất. Những đại dịch bệnh trong gia súc, gia cầm thời gian qua có nguyên nhân từ bên ngoài, nhưng trong đó có một nguyên nhân cũng rất quan trọng làm cho dịch bệnh lây lan nhanh hơn, đó là vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải.

 

Trong định hướng phát triển ngành chăn nuôi, bằng nhiều giải pháp, Chính phủ, Bộ NN&PTNT chủ chương thực hiện biến gần 100 triệu tấn chất thải thành tiền, và để làm được điều đó, kinh tế tuần hoàn, chăn nuôi tuần hoàn sẽ là chìa khóa giải quyết vấn đề.

Nguồn: http://nhachannuoi.vn/chan-nuoi-tuan-hoan-chia-khoa-cho-huong-di-ben-vung/
Tin liên quan
Chưa có thông tin