|
  • :
  • :

Chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm

Hiện một số tỉnh, thành trên toàn quốc đã xảy ra dịch cúm gia cầm (CGC), đặc biệt tại tỉnh Hà Tĩnh đã xuất hiện dịch cúm A/H5N8. Ðể chủ động phòng, chống dịch CGC, không để dịch bệnh phát sinh trên địa bàn, ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương đang tích cực triển khai nhiều giải pháp.

Thông tin từ Chi cục Thú y vùng III cho biết, hiện nay, trong vùng đã có 2 ổ dịch CGC tại tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh với tổng số gia cầm mắc bệnh, tiêu hủy là 1.626 con. Trong đó, ngày 9-7-2021, có 1 ổ dịch CGC A/H5N8 tại địa bàn xã Yên Hòa, huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) làm 1.326 con gia cầm mắc bệnh.

Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, CGC là bệnh truyền nhiễm, có khả năng lây lan rất nhanh, đặc biệt virut có thể lây bệnh và gây bệnh cho người.

Virut CGC có thể sống 35 ngày trong chuồng nuôi có nhiệt độ thấp và 3 tháng trong phân gia cầm mắc bệnh. Gia cầm mắc bệnh có thời gian ủ bệnh ngắn, thường từ 1-3 ngày. Tỷ lệ gia cầm chết do mắc bệnh lên đến 100% tổng đàn. Các triệu chứng của bệnh CGC: gia cầm đi loạng choạng, run rẩy, mệt mỏi, thở khò khè, xuất huyết dưới da…

Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận ổ dịch cúm trên đàn gia cầm.

Người dân tích cực chăm sóc đàn gia cầm theo hướng dẫn của ngành chuyên môn để phòng, chống dịch CGC.

Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm, phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất lớn do điều kiện thời tiết giao mùa phức tạp kết hợp nhu cầu tái đàn, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia cầm tăng cao. Bên cạnh đó, số lượng gia cầm vận chuyển đi qua chốt kiểm dịch tạm thời phía Bắc tỉnh ngày càng tăng.

Trong 7 tháng năm 2021, đã có hàng trăm nghìn con gia cầm được vận chuyển đi qua địa bàn tỉnh, trong đó có hơn 98.000 con gia cầm được nhập vào địa bàn tỉnh. Số lượng gia cầm vận chuyển đi qua tỉnh chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc nên nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh là rất cao.

Trong khi đó, công tác tiêm phòng vắc-xin phòng dịch CGC trên địa bàn còn thấp. Kết quả tiêm vắc-xin CGC đợt 1-2021 là 214.700 liều/2.095.000 liều, đạt 10% kế hoạch.

Trước diễn biến phức tạp của dịch CGC, các ngành chức năng và chính quyền các địa phương đang khẩn trương triển khai thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch.

Ông Trần Văn Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện Quảng Ninh cho biết, tổng đàn gia cầm trên bàn huyện là 250.391 con, trong đó có 28 trang trại, gia trại chăn nuôi gia cầm với hơn 69.000 con, còn lại là các hộ gia đình chăn nuôi gia cầm với quy mô nhỏ lẻ. Để chủ động phòng, chống dịch CGC, trung tâm đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn cử cán bộ thú y thường xuyên theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm, để có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả.

Các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi gia cầm chủ động thực hiện vệ sinh tiêu độc thức ăn, dụng cụ chăn nuôi, xe vận chuyển và người chăn nuôi. Trung tâm DVNN huyện cũng đã có văn bản hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng, chống bệnh CGC để các địa phương tuyên truyền, vận động người dân thực hiện.

Theo ông Tưởng Chí Thành, Giám đốc Trung tâm DVNN huyện Quảng Trạch, là địa phương giáp ranh với tỉnh Hà Tĩnh nơi có dịch CGC A/H5N8 nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm vào địa bàn là rất cao.

Ðể chủ động phòng, chống dịch CGC kịp thời và hiệu quả, trung tâm đã phối hợp với chính quyền các địa phương tuyên truyền đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; kiểm tra, kiểm soát các hoạt động vận chuyển, buôn bán tiêu thụ gia cầm và các sản phẩm của gia cầm nhằm giảm thiểu nguy cơ xâm nhiễm bệnh vào địa bàn; tuyên truyền, hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia cầm; thành lập các đội phản ứng nhanh phòng, chống dịch.

Các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Quảng Lưu (Quảng Trạch) chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh CGC trên đàn gà.

Trước diễn biến phức tạp của dịch CGC, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công điện chỉ đạo ngành Nông nghiệp và các địa phương tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng chống bệnh CGC A/H5N8 và các chủng vi rút cúm gia cầm thể độc lực cao khác.

Trong đó, các ngành, đơn vị tăng cường công tác giám sát nhằm phát hiện sớm, xử lý triệt để các trường hợp gia cầm dương tính với vi rút gây bệnh CGC, ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan ra diện rộng; công bố dịch, tổ chức phòng chống dịch theo đúng quy định; thông báo kịp thời cho cơ quan y tế cùng cấp khi phát hiện các ổ dịch có khả năng lây sang người.

Các địa phương khẩn trương thực hiện tiêm phòng vắc-xin CGC, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn có nguy cơ; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới phát sinh, chưa được tiêm phòng; hướng dẫn người chăn nuôi gia cầm áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh, sát trùng môi trường chăn nuôi bằng vôi bột, hóa chất…

Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho hay, để chủ động, phòng chống dịch CGC, hạn chế thấp nhất lây nhiễm và gây tử vong cho người, thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; quản lý chặt chẽ công tác vận chuyển, buôn bán, kinh doanh, giết mổ động vật trên địa bàn; kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán, kinh doanh động vật mắc bệnh hoặc cố tình vứt xác động vật mắc bệnh ra ngoài môi trường; rà soát, tổ chức tiêm phòng vắc-xin bổ sung đợt 1-2021, đặc biệt là vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia cầm.

Lan Chi

Nguồn: Báo Quảng Bình

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, CGC A/H5N8 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có tốc độ lây lan nhanh và làm chết hàng loạt gia cầm. Đặc biệt, bệnh có thể lây sang người. Để công tác phòng ngừa, ngăn chặn dịch CGC mang lại hiệu quả, ngoài sự nỗ lực của các ngành, cơ quan chức năng, thì ý thức, sự chung tay vào cuộc của mỗi người dân là hết sức quan trọng”, ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết.

Nguồn: http://nhachannuoi.vn/chu-dong-phong-chong-dich-cum-gia-cam/
Tin liên quan
Chưa có thông tin