Nhu cầu tiêu thụ lúa mì Việt Nam và thế giới
Mặc dù Việt Nam có thể trồng được lúa mì, nhưng do thổ nhưỡng và khí hậu không thích hợp bằng việc trồng các loại cây khác, nên không phát triển ngành nông nghiệp trồng lúa mì. Hàng năm, Việt Nam có nhu cầu tiêu thụ khoảng 3,4 triệu tấn lúa mì, và toàn bộ nhu cầu tiêu thụ này được cung ứng bởi nguồn nhập khẩu.
Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo cân đối cung/cầu thị trường lúa mì Việt Nam trong mùa vụ 2021-2022 như sau: tồn đầu kỳ 599.000 tấn; nhập khẩu 3.600.000 tấn; xuất khẩu 220.000 tấn; tiêu thụ 3.500.000 tấn; tồn cuối kỳ 479.000 tấn.
Như vậy, nhu cầu tiêu thụ lúa mì của Việt Nam trong mùa vụ 2021-2022 khoảng 3,5 triệu tấn. Trong đó, tiêu thụ cho lĩnh vực thức ăn chăn nuôi 1,4 triệu tấn, tiêu thụ cho các ngành còn lại 2,1 triệu tấn (thực phẩm, công nghiệp thực phẩm…).
Trong báo cáo mới nhất ngày 9-12 của Bộ Nông nghiệp Mỹ, dự báo sản lượng sản xuất lúa mì thế giới khoảng 777,9 triệu tấn, tương ứng tăng nhẹ 0,26% so với mức 775,9 triệu tấn của mùa vụ 2020-2021. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ lúa mì mùa vụ 2021-2022 dự báo tăng lên mức 789,4 triệu tấn, tương ứng tăng 0,9% so với mức 782,3 triệu tấn mùa vụ trước. Như vậy, mùa vụ 2021-2022 tiếp tục là năm thiếu hụt sản xuất so với nhu cầu tiêu thụ, do đó yếu tố cung cầu hỗ trợ cho xu hướng tăng giá của lúa mì thế giới.
Không như mặt hàng đậu nành (nguồn cung phụ thuộc phần lớn vào Mỹ và Brazil), nguồn cung của lúa mì khá cân bằng, không quá phụ thuộc vào năng lực sản xuất của quốc gia nào. Trong khi đó, cơ cấu thị trường tiêu thụ cũng khá đồng đều. Nhờ vào sự cân đối này trong cơ cấu sản xuất và tiêu thụ, yếu tố cơ bản về cung cầu xem như khó có sự thay đổi lớn trong khoảng thời gian còn lại của mùa vụ 2021-2022.
Tương quan giữa giá và tỷ lệ tồn kho/tiêu thụ
Tính từ mùa vụ 2007-2008 đến 2020-2021, giá lúa mì có mức độ tương quan nghịch cao đối với tỷ lệ tồn kho cuối kỳ trên nhu cầu tiêu thụ. Theo đó, nếu tỷ lệ này giảm, giá lúa mì sẽ có xu hướng tăng, do thị trường lo ngại nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Ngược lại, nếu tỷ lệ này tăng, giá lúa mì sẽ có xu hướng giảm do các nhà giao dịch lo ngại tình hình sản xuất thặng dư so với nhu cầu.
Cụ thể mùa vụ 2021-2022, tỷ lệ tồn kho cuối kỳ trên nhu cầu tiêu thụ dự báo khoảng 35%, giảm so với mức 36,8% mùa vụ 2020-2021. Điều này củng cố xu hướng tăng giá của lúa mì. Tuy nhiên, theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ, giá lúa mì mùa vụ 2021-2022 dự kiến dao động tăng/giảm trong phạm vi 600–880 cent/giạ.
Và ngày 24-11 vừa qua, giá lúa mì đã thiết lập mức giá cao nhất 873,3 cent/giạ, mức giá cao nhất của lúa mì thế giới trong vòng 8 năm trở lại. Như vậy có thể thấy giá lúa mì hiện tại tương đối cao, có thể xem như thị trường đã phản ánh mối lo ngại thiếu hụt sản xuất so với nhu cầu. Do đó, trong thời gian tới, giá lúa mì khó có thể tăng trở lại mức đỉnh cũ 873,3 cent/giạ đã thiết lập ngày 24-11.
Bên cạnh yếu tố cung cầu tác động đến xu hướng giá lúa mì, sức mạnh của đồng USD cũng có ảnh hưởng quan trọng đến xu hướng giá. Tính từ mùa vụ 2011-2012 đến mùa vụ gần nhất 2020-2021, mức độ tương quan nghịch đo được giữa chỉ số USD Index và giá lúa mì -0,86.
Xu hướng giá mùa vụ 2021-2022
Về cung cầu, tuy tính chất thiếu hụt sản xuất so với nhu cầu tiêu thụ là yếu tố ủng hộ cho xu hướng tăng giá của lúa mì, nhưng thực chất điều này đã phản ánh vào giá lúa mì từ trước đó. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng dự báo phạm vi dao động của giá lúa mì trong mùa vụ năm nay 600–880 cent/giạ (trung bình 740 cent/giạ), và trong tháng 11-vừa qua cũng đã thiết lập mức giá đỉnh 873,3 cent/giạ. Hiện tại, ngày 15-12, giá lúa mì trên sàn CBOT đang được giao dịch quanh mức 760 cent/giạ, tương đương mức trung bình theo dự báo.
Về yếu tố ảnh hưởng bởi USD Index, trong thời gian còn lại của mùa vụ, đồng USD dự kiến tiếp tục xu hướng tăng do thị trường tài chính lo ngại việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy nhanh thời hạn tăng lãi suất trong năm 2022. Với mối tương quan nghịch đảo, yếu tố này tạo áp lực giảm giá lên thị trường lúa mì thế giới.