|
  • :
  • :

Hải Dương: Chăn nuôi đi vào ổn định

Năm 2021, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, hiệu quả kinh tế đạt khá. Tổng đàn gia cầm toàn tỉnh ước tính trên 15 triệu con, đàn lợn trên 368.000 con, đàn trâu bò trên 21.000 con. Ước tính tổng đàn các loại đều tăng so với năm 2020.

 

Năm 2021, ước tính tổng đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh đều tăng so với năm 2020

 

Tổng đàn vật nuôi tăng trưởng tốt

 

Sau nhiều năm liên tục giảm số lượng đàn trâu của tỉnh, năm nay số đầu con đã tăng trở lại đạt 5.500 con, tăng 5,34% so với năm 2020. Nhiều hộ chăn nuôi đã mạnh dạn tăng số lượng đầu con, số trâu xuất chuồng tăng 4,65%. Sản lượng thịt hơi đạt 919 tấn, tăng 4,9% so năm 2020. Các địa phương nuôi nhiều trâu như: Thành phố Chí Linh, huyện Kim Thành, Thanh Hà.

 

Trái ngược với trâu, đàn bò của tỉnh năm 2021 có xu hướng giảm, chủ yếu ở hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế thấp. Bò nuôi tập trung ở các hộ có quy mô chăn nuôi từ 3 con trở  lên, do vậy số lượng đầu con giảm 1,86%, xuống còn 15.600 con so với cùng kỳ năm 2020. Đàn bò tiếp tục được duy trì nuôi ở các địa phương có bãi chăn thả ven sông Thái Bình, sông Luộc, sông Kinh Thầy và hệ thống sông Bắc Hưng Hải, các đơn vị có đàn bò lớn như: Huyện Nam Sách, thành phố Chí Linh, huyện Ninh Giang và Thanh Miện.

 

Năm 2021, đàn lợn tỉnh Hải Dương tiếp tục được phát triển, tăng 32,15% so cùng kỳ, nâng tổng số đầu con lên 368.175 con. Số đầu con tăng cao tập trung ở các loại hình doanh nghiệp, trang trại, gia trại quy mô lớn, chủ động được con giống. Đàn lợn phát triển đồng đều ở các địa phương trong tỉnh, huyện Kim Thành có số đầu lợn lớn nhất với 42.233 con, tiếp đó đến thành phố Chí Linh 36.734 con, huyện Thanh Miện 34.981 con. Thị trường tiêu thụ lợn thương phẩm và lợn giống nhìn chung ổn định, người chăn nuôi lợn có hiệu quả kinh tế rõ rệt. Đàn lợn năm 2021 phát triển đồng đều ở các loại lợn, trong đó lợn thương phẩm tăng 17,11%, đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng.

 

Bên cạnh đó, đàn lợn nái sinh sản tiếp tục tăng về số đầu con, nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp con giống cho phát triển đàn do tác động lâu dài của dịch tả lợn châu Phi. Năm 2021, đàn nái tăng 31,04% so với năm 2020, đưa tổng đàn lên 38.810 con, đáp ứng cơ bản nhu cầu lợn giống cho nuôi thương phẩm và phát triển đàn lợn nái trên địa bàn tỉnh. Lợn thịt xuất chuồng năm 2021 là 537.425 con, tăng 17,7%, đưa sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 57.737,4 tấn, tăng 18,91% so năm 2020.

 

Đàn gia cầm của tỉnh phát triển cơ bản ổn định do các hộ chăn nuôi ít thay đổi về quy mô, phương thức tổ chức chăn nuôi, thường xuyên làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Số gà xuất chuồng năm 2021 đạt 21,5 triệu con, tăng 2,94% so với năm 2020. Thành phố Chí Linh là địa phương có đàn gà phát triển cao nhất thường xuyên duy trì 3,2 – 3,7 triệu con.

 

Bên cạnh đó, toàn tỉnh duy trì phát triển đàn vịt, chim cút và ngỗng tăng trưởng nhẹ ở mức 3,98% đối với vịt; 1,29% đối với ngỗng và 2,22% đối với chim cút. Riêng ngan năm 2021 ghi nhận tổng đàn sụt giảm mạnh ở mức 33,61% xuống còn 224.000 con.

 

Năm 2021, tỉnh Hải Dương duy trì đà tăng trưởng ở đàn lợn, tăng 32,15% so với năm 2020

 

Triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi

 

Dịch tả lợn châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp trên cả nước. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1 ổ dịch tả lợn châu Phi ở xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh). Hiện nay, nguy cơ bùng phát dịch rất cao.

 

Hiện tại, tỉnh đang tập trung các nguồn lực của địa phương để xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết; tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc (bằng vôi bột, hóa chất…). Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường dẫn đến làm phát sinh, lây lan dịch bệnh.
 

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp các địa phương chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Trong đó cần xây dựng các vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học…

 

Bảo đảm nguồn cung thịt lợn dịp Tết

 

Năm 2021, người nuôi lợn tại Hải Dương gặp nhiều khó khăn. Dù tổng đàn lợn và sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng của tỉnh tăng trưởng tốt, nhưng tính ra mức lãi của người nuôi lại không tỷ lệ thuận với sản lượng, tổng đàn, thậm chí có thời điểm còn bị thua lỗ. Nguyên nhân do giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, trong khi nhiều thời điểm giá thịt lợn hơi lại xuống thấp, có lúc xuống thấp nhất trong 2 năm qua. Hồi tháng 3, tháng 4, giá lợn hơi ở ngưỡng 70.000-75.000 đồng/kg; đến tháng 8, tháng 9 giảm xuống còn 48.000-50.000 đồng; thấp kỷ lục là từ ngày 12-14.10, giá lợn hơi chỉ còn 35.000-37.000 đồng/kg. Nông dân cả nước nói chung, nông dân trong tỉnh nói riêng gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm do các nhà hàng, quán ăn, nhiều bếp ăn tập thể tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch Covid-19.
 

Năm ngoái, người chăn nuôi cũng mất bao công chuẩn bị nhưng áp Tết Nguyên đán dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh, nhiều nơi bị phong tỏa, cả tỉnh thực hiện phương châm ai ăn Tết ở nhà đó, hạn chế tối đa tụ tập, liên hoan nên việc tiêu thụ thực phẩm, trong đó có thịt lợn bị ảnh hưởng không nhỏ.
 

Lo ngại sản phẩm khó tiêu thụ nên năm nay, gần Tết nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh đã giảm quy mô hoặc bỏ trống chuồng trại. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn trong dịp Tết Nguyên đán năm nay. Nguồn hàng chuẩn bị cho dịp Tết vốn đã không dồi dào bằng mọi năm, nay lại thêm tình trạng bán tháo lợn với giá rẻ như hiện nay, càng gia tăng mối lo về khan hiếm nguồn cung thịt lợn trong dịp Tết Nhâm Dần và những tháng đầu năm 2022. Việc bán tháo lợn ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường, gây tâm lý hoang mang cho người chăn nuôi trong tỉnh…

 

Trước tình trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã có chỉ thị yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành liên quan tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Để bảo vệ đàn lợn, bảo đảm nguồn cung thịt lợn phục vụ thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

 

Vượt khó khăn, giữ vững ổn định sản xuất

 

Mặc dù dại dịch Covid-19 trong 2 năm (2020, 2021) tác động tiêu cực đến việc đứt gãy chuỗi cung cấp sản phẩm chăn nuôi, nhất là thời kỳ dịch bùng phát mạnh ở nhiều địa phương trên địa bàn Hải Dương, việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật khó khăn, nhu cầu sử dụng thịt, trứng ở các cơ quan, công ty, xí nghiệp, trường học giảm. Có thời điểm sản phẩm động vật dư thừa, giá bán xuống thấp dưới giá thành. Trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, dịch bệnh đe dọa thường xuyên, nhất là dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm v.v…  Những yếu tố trên đã gây nhiều khó khăn, tác động tiêu cực đến tăng trưởng của ngành chăn nuôi. Song với tinh thần chủ động, tích cực của các đơn vị và hộ chăn nuôi, sự chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh và các địa phương. Năm 2021, chăn nuôi ở tỉnh Hải Dương tiếp tục được ổn định và phát triển đồng đều trên các đối tượng gia súc, gia cầm, các loại hình sản xuất trang trại, gia trại v.v…

Nguồn: http://nhachannuoi.vn/hai-duong-chan-nuoi-di-vao-on-dinh/