|
  • :
  • :

Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững

Ngày 1/10/2021, Hội Chăn nuôi Việt Nam đã có Công văn số 56/HCN-CV gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc đề xuất một số giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững.

Chăn nuôi Việt Nam xin trích toàn văn của Hội như sau:

 

Trước tiên, Hội Chăn nuôi Việt Nam xin được kính gửi đến Thủ tướng Chính phủ lời kính chúc sức khỏe và chúc cho công tác phòng chống đại dịch Covid-19 thành công để nền kinh tế đất nước sớm được phục hồi, phát triển.

 

Kính thưa Thủ tướng, ngành chăn nuôi Việt Nam liên tục phát triển trong gần 30 năm qua, với mức tăng trưởng bình quân từ 5-6%/năm (nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng trên 2 con số trong nhiều năm, như: công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, sản lượng sữa và công nghiệp chế biến sữa…) đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và gia tăng xuất khẩu.

 

Ngành chăn nuôi cũng là lĩnh vực kinh tế nông nghiệp có thiết chế pháp luật và nhiều chính sách phát triển phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong nước và hội nhập quốc tế với độ mở và xã hội hóa rất cao. Chính vì thế, ngành đã thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn của người dân, doanh nghiệp trong nước và FDI cho sự phát triển. Hầu hết vốn đầu tư cho hạ tầng phát triển ngành chăn nuôi trong những năm gần đây đều do tư nhân và doanh nghiệp FDI đầu tư.

 

Nhiều lĩnh vực của chăn nuôi Việt Nam đã có thứ bậc cao trong khu vực và trên thế giới, như: quy mô đàn lợn đứng thứ 6-7, đàn thủy cầm đứng thứ 2 thế giới, công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, năng suất bò sữa và công nghiệp chế biến sữa đứng đầu các nước ASEAN…Xét tổng thể về hạ tầng cơ sở vật chất, kỹ thuật, trình độ quản lý và quy mô đàn vật nuôi các loại, thì ngành chăn nuôi nước ta hoàn toàn có khả năng sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu các loại thực phẩm thiết yếu cho tiêu dùng trong nước và gia tăng xuất khẩu trong những năm tới đây.

Chế biến sữa tại Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La

 

Tuy vậy, sản xuất chăn nuôi trong nước vẫn tồn tại không ít khó khăn, bất cập đang là trở ngại lớn đến sự phát triển bền vững trong thời gian tới, nhất là trong điều kiện dịch bệnh, biến đổi khí hậu và khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam ký kết phát huy hiệu lực…đó là những rủi ro về dịch bệnh, an toàn thực phẩm (ATTP), ô nhiễm môi trường và cạnh tranh thị trường trong hội nhập. Nguyên nhân chính của những tồn tại nêu trên là:

 

– Không gian chăn nuôi nước ta không rộng như các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp khác, mật độ chăn nuôi của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất của khu vực và thế giới; Chăn nuôi quy mô nhỏ, số người tham gia hoạt động chăn nuôi chiếm tỷ lệ rất cao, mức đầu tư cho chăn nuôi thấp, trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh theo ngành hàng còn nhiều bất cập.

 

– Kiểm soát dịch bệnh, giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi còn nhiều tồn tại. Chi phí đầu vào của sản xuất chăn nuôi trong nước thuộc nhóm  cao trong khu vực, nhất là chi phí mặt bằng, vận chuyển và tín dụng.

 

– Tỷ trọng nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y cao; Việc nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là các loại thực phẩm giá rẻ ngày càng gia tăng, nhất là khi các dòng thuế quan nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi đang trở về mức 0% thì áp lực thị trường với chăn nuôi trong nước sẽ là vô cùng lớn; Việc phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước cho ngành chăn nuôi còn nhiều hạn chế.

 

– Tổ chức bộ máy hệ thống quản lý ngành chăn nuôi, thú y hiện nay không còn phù hợp với yêu cầu phát triển và hội nhập của ngành chăn nuôi, đang làm giảm đi hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và làm gia tăng những tồn tại bất cập của các yếu tố nội tại chủ quan, cũng như áp lực khách quan đối với chăn nuôi nước ta. Tổ chức ngành chăn nuôi, thú y hiện nay đang tạo ra những cát cứ, những chồng chéo trong quản lý, không tổng hợp được sức mạnh chung cho quá trình phát triển…

 

Đơn cử như: việc kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát giết mổ phải bắt đầu từ quy trình, công nghệ chăn nuôi, vùng chăn nuôi như thế nào, có phù hợp không; việc phát triển thị trường xuất khẩu và nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi cũng phải xuất phát từ thực tế của ngành chăn nuôi trong nước vừa để đáp ứng được nhu cầu thị trường các sản phẩm chăn nuôi vừa thúc đẩy được sản xuất chăn nuôi trong nước phát triển…Tuy nhiên, trong thực tế thì cách thức tổ chức bộ máy của ngành chăn nuôi, thú y nước ta chưa giải quyết hiệu quả được vấn đề này. Hiện nay, các nước trên thế giới chỉ có một cơ quan quản lý nhà nước chung về chăn nuôi và thú y, trong khi Việt Nam lại có 02 cơ quan quản lý nhà nước độc lập nhau là Cục Chăn nuôi và Cục Thú y.

 

Kính thưa Thủ tướng, thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 mà Thủ tướng Chính phủ đã ký tại Quyết định số 1520/2020/QĐ-TTg ngày 6 tháng 10 năm 2020 nhằm mục tiêu không chỉ là đáp ứng đủ nhu cầu các loại thực phẩm thiết yếu cho tiêu dùng trong nước, gia tăng xuất khẩu mà còn là sinh kế của hàng chục triệu người nông dân. Hiện nay, cả nước có hơn 2,0 triệu hộ nuôi lợn, gần 2,2 triệu hộ nuôi trâu bò, gần 7,0 triệu hộ nuôi gia cầm và hàng trăm ngàn hộ nuôi các loại vật nuôi khác.

 

Không phải là không có cơ hội, nhưng chưa bao giờ ngành chăn nuôi Việt Nam đứng trước những khó khăn, thách thức như hiện nay. Để giúp ngành chăn nuôi trong nước sớm khôi phục sản xuất qua đại dịch và phát triển, hội nhập bền vững trong thời kỳ mới, Hội Chăn nuôi Việt Nam xin kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành và địa phương khẩn trương triển khai một số giải pháp chính sách như sau:

 

1) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

 

– Cơ cấu và chỉ đạo điều hành sản xuất theo các ngành hàng đối với một số sản phẩm chăn nuôi chính, như: thịt lợn, thịt gia cầm, thịt trâu bò, trứng và sữa theo các chuỗi liên kết khép kín phù hợp với tiềm năng, nhu cầu của thị trường trong nước và hội nhập quốc tế. Trong đó, cần phát huy tối đa vai trò của các doanh nghiệp, hiệp hội để cân đối, điều hòa sản xuất sát hơn với thị trường;

 

– Phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Chính phủ sáp nhập Cục Chăn nuôi và Cục Thú y thành Cục Chăn nuôi và Thú y (hoặc Cục Phát triển chăn nuôi) phù hợp với hệ thống tổ chức ngành chăn nuôi, thú y ở cấp địa phương (hiện nay đang là Chi cục Chăn nuôi và Thú y) và các nước trên thế giới (ví dụ Thái Lan có “Cục Phát triển chăn nuôi” thuộc Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã, quản lý thống nhất trên phạm vi cả nước về chăn nuôi, thú y, khuyến nông phát triển chăn nuôi rất hiệu quả); Kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và phân cấp hơn các dịch vụ công cho các hội, hiệp hội ngành hàng lĩnh vực chăn nuôi, thú y phù hợp với nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế;

 

– Phối hợp với Bộ Công Thương kiểm soát chặt vấn đề nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, nhất là sản phẩm giá rẻ và vật nuôi sống thương phẩm. Vì có nhiều mặt hàng sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu đã tăng đột biến trong thời gian gần đây, cụ thể: năm 2020 so với năm 2019 nhập khẩu thịt lợn tăng 404%, thịt gia cầm tăng 15%, thịt trâu bò tăng 44% … đã gây thêm rất nhiều khó khăn cho sản xuất chăn nuôi trong nước. Phần lớn các sản phẩm chăn nuôi trong nước hiện nay đang bán dưới giá thành sản xuất và không tiêu thụ được.

Cần thiết phải kiểm soát chặt vấn đề nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi

 

2) Bộ Công Thương:

 

– Tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động lưu thông và bình ổn thị trường sản phẩm chăn nuôi phù hợp nhằm khuyến khích sản xuất chăn nuôi trong nước phát triển; Mở rộng hệ thống cửa hàng, siêu thị thực phẩm mát trên thị trường, ngay cả ở các vùng nông thôn;

 

– Đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, trong đó chú ý đến các sản phẩm thịt gia cầm đã qua xử lý nhiệt, đây sẽ là mặt hàng có lợi thế của chăn nuôi trong nước thời gian tới;

 

– Đàm phán với các nước xuất khẩu lớn (Mỹ, Brazin, Argentina, Ấn Độ, Australia, Nga, Ucraina…) có chính sách, điều kiện thương mại ưu đãi cho xuất khẩu mặt hàng nguyên liệu TACN, thủy sản vào Việt Nam, vì hiện nay nước ta đang nhập siêu về nhóm mặt hàng này (trung bình khoảng 6-6,5 tỷ USD/năm).

 

3) Bộ Tài chính:

 

– Rà soát điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu nhằm hỗ trợ sản xuất chăn nuôi trong nước theo các khung thuế xuất mà Việt Nam đã cam kết trong các hiệp định thương mại. Trong đó: tăng hoặc giữ mức thuế nhập với mặt hàng thịt lợn, thịt gia cầm; giảm thuế nhập khẩu với ngô, đậu tương và điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu một số nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi bổ sung mà trong nước có thể sản xuất được, như: các loại thức ăn khoáng, axit hữu cơ…;

 

– Đề xuất gói chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất ngành chăn nuôi, trong đó có hạng mục hỗ trợ lãi xuất tín dụng cho người chăn nuôi vay vốn khôi phục và mở rộng sản xuất.

 

4) Ngân hàng nhà nước có chính sách tín dụng ưu đãi, khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho doanh nghiệp và người chăn nuôi vay vốn khôi phục sản xuất. Vì so với các ngành kinh tế khác, sản xuất chăn nuôi trong nước là dịch chồng dịch trong suốt 2 năm qua, đã làm động lực và sức chịu đựng của hầu hết người chăn nuôi không còn tâm trí và khả năng tái đầu tư.

 

5) Bộ Giao thông vận tải: có chính sách khuyến khích đầu tư phát triển hệ thống kho, cảng biển, cảng sông và logistics hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, kinh doanh TACN và nông sản, vì hàng năm nước ta nhập khẩu tới 20 triệu tấn nguyên liệu TACN, thủy sản và trên 100 triệu tấn thức ăn tinh, thức ăn thô xanh lưu chuyển trong nước (riêng chi phí này chúng ta đang cao hơn các nước phát triển trong khu vực khoảng trên 10%).

 

6) Bộ Tài nguyên và Môi trường: có chính sách về đất đai cho phát triển chăn nuôi trang trại tập trung quy mô lớn phù hợp với Luật Chăn nuôi và Luật Đất đai sửa đổi; điều chỉnh các quy chuẩn kỹ thuật về nước thải phù hợp với thực tế của ngành chăn nuôi trong nước.

 

7) Các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc lưu thông, khôi phục sản xuất chăn nuôi, nhất là để người sản xuất kinh doanh chăn nuôi được tiếp cận tốt nhất với các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trên người và vật nuôi; dành không gian, quỹ đất cho phát triển chăn nuôi trang trại tập trung, phát triển cây TACN.

 

Hội Chăn nuôi Việt Nam trân trọng cảm ơn ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững đóng góp tích cực cho sự phát triển đất nước và sinh kế của hàng triệu người nông dân./.

 

TM. HỘI CHĂN NUÔI VIỆT NAM

PGS TS Nguyễn Đăng Vang 

 

Quý độc giả có thể xem toàn Công văn 56 có đóng dấu đỏ TẠI ĐÂY

Nguồn: http://nhachannuoi.vn/hoi-chan-nuoi-viet-nam-kien-nghi-thu-tuong-chinh-phu-mot-so-giai-phap-phat-trien-chan-nuoi-ben-vung/
Tin liên quan
Chưa có thông tin