|
  • :
  • :

Không có vấn đề sức khỏe hay dinh dưỡng từ thức ăn chăn nuôi biến đổi gien

Một đánh giá khoa học mới của trường Đại học California, Davis cho biết rằng, hiệu quả hoạt động và sức khỏe của động vật (được nuôi làm thực phẩm) tiêu thụ thức ăn chăn nuôi biến đổi gien lần đầu tiên đã được đề cập tới cách đây 18 năm, có thể so sánh được với những con vật không tiêu thụ thức ăn biến đổi gien.

 

Nghiên cứu cũng cho thấy rằng, các nghiên cứu khoa học đã phát hiện ra không có sự khác biệt nào trong thành phần dinh dưỡng của thịt, sữa hoặc các sản phẩm thực phẩm khác có nguồn gốc từ động vật ăn thức ăn biến đổi gien.

Nghiên cứu do Alison Van Eenennaam – nhà khoa học động vật của trường Đại học California, Davis dẫn đầu đã khảo sát các nghiên cứu về thức ăn chăn nuôi đại diện cho hơn 100 tỷ động vật.

Với tiêu đề “Sự thịnh hành và tác động của thức ăn chăn nuôi biến đổi gien tới đàn gia súc”, bài tổng quan này hiện được đăng tải trực tuyến theo hình thức truy cập mở thông qua Hội Khoa học động vật của Mỹ.

Cây trồng biến đổi gien (Genetically engineered crops) lần đầu tiên được đưa vào vào năm 1996. Hiện nay, 19 loài thực vật biến đổi gien được chấp thuận cho sử dụng tại Mỹ, bao gồm các loại cây trồng chính được sử dụng rộng rãi làm thức ăn gia súc như: cỏ linh lăng, cải dầu, ngô, bông, đậu tương và củ cải đường.

Động vật nuôi làm thực phẩm như bò, lợn, dê, gà và các loài gia cầm khác hiện nay tiêu thụ 70 – 90% các loại cây trồng biến đổi gien, theo đánh giá mới đây của trường Đại học California, Davis. Riêng tại Mỹ, hàng năm nước này sản xuất 9 tỷ động vật nuôi lấy thịt, 95% trong đó tiêu thụ thức ăn có chứa thành phần biến đổi gien.

“Các nghiên cứu đã liên tục chỉ ra rằng sữa, thịt và trứng có nguồn gốc từ động vật đã tiêu thụ thức ăn biến đổi gien không thể phân biệt với các sản phẩm có nguồn gốc động vật được cho ăn một chế độ ăn không chứa thành phần biến đổi gien”, Van Eenennaam nói. “Vì vậy, đề xuất ghi nhãn sản phẩm động vật từ gia súc, gia cầm đã ăn thức ăn biến đổi gien sẽ yêu cầu phải chia tách chuỗi cung ứng và truy xuất nguồn gốc, khi bản thân các sản phẩm không có sự khác biệt để có thể phát hiện ra được”.

“Hiện tại, thế hệ của cây trồng biến đổi gien thứ hai đã được tối ưu hóa làm thức ăn chăn nuôi sẽ sớm xuất hiện, hiện đang tồn tại một nhu cầu bức thiết để hài hòa các khuôn khổ pháp lý cho các sản phẩm này. Để tránh gián đoạn thương mại quốc tế, điều quan trọng là quá trình phê duyệt quy định cho các sản phẩm biến đổi gien cần được thiết lập ở các nước nhập khẩu nguồn thức ăn chăn nuôi này cùng thời điểm với các phê chuẩn được thông qua tại các nước là nhà xuất khẩu chính của thức ăn gia súc”, Van Eenennaam cho biết.

Đồng tác giả của nghiên cứu này là Amy E. Young tại Khoa Khoa học động vật của trường Đại học California, Davis.

Nguồn: http://nhachannuoi.vn/khong-co-van-de-suc-khoe-hay-dinh-duong-tu-thuc-an-chan-nuoi-bien-doi-gien/