|
  • :
  • :

Làm giàu từ mô hình nuôi dê trên vùng núi đá

Đến thăm mô hình nuôi dê của anh Nguyễn Văn Quân, thôn Chang xã Việt Lâm huyện Vị Xuyên (Hà Giang), mọi người đều khâm phục con đường vươn lên làm giàu từ mô hình nuôi dê theo hướng hàng hóa của gia đình anh.

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh Quân nhận thấy gia đình có diện tích vườn đồi rộng, là điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ. Sau nhiều năm suy nghĩ để tìm vật nuôi phù hợp, anh Quân đã quyết định chọn và phát triển chăn nuôi dê làm kinh tế.

Năm 2017, anh Quân chi tiền mua 7 đôi dê giống về nuôi, đồng thời tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi dê giống và dê thương phẩm. Do chưa có kinh nghiệm chăn nuôi nên đàn dê của gia đình chậm lớn, một số con bị chết do dịch bệnh. Không nản chí, anh Quân tiếp tục tìm hiểu kiến thức về chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh cho đàn dê qua các tài liệu kỹ thuật. Bên cạnh đó, anh Quân còn đi tìm hiểu kinh nghiệm của các hộ đã nuôi dê thành công trên địa bàn xã và các vùng lân cận. Khi đã nắm bắt được kinh nghiệm và kỹ thuật chăn nuôi, đến cuối năm 2018, anh Quân mạnh dạn đầu tư 3 dãy chuồng và mua 15 đôi dê giống về nuôi. Vừa nuôi vừa học hỏi tích lũy thêm kinh nghiệm nên đàn dê của gia đình anh Quân phát triển tốt, lớn nhanh và không bị dịch bệnh. Nhờ vậy, đến tháng 6/2019, anh Quân đã xuất bán 11 đôi dê (số còn lại để dùng làm giống), với giá bán bình quân từ 135.000 – 160.000 đồng/kg (tùy loại), thu về gần 140 triệu đồng.

Từ năm 2020 đến nay, nhờ chủ động nguồn giống và mua thêm giống tại các hộ chăn nuôi dê tại địa phương, gia đình anh Quân đã đầu tư làm thêm 4 dãy chuồng và duy trì số lượng đàn dê từ 70 đến 90 con.

Được biết, ngoài thức ăn cho dê chủ yếu là cỏ, gia đình anh Quân còn cho dê ăn bổ sung một số loại khoáng chất và cám gạo nhằm bổ sung dinh dưỡng cho đàn dê.

Anh Nguyễn Văn Quân (Hà Giang) bên một dãy chuồng nuôi dê của gia đình

Nói về kỹ thuật chăn nuôi dê, anh Quân cho biết: Để phát triển chăn nuôi dê thành công thì công tác chọn lọc giống đóng một vai trò quan trọng và có tính chất quyết định. Bên cạnh đó cần phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại và phun tiêu độc khử trùng chuồng trại mỗi tuần một lần. Chuồng trại nuôi dê phải kín gió và được giữ ấm vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè. Ngoài những vấn đề trên thì công tác tiêm phòng trừ dịch bệnh cho đàn dê cũng cần được quan tâm thì dê mới không bị dịch bệnh. Ngoài ra, để cho dê thích ứng với điều kiện thời tiết khí hậu của địa phương, gia đình thường thả dê lên vườn đồi của gia đình cho dê tự kiếm ăn từ 3 – 4 lần trong tuần, còn lại là nuôi dê nhốt trong chuồng cho dê ăn cỏ, có bổ sung cám gạo và một số khoáng chất.

Khi được hỏi về thu nhập, anh Quân cho biết: Trong một năm gia đình thường xuất bán dê thành nhiều đợt, trung bình từ 4 –  5 đợt/năm, mỗi đợt xuất bán khoảng từ 350 – 400 kg dê thương phẩm và nuôi bổ sung từ nguồn dê giống của gia đình, đồng thời mua thêm giống của người dân địa phương. Tổng thu nhập trong một năm từ bán dê khoảng 500 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi khoảng 300 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Việt Lâm cho biết: Mô hình phát triển chăn nuôi dê theo hướng hàng hóa của gia đình anh Nguyễn Văn Quân là mô hình phát triển chăn nuôi điển hình của địa phương. Trong những năm qua, chúng tôi đã lấy mô hình chăn nuôi dê của gia đình anh Quân để tuyên truyền cho mọi người học tập và làm theo. Ngoài ra, mô hình phát triển chăn nuôi dê theo hướng hàng hóa của gia đình anh Quân còn là điểm tham quan học hỏi của các đoàn thanh niên, nông dân…trong và ngoài huyện Vị Xuyên trong những năm qua.

Từ những thành tích phát triển kinh tế từ nuôi dê theo hướng hàng hóa cho thu nhập cao, anh Nguyễn Văn Quân đã được UBND huyện Vị Xuyên và Đoàn Thanh niên  cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Hà Giang biểu dương khen ngợi và tặng nhiều giấy khen từ năm 2020 đến nay.

Nguồn: http://nhachannuoi.vn/lam-giau-tu-mo-hinh-nuoi-de-tren-vung-nui-da/