|
  • :
  • :

Rét đậm vụ Đông Xuân: Bảo vệ đàn vật nuôi trước thời tiết bất lợi

Rét đậm, rét hại xảy ra ở vụ Đông Xuân hàng năm là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng lớn đến tổng đàn vật nuôi, đặc biệt là ở khu vực trung du miền núi phía ắc và Bắc Trung Bộ

Không khí lạnh trải dài các tỉnh miền núi

 

Năm nay, thời tiết đón nhiều đợt không khí lạnh, rét đậm, rét hại kéo dài, kèm theo mưa phùn, độ ẩm cao, thức ăn thô xanh thiếu. Nhiệt độ trung bình từ 13-16oC, vùng núi có nơi 6-9oC, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe đàn vật nuôi.

 

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, xu thế thời tiết đặc biệt trong tháng 2 năm 2022. Theo đó, các đợt không khí lạnh tiếp tục hoạt động, Bắc Bộ và bắc Trung Bộ xảy ra nhiều ngày rét đậm, rét hại trong thời kỳ này. Đợt lạnh kèm theo mưa phùn kéo dài có nguy cơ ảnh hưởng tới đàn vật nuôi. Để ứng phó, người dân đã chủ động áp dụng nhiều biện pháp chống rét cho vật nuôi.

 

Thống kê của Cục Chăn nuôi cho thấy, vụ Đông Xuân 2020-2021 rét đậm, rét hại kéo dài, số gia súc bị thiệt hại là 2.271 con và gia cầm là 335 con. Nguyên nhân chủ yếu do rét đậm thường vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, thời gian này, người chăn nuôi chuẩn bị Tết, buông lỏng công tác phòng, chống đói, rét cho gia súc. Người chăn nuôi không chuẩn bị đầy đủ điều kiện phòng, chống rét cho đàn gia súc; không che chắn chuồng trại; không dự trữ thức ăn lâu dài; không nhốt đàn gia súc khi mùa đông giá rét đến; chuồng trại không được giữ khô sạch trong mùa đông là nguyên nhân quan trọng làm trâu, bò bị chết.

 

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai, vụ Đông Xuân năm nay, tỉnh sẽ chịu ảnh hưởng từ 12-13 đợt không khí lạnh, vùng thấp khả năng có khoảng 7-8 đợt rét đậm, rét hại (từ 4 ngày trở lên); vùng cao có khoảng 11-13 đợt và khả năng xảy ra khoảng 3-4 đợt băng giá với cường độ từ nhẹ đến trung bình. Với dự báo của các đợt rét đậm, rét hại sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến đàn gia súc của tỉnh. Trong khi đó, tỷ lệ hộ dự trữ được trên 50% nhu cầu thức ăn thô xanh còn thấp (51,73%), số hộ chưa thực hiện dự trữ thức ăn còn chiếm tỷ lệ cao (10%); vẫn còn tình trạng hộ không có chuồng trại và thả rông gia súc. Với 1.731 hộ không có chuồng trại, sẽ có khoảng 5.000 con gia súc lớn có nguy cơ chết rét cao. Đồng thời, với 4.520 hộ chưa thực hiện dự trữ thức ăn, sẽ có khoảng 13.000 con gia súc lớn có nguy cơ chết đói cao khi rét đậm, rét hại kéo dài.

Trời rét đậm nên các hộ chăn nuôi gia súc lớn cơ bản chuyển sang nuôi nhốt.

 

Không để cho vật nuôi đói, rét

 

Tại Lai Châu, do ảnh hưởng của không khí lạnh, những ngày qua trên địa bàn huyện Nậm Nhùn xuất hiện những đợt rét kéo dài, nhiệt độ xuống thấp, gây hại cho sức khỏe của đàn vật nuôi. Tổng đàn gia súc của huyện Nậm Nhùn có trên 33.086 con (trong đó: 8.795 con trâu, 5.015 con bò, 3.647 con dê, trên 11.000 con lợn…), đàn gia cầm 169.128 con. 

 

Gia đình anh Điêu Văn Chiến ở bản Mường Mô 1, xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn hiện có 5 con trâu. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, do chủ quan, không chú trọng gia cố chuồng trại, gia súc còn thả rông nên sau mỗi mùa đông, đàn gia súc đều sút cân, có con bị chết rét, thiệt hại nhiều về kinh tế. Những năm trở lại đây, cùng với đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, gia đình anh Chiến tích trữ, chuẩn bị nguồn thức ăn cho đàn trâu vào những ngày giá rét.

 

Anh Chiến chia sẻ: “Việc chủ động thức ăn cho gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại rất quan trọng. Bởi nếu giá rét kéo dài nhiều ngày mà không có gì cho chúng ăn, sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của đàn vật nuôi. Vì vậy, ngoài trồng cỏ để dự trữ thêm nguồn thức ăn cho trâu, sau khi thu hoạch lúa mùa, gia đình tôi thu gom, tích trữ rơm rạ để làm thức ăn cho đàn gia súc trong những ngày mùa đông giá rét”.

 

Trời rét đậm nên các hộ chăn nuôi gia súc lớn cơ bản chuyển sang nuôi nhốt. Gia đình ông Nguyễn Đức Nghịch, thôn Mới, xã Phúc Sơn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang hiện có 70 con bò. Những năm trước, do chủ quan, thường thả rông trên núi, nên sau mùa đông bò sút cân, có con bị chết rét. Năm nay, cùng với đầu tư cải tạo chuồng trại, khi không khí lạnh tràn về, ông lên núi lùa đàn bò về nuôi nhốt. Ông Nghịch chia sẻ: “Biết tin có đợt rét đậm kèm theo sương muối dài ngày, gia đình tôi chủ động phòng, chống rét cho đàn bò bằng việc vệ sinh chuồng sạch sẽ, dự trữ rơm và một số thức ăn khác. Trong những ngày rét đậm, có mưa phùn, tôi không thả bò mà quây bạt, nhốt trong chuồng, cho ăn uống bảo đảm dinh dưỡng”.

 

Gia đình bà Giáp Thị Bắc, thôn La Thành, xã Tiến Thắng, huyện Yên Thế (Bắc Giang) hiện có hơn 2 nghìn con gà, trong đó 1 nghìn con đang úm nên cùng với che chắn chuồng trại cẩn thận, bà bố trí đầy đủ bóng điện hồng ngoại sưởi ấm cho gà. Những ngày trời rét đậm, bà còn giữ ấm cho vật nuôi bằng cách đốt củi (vị trí đốt xa chất độn chuồng, bạt che để phòng bén lửa gây cháy và có đường ống dẫn khói thải ra ngoài chuồng tránh cho gà bị ngạt hoặc ngộ độc).

 

Trong những năm gần đây, tại Sơn La thời tiết khí hậu khắc nghiệt hơn như khô hanh, sương muối, lốc, mưa đá, băng giá xuất hiện nhiều lần trong năm đã gây thiệt hại trong sản xuất, chăn nuôi và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Anh Hà Văn Chính, bản Hang Trùng 2, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ cho hay, hiện tại gia đình anh có 11 con bò, sau khi được các cấp, ngành tuyên truyền, hướng dẫn, vài năm gần đây gia đình anh đã tự biết cách chăm sóc đàn gia súc của mình. Mùa Đông, anh Chính đảm bảo về chuồng trại và nguồn thức ăn. Mùa Hè thường xuất hiện dịch bệnh thì thực hiện các phương pháp như: rắc vôi khử trùng chuồng trại hằng tuần, hằng tháng; tiêm vaccine định kỳ, đảm bảo cho đàn bò luôn khỏe mạnh. Gia đình anh Chính đã xây chuồng trại rộng, giúp cho đàn gia súc có điều kiện vận động và che chắn kín để gió, mưa mù không tạt vào, đảm bảo chuồng trại luôn được khô ráo nên không xảy ra hiện tượng bò bị chết rét.

 

Thực hiện 3 không, 3 có trong chăn nuôi

 

Theo dự báo, vụ đông xuân năm 2021-2022 có thể xuất hiện nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài, nguy cơ đàn vật nuôi bị chết do đói, rét rất dễ xảy ra. Các chuyên gia cho rằng, để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất, người chăn nuôi cần chủ động theo dõi chặt chẽ thông tin diễn biến thời tiết để có biện pháp phòng, chống đói, rét cho vật nuôi kịp thời, giữ ấm cho gia súc, không thả rông gia súc khi nền nhiệt độ xuống dưới 13oC. Các hộ chăn nuôi cần dự trữ thức ăn thô xanh, bổ sung thức ăn tinh cho gia súc và tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi. Đồng thời, các địa phương cần triển khai cơ chế, chính sách ưu tiên hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi… để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho đàn vật nuôi.

 

Vận động người dân thực hiện 3 không, 3 có trong chăn nuôi (3 không: Không thả rông, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, không giấu dịch; 3 có: Có chuồng trại, có xử lý chất thải trong chăn nuôi, có tiêm phòng cho gia súc). Không chủ quan, lơ là trong chăm sóc nuôi dưỡng, quản lý vật nuôi trước, trong và sau rét đậm, rét hại. Sau khi kết thúc từng đợt rét cần khẩn trương vệ sinh chuồng trại, cho trâu bò thích nghi dần với khí hậu ngoài chuồng nuôi, phòng, chống bùng phát dịch bệnh. Có phương án chủ động về con giống để sẵn sàng thay thế khi gia súc bị chết, sản xuất lại ngay sau khi thiệt hại do rét đậm, rét hại. Đồng thời cần tăng cường năng lực cho cán bộ khuyến nông cơ sở về công tác phòng, chống đói, rét cho vật nuôi. Tổ chức các lớp tập huấn cho người chăn nuôi về kỹ thuật chăn nuôi, chế biến phế phụ phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương. Xây dựng các mô hình chăn nuôi trình diễn áp dụng kỹ thuật chăn nuôi, chế biến thức ăn cho gia súc nhai lại và xây dựng chuồng trại chống rét cho gia súc…

Nguồn: http://nhachannuoi.vn/ret-dam-vu-dong-xuan-bao-ve-dan-vat-nuoi-truoc-thoi-tiet-bat-loi/
Tin liên quan
Chưa có thông tin