|
  • :
  • :

Thừa Thiên Huế: Quảng Điền hướng đến chăn nuôi hàng hóa, an toàn

Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) chuyển dần từ phương thức chăn nuôi gia súc, gia cầm (GSGC) nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, gia trại (TT, GT) theo hướng hàng hóa, an toàn dịch bệnh.

 

Nuôi bò lai nhốt chuồng

Nuôi nhỏ lẻ lỗi thời

Ông Nguyễn Thuận ở xã Quảng Vinh thừa nhận, một thời nuôi lợn quy mô 5-7 con thường xảy ra dịch bệnh, do thiếu quan tâm chăm sóc. Một phần tâm lý người dân nghĩ rằng nuôi ít nên nếu bị dịch thì thiệt hại không nhiều nên chủ quan. Hiện nay, chăn nuôi quy mô lớn, an toàn theo mô hình TT, GT là hướng đi phù hợp với xu thế thị trường, sản xuất mang tính hàng hóa.

Từ những ngày đầu ra vùng rú cát lập nghiệp, ông Thuận cũng như các hộ đều có sự đầu tư khá bài bản trong phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Chuồng trại được xây dựng đảm bảo quy mô lớn, theo hướng hàng hóa. Hệ thống xử lý rác, nước thải, chất thải trong chăn nuôi đảm bảo vệ sinh an toàn. TT lợn của ông Thuận luôn duy trì 200-300 con cả lợn nái lẫn lợn thịt và hàng ngàn con gà thương phẩm mỗi lứa.

Ông Thuận và các hộ làm TT trên vùng rú cát liên kết với Công ty CP Greenfeed chăn nuôi lợn theo công nghệ cao. Công ty này hỗ trợ con giống, thức ăn, tư vấn thiết kế chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm, thậm chí bù lỗ nếu giá lợn hơi xuống dưới 33 nghìn đồng/kg… Bình quân mỗi năm doanh thu của TT ông Thuận đạt trên 3 tỷ đồng, chủ yếu nuôi lợn, gà thương phẩm. Tại TT còn trồng cây ăn quả, các loại rau chủ yếu phục vụ chăn nuôi GSGC.

Ông Ái Hiệp, chủ TT trên vùng rú cát Quảng Điền khẳng định: Ông cũng như các hộ nuôi đang học tập, ứng dụng công nghệ nuôi lợn, gà theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, hữu cơ. Đây là hướng đi phù hợp với xu thế thị trường trong và ngoài nước, nhu cầu người tiêu dùng ngày càng khắt khe trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm, sức khỏe. Từ hai năm nay, TT ông Hiệp luôn duy trì chăn nuôi lợn, gà theo hướng hàng hóa, an toàn, lãi mỗi năm 200-250 triệu đồng.

Chủ tịch UBND xã Quảng Vinh, ông Lương Nguyễn Thành Tâm cho rằng, chăn nuôi lợn, gà nhỏ lẻ không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình và bảo vệ môi trường khu dân cư hiện nay. Thực tế, hầu hết các hộ sinh sống tại vùng rú cát đều có cuộc sống ổn định, khá giả, thậm chí làm giàu từ chăn nuôi GSGC quy mô lớn. Các chủ TT đều mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi gắn với các quy trình, kỹ thuật sản xuất an toàn dịch bệnh bằng chế phẩm sinh học. Nhiều hộ nuôi quy mô vài trăm con lợn đến 1.000-2.000 con/lứa, 3.000-7.000 con gà/lứa, cá biệt có hộ nuôi đến 6.000 con lợn/lứa và 13.000 con gà/lứa…

Tái đàn kết hợp nuôi quy mô lớn

Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, ông Phan Văn Lự đánh giá, trở lực lớn hiện nay trong phát triển mô hình TT, GT chăn nuôi quy mô lớn là giá thức ăn tăng cao, trong khi có thời điểm giá đầu ra thiếu ổn định. Ngoại trừ các chủ TT, GT đã liên kết với các doanh nghiệp ổn định thu nhập, đầu ra, còn lại các hộ nuôi chưa liên kết, chủ yếu “tự bơi” nên thu nhập khá bấp bênh. Một vài thời điểm dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp nên việc tái đàn, tăng đàn còn chậm. Việc tăng đàn chủ yếu tập trung ở các trại chăn nuôi quy mô lớn và có liên kết theo chuỗi giá trị.

Năm vừa qua xuất hiện một số dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, như lở mồm long móng xảy ra ở một số hộ thuộc xã Quảng Phú, Quảng Thái, Quảng Vinh; bệnh viêm da nổi cục trâu, bò xảy ra ở Quảng Phú, Quảng Công và Quảng Ngạn. Phòng NN&PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Điển phối hợp với Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên GSGC. Các ổ dịch được khống chế, tất cả GS bị bệnh được chăm sóc, phục hồi.

Trong quá trình khôi phục sản xuất, tái đàn sau thiên tai, dịch bệnh, ngành nông nghiệp huyện Quảng Điền vận động, hướng dẫn các địa phương, hộ chăn nuôi chuyển dần sang nuôi quy mô lớn, an toàn, theo hướng hàng hóa. Tính riêng trong năm nay, các TT, cơ sở giống tổ chức sản xuất hàng chục ngàn con gà giống và gần 100 ngàn con gà từ nguồn Trung ương và tỉnh hỗ trợ cho các hộ tái đàn. Một số tổ chức, cá nhân còn hỗ trợ giống, vật tư cho các hộ tái đàn, khôi phục sản xuất theo hướng TT, GT quy mô lớn.

Nhà máy ấp trứng GC của Công ty 3F Việt, trại sản xuất gà giống của ông Đặng Phước Trùng đáp ứng một phần nhu cầu nguồn giống an toàn phục vụ nuôi tại vùng rú cát. Các trại liên kết chăn nuôi lợn tiếp tục hoạt động có hiệu quả, đồng thời duy trì phát triển các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, nuôi vịt đàn, nuôi bò nhốt chuồng…

Mới đây, tỉnh phê duyệt đề án phát triển đàn lợn nuôi theo hướng hữu cơ và an toàn sinh học theo chuỗi giá trị tại huyện Quảng Điền giai đoạn 2021 – 2025. Trong năm 2021 có 4 hộ tái đàn theo mô hình này, quy mô nuôi 24 con lợn nái và 144 lợn thịt. Dự kiến trong năm nay, huyện Quảng Điền tiếp tục hỗ trợ, vận động các hộ tiếp tục phát triển quy mô, số lượng lợn nuôi theo hướng hữu cơ.

Đến nay, toàn huyện Quảng Điền duy trì 35 TT chăn nuôi (theo Nghị định số 13/2020/ND-CP ngày 21/1/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi). Tổng đàn lợn toàn huyện Quảng Điền hơn 25 ngàn con; trong đó 3.500 lợn nái, chủ yếu nái lai, nái ngoại chiếm 71%, cơ bản đáp ứng nhu cầu nguồn giống phục vụ nuôi trên địa bàn huyện. Tổng đàn GC khoảng 550 ngàn con; tổng đàn trâu, bò khoảng 3.200 con, trong đó bò lai chiếm 93%…

Nguồn: http://nhachannuoi.vn/thua-thien-hue-quang-dien-huong-den-chan-nuoi-hang-hoa-an-toan/
Tin liên quan
Chưa có thông tin