Nhu cầu mùi và vị thay đổi thường xuyên theo độ tuổi. Việc bổ sung mùi theo giai đoạn nuôi là giải pháp hóa mùi thực phẩm tốt nhất để giải quyết vấn đề. Ở bò có 35.000 chồi vị giác, người có 9.000 và gà chỉ có 24. Vị được chia làm 4 nhóm: ngọt, mặn, chua và đắng. Có nhiều vị được kết hợp từ 4 nhóm này. Cơ quan vị giác là các nhóm tế bào gọi là chồi vị giác. Phần lớn ở động vật có xương sống, các cơ quan vị giác nằm trên lưỡi, nhưng cũng có 1 phần ở vòm miệng, hầu, bên trong gò má và trong thanh quản. Các dây thần kinh từ các chồi vị giác mang những xung động đến trung khu vị giác ở não, gần trung khu khứu giác. Những phần khác nhau của lưỡi có những cảm giác về vị khác nhau. Đỉnh và rìa trước lưỡi có cảm nhận đặc biệt vị ngọt và mặn, hai bên lưỡi có cảm nhận nhiều về vị chua và sóng lưỡi có cảm nhận nhiều về vị đắng. Vùng giữa mặt lưỡi không có cảm nhận về vị. Trình tự các bộ phận vị giác nằm từ đỉnh tới lưng lưỡi thì chính xác giống như trình tự thay đổi mùi vị liên quan xảy ra trong vòng đời. Ví dụ, trẻ sơ sinh thích vị ngọt, thiếu niên thích vị mặn, người trưởng thành thích vị chua và người già thích vị đắng. Rõ ràng, có sự thay đổi về vị giác trùng hợp với những thay đổi nhu cầu dinh dưỡng theo lứa tuổi. Điều này càng chứng tỏ tính khoa học của việc cho ăn theo từng giai đoạn tuổi kết hợp với mùi vị phù hợp.
Bổ sung hương liệu vào thức ăn theo từng giai đoạn tuổi rất quan trọng trong chăn nuôi. Khẩu phẩn giai đoạn tập ăn thường được bổ sung mùi sữa mẹ (được sản xuất tổng hợp). Trong giai đoạn tăng trưởng và vỗ béo, việc sử dụng các mùi tự nhiên như rỉ mật, bắp, cỏ… sẽ giúp vật nuôi ăn nhiều hơn. Nhìn chung, loài gia cầm thích các loại nguyên liệu thức ăn có vị đắng và ngọt.
Hình minh họa (Nguồn: internet)
Trong các loài vật thuần hóa, khứu giác của chó phát triển nhất. Cảm nhận về mùi và vị của chó hơn con người gấp 100 lần. Chúng có thể nhận ra người dù chỉ gặp 1 lần trước đây. Khả năng đánh hơi có thể báo cho chúng biết mùi của những vật khác để tìm ra dấu vết. Nhiều báo cáo khoa học cho thấy nhiều mùi được phát hiện bởi các cảm giác là do có nhiều bộ phận cảm giác ở phần dưới đường kẻ mũi. Ví dụ, mùi long não thường có cảm giác lạnh, mùi nồng amoniac thường có cảm giác đau nhức. Các cơ quan khứu giác ở chóp đỉnh của hốc mũi. Mùi khi tiếp xúc với dây thần kinh, khứu giác sẽ mang những cảm giác mùi đến thùy khứu giác ở não bộ. Các thùy khứu giác ở não súc vật nhiều hơn ở não người. Các loài khác nhau thì bị hấp dẫn bởi các mùi khác nhau. Có rất nhiều khác biệt trong việc chọn mùi giữa trâu bò, heo và gia cầm cũng như giữa con người và vật nuôi. Điều này giải thích tại sao việc chọn mùi cho thức ăn thường được cân nhắc cẩn thận. Ví dụ, ngày xưa người ta thường chọn mùi cây “hồi” do con người thích. Nhưng mùi “hồi” lại làm giảm tính thèm ăn của vật nuôi. Mùi anh đào, mâm xôi, dâu tây cũng không hấp dẫn đối với chúng. Mỗi loại vật nuôi có xu hướng chọn cho mình một mùi riêng. Chó con thích mùi sữa trong khi chó trưởng thành lại thích mùi hăng nồng của xương bị lên men. Bò thích mùi cỏ ủ chua, heo thịt thích mùi bắp thơm. Hương liệu giúp vật nuôi tăng cảm nhận về mùi, vị. Cảm nhận của khứu giác và vị giác có mối quan hệ rất gần. Ngoài ra hương liệu còn giúp che đậy các mùi hôi, ôi mốc của nguyên liệu thức ăn.
Ngày nay, các trang trại khai thác năng suất vật nuôi triệt để. Chủ trại chăn nuôi quản lý, chăm sóc vật nuôi như một công cụ sản xuất nhằm thu lợi nhuận tối đa một phần nhờ cho ăn hợp khẩu vị. Vật nuôi thích ăn sẽ cho năng suất nhiều hơn. Khẩu phần ăn tốt nếu đáp ứng về mặt dinh dưỡng nhưng sẽ có ít giá trị nếu vật nuôi không ăn với một lượng cần thiết. Do đó, dù cho thức ăn có đủ dinh dưỡng nhưng kém ngon miệng thì sẽ có ít giá trị.