Theo TS. Nguyễn Mạnh Dũng – Phó Tổng thư ký Hội Khoa học và công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam, Nguyên Trưởng phòng Chế biến, Trưởng phòng Phát triển thị trường sản phẩm trồng trọt thuộc Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 do Bộ Công Thương chủ trì trong giai đoạn 2007-2020 là một Đề án khá thành công. Đặc biệt, thành công nổi bật của Đề án là ứng dụng công nghệ sinh học để tạo ra được nhiều sản phẩm chế biến từ nông sản và phụ phẩm nông sản, giúp nâng cao giá trị cho những mặt hàng này.
Tiêu biểu là dự án sản xuất thử nghiệm “Sử dụng phế thải công nghiệp chế biến tinh bột sắn để sản xuất thức ăn chăn nuôi và năng lượng sinh học (Biogas)” do Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Long Giang Thịnh (Quảng Bình) chủ trì thực hiện. Dự án đã tạo ra 09 loại sản phẩm khác nhau hướng đến khai thác triệt để nguồn nguyên liệu là phụ phẩm của công nghiệp chế biến tinh bột sắn. Dự án cũng đã sử dụng toàn bộ chất thải trong chế biến tinh bột sắn công nghiệp của công ty để sản xuất được hàng trăm tấn thức ăn chăn nuôi cung cấp cho người dân địa phương và hàng triệu mét khối khí metan (khí gas), tạo ra nguồn năng lượng sạch cung cấp cho hoạt động chế biến của chính công ty.
Đáng chú ý, trong tương lai, lượng khí gas này có thể sử dụng để chạy máy phát điện, cung cấp điện năng cho người dân trong vùng miền núi xa xôi của địa phương. Đây là một mô hình khá toàn diện và mẫu mực trong việc thực hiện sản xuất sạch hơn và sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn, biến chất thải gây ô nhiễm môi trường thành nguồn nguyên liệu sản xuất ra nhiều sản phẩm có giá trị.
Sản phẩm thực phẩm chức năng CollaJell - kết quả của đề tài “Nghiên cứu công nghệ ứng dụng enzyme trong sản xuất collagen từ nguồn lợi sứa biển” do Viện Tài nguyên và Môi trường biển chủ trì.
Hay như đề tài “Nghiên cứu công nghệ ứng dụng enzyme trong sản xuất collagen từ nguồn lợi sứa biển” do Viện Tài nguyên và Môi trường biển chủ trì cũng mang lại hiệu quả rõ rệt. Từ nguồn sứa biển vốn không có nhiều giá trị, đề tài đã nghiên cứu, sử dụng công nghệ sinh học để tách chiết collagen ở quy mô 1.000kg nguyên liệu/mẻ làm nguyên liệu để sản xuất trong lĩnh vực mỹ phẩm và dược phẩm. Kết quả của đề tài đã được áp dụng tại Công ty TNHH MTV Vĩnh Hoàn để sản xuất collagen từ sứa biển, đem lại lợi nhuận trên 500 tỷ đồng mỗi năm.
Còn trong lĩnh vực chế biến nông sản, một dự án khá thành công của Đề án có thể kể đến là dự án sản xuất thử nghiệm (SXTN) “Sản xuất surimi và một số sản phẩm chế biến từ mực đại dương” do Viện Nghiên cứu Hải sản chủ trì. Kết quả nghiên cứu của dự án này không những có thể chuyển một nguồn thủy sản (mực đại dương) rất dồi dào, nhưng ít giá trị, thị trường hẹp và khá bị động trong tiêu thụ sản phẩm thành sản phẩm rất có giá trị (surimi), có thể làm nguyên liệu để chế biến các sản phẩm cao cấp khác nhau, đồng thời lại có thị trường tiêu thụ rất rộng mở cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Theo TS. Nguyễn Mạnh Dũng, dự án này có hiệu quả kinh tế khá cao, nhất là có thể tạo ra nhiều việc làm cho người dân ven biển khu vực miền Trung vốn vẫn còn nghèo khó vươn lên làm giàu từ chính nguồn lợi tưởng như phải bỏ đi của địa phương.
Chả tôm từ surimi mực đại dương - sản phẩm của dự án SXTN "Sản xuất surimi và một số sản phẩm chế biến từ surimi mực đại dương" do Viện nghiên cứu hải sản chủ trì.
Đặc biệt, trong lĩnh vực chế biến phụ phẩm nông nghiệp thì chuỗi sản phẩm sản xuất chitin, nước chấm, bột tôm, dịch tôm từ phụ phẩm của công nghiệp chế biến tôm thuộc dự án SXTN “Sản xuất một số thực phẩm và thức ăn chăn nuôi từ phụ phẩm công nghiệp chế biến tôm” do Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì là một dự án khá thành công về nhiều mặt.
Cụ thể, từ nguồn nguyên liệu là phụ phẩm của công nghiệp chế biến tôm xuất khẩu như đầu, vỏ tôm,…luôn gây ra mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường nặng nề, đến nay, dự án đã nghiên cứu, chế biến ra các sản phẩm hữu ích ở quy mô công nghiệp. Dự án triển khai thành công tại Công ty TNHH Một thành viên Sản xuất thương mại dịch vụ Đại Phát (Cà Mau). Không những giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường do phụ phẩm của hoạt động chế biến nông sản, dự án còn tạo ra giá trị hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho công ty, đưa hoạt động sản xuất của công ty trở nên an toàn và bền vững.
Có thể nói, công nghệ sinh học chính là "chìa khóa" giải quyết hiệu quả bài toán nâng cao giá trị cho nhiều loại nông sản và phụ phẩm nông sản sẵn có, dồi dào và rẻ tiền trong nước. Đối với Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 nói riêng, các kết quả của Đề án đã góp phần không nhỏ trong việc đa dạng hóa các sản phẩm đầu ra, tạo ra nhiều sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao từ các nguyên liệu chủ lực của Việt Nam và bằng chính các công nghệ được nghiên cứu trong nước. Bên cạnh đó, thông qua các nhiệm vụ thuộc Đề án do các doanh nghiệp chủ trì thực hiện đã tạo ra số lượng lớn công ăn việc làm cho người lao động, góp phần không nhỏ vào công tác an sinh xã hội.
Tính đến năm 2020, Ban Điều hành Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 đã phê duyệt, tổ chức triển khai thực hiện tổng số 148 nhiệm vụ khoa học công nghệ, trong đó có 97 đề tài (chiếm 65,5%) và 51 dự án SXTN (chiếm 34,5%). Trong đó, 127 nhiệm vụ được giao cho các đơn vị chủ trì triển khai thực hiện tại miền Bắc, 11 nhiệm vụ được giao cho các đơn vị chủ trì triển khai thực hiện tại miền Trung, 10 nhiệm vụ ược giao cho các đơn vị chủ trì triển khai thực hiện tại miền Nam. |
Hà Nguyễn