Những “mảng sáng” – thuận lợi cơ bản…
Ngành chăn nuôi Việt Nam nói chung và chăn nuôi heo nói riêng có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn kỹ thuật; các cơ chế, chính sách, đề án … để tổ chức quản lý, phát triển ngày càng hoàn thiện đồng bộ, thống nhất.
Ngành chăn nuôi heo Việt Nam có một thị trường nội địa gần 100 triệu dân với khách du lịch quốc tế ngày càng tăng sau khi các hoạt động du lịch, lễ hội được tổ chức lại. Hơn nữa, thịt heo là loại thực phẩm chính trong “rổ” thịt của người Việt Nam. Giai đoạn 2020-2023, cơ cấu đàn vật nuôi của nước ta (chăn nuôi nuôi heo chiếm 60-64%; gia cầm 28-29% (trong đó, gà lông màu 11%, gà trắng 11%, ngan, vịt 7%) còn lại là trâu, bò, dê, cừu (chiếm 9%). Trong khi, cơ cấu sản lượng thịt thế giới năm 2022, thịt heo chiếm 41%, thịt gia cầm 37% và thịt trâu, bò (22%).
Cùng với đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam và FDI đầu tư quy mô lớn, chế biến sản phẩm chăn nuôi theo mô hình chuỗi từ trang trại đến bàn ăn.
Mặt khác, từ tháng 3/2023 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã ”hạ nhiệt” từ 3-4 lần tùy doanh nghiệp; và từ tháng 5 năm 2023, giá heo hơi đã tăng, dự báo chu kỳ phục hồi của ngành.
Cùng với đó, tại thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới về chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vắc xin chuồng trại của thế giới… hầu hết có nhà máy hoặc văn phòng đại diện, nhà phân phối tại Việt Nam. Bên cạnh khai thác thị trường chăn nuôi rộng lớn của Việt Nam, họ đã đưa nhiều sản phẩm, dịch vụ và tiến bộ kĩ thuật tiên tiến trên thế giới góp phần giúp ngành heo tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí. Cùng với đó, thời gian gần đây cũng xuất hiện nhiều doanh nghiệp nội đã có những hướng đi mới như chăn nuôi hữu cơ (Quế Lâm….), chăn nuôi theo kinh tế tuần hoàn, chăn nuôi giống bản địa…
Nhiều “mảng tối” cần tháo gỡ
Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, dịch bệnh vẫn là yếu tố rủi ro lớn nhất của ngành chăn nuôi heo. Bởi, hiện nay các dịch bệnh nguy hiểm như ASF, Lở mồm long móng… vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát, đe dọa sự bền vững của ngành. Trong khi đó, chăn nuôi an toàn sinh học ở khu vực chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ và vừa còn yếu.
Cũng theo Cục này, chăn nuôi heo nói riêng còn phải đối mặt với nguy cơ chất lượng do phải sử dụng hoá chất, thuốc kích thích, tăng trọng, chất tạo nạc, tạo màu, kim loại nặng… đang phổ biến trong ngành chăn nuôi heo thịt, làm cho người tiêu dùng thiếu lòng tin về sử dụng sản phẩm thịt heo trên thị trường hiện nay.
Tính chuyên nghiệp trong chăn nuôi của khu vực nông hộ, trang trại quy mô vừa và nhỏ chưa được cải thiện nhiều, giá thành sản xuất còn cao. Công tác quản trị kém, thiếu kiến thức cần thiết về an toàn sinh học, chế độ dinh dưỡng không phù hợp cho vật nuôi theo từng giai đoạn, dẫn đến năng suất chăn nuôi thấp, giá thành sản xuất cao, thường gặp rủi ro về dịch bệnh, thị trường. Quy mô chăn nuôi nhỏ còn chiếm tỷ lệ lớn trong khi các mô hình tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị còn ít.
Tổ chức sản xuất chăn nuôi heo theo chuỗi ở nước ta còn yếu, thiếu bền vững, vẫn còn bị động trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, hiệu lực các cam kết trong hợp tác chăn nuôi (theo liên kết dọc và liên kết ngang) không cao.Việc ứng phó với thông tin thị trường chưa tốt của người chăn nuôi là hạn chế lớn, gây nên nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất cũng như dự báo thị trường, hầu hết người chăn nuôi còn bị động và phụ thuộc vào thương lái, người tiêu thụ trung gian.
Chênh lệch lớn giữa giá bán của người chăn nuôi (giá heo hơi xuất chuồng) và giá người tiêu dùng phải trả (giá thịt heo thành phần đến tay người tiêu dùng); chưa xây dựng được thương hiệu và thực hiện quảng bá rộng rãi cho sản phẩm thịt heo.
Chăn nuôi heo vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu đầu vào như con giống chất lượng cao và đặc biệt là nguyên liệu TACN; chưa hình thành được vùng sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước để giảm giá thành chăn nuôi. Hằng năm, trong nước chỉ sản xuất được 35% nguyên liệu (để sản xuất khoảng 20 triệu tấn TACN công nghiệp), còn lại 65% phải nhập khẩu.
Năng suất sản xuất chăn nuôi heo còn hạn chế. Năng suất sinh sản của đàn nái vấn còn khá thấp so với khu vực và thế giới, chất lượng giống và sản phẩm chăn nuôi không đồng đều. Hiện nay, năng suất chăn nuôi heo nái của nước ta vẫn còn khá thấp (18-20 con cai sữa/nái/năm); năng suất chăn nuôi heo trong trang trại đã được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế so với các nước có nền chăn nuôi heo phát triển (năng suất heo nái đạt 21-25 con cai sữa/nái/năm, trong khi đó, năng suất sinh sản heo của một số nước như Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan chỉ tiêu này là 24-28 con cai sữa/nái/năm).
Chưa phát triển được các thương hiệu heo bản địa, đặc hữu. Hiện nay, nước ta có hơn 20 giống heo bản địa với nhiều đặc tính sinh học quý, chất lượng thịt thơm ngon. Tuy vậy, số lượng heo bản địa ngày càng suy giảm, nguồn gen quý ngày càng mai một. Rõ ràng, công tác bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen quý từ các giống vật nuôi bản địa này chưa hiệu quả; việc phát triển các ngành sản xuất nông nghiệp tích hợp đa giá trị (ẩm thực, văn hóa, du lịch, sinh thái và kinh tế) trong chăn nuôi heo chưa được khai thác.
Chi phí cho sản xuất chăn nuôi ngày càng tăng do giá nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức cao, chi phí cho chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh; chi phí ứng phó với biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan ngày càng phức tạp tiếp tục tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững ngành chăn nuôi. Chi phí đầu vào sản xuất tăng cao. Chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm 65-70% giá thành sản xuất trong chăn nuôi heo. Với giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao từ năm 2021 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm đã tăng 18-22% (mặc dù giá heo giống đã hạ xuống khá hợp lý: từ 2,6 triệu giảm xuống 1,2 triệu/con) nhưng việc tăng chi phí thức ăn chăn nuôi đã góp phần làm cho lợi nhuận người chăn nuôi heo giảm mạnh, thậm chí có những nông hộ và trang trại chăn nuôi bị thua lỗ, bỏ trống chuồng.
Sự toàn cầu hóa về thị trường tác động lớn đến các chuỗi cung ứng, cạnh tranh sản phẩm chăn nuôi ngày càng diễn ra căng thẳng. Việt Nam là thành viên, đối tác tham gia với 17 Hiệp định thương mại tự do khu vực và thế giới nên yêu cầu sản phẩm chăn nuôi phải nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm hơn, giá thành sản xuất rẻ hơn mới có được lợi thế trong cạnh tranh. Việt Nam đã ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do, trong đó, có các hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTTP, EVFTA; ngoài ra, nước ta cũng ký kết các hiệp định song phương với nhiều nước có nền chăn nuôi tiến tiến. Do vậy, việc sản phẩm chăn nuôi nói chung và sản phẩm thịt heo nói riêng của nước ta sẽ gặp khó khăn hơn khi ta buộc phải mở cửa cho thực phẩm nhập khẩu từ Mỹ, Brazil, Nga, Ấn Độ và Đức và sản phẩm nhập khẩu sẽ cạnh tranh mạnh với sản phẩm trong nước.
Trong điều kiện thành tựu khoa học và công nghệ tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó được dự báo sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong việc quản lý, tổ chức hoạt động chăn nuôi. Xu hướng số hóa, chuyển đổi số gắn với chăn nuôi công nghệ cao, các mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp số sẽ phát triển mạnh.
ÔNG TẠ VĂN TƯỜNG, PGĐ SỞ NN & PTNT: Xem xét sửa đổi Luật đất đai, tạo điều kiện cho chăn nuôi quy mô lớn Đề nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu, xem xét đề xuất Chính phủ sớm sửa đổi Luật đất đai tạo hành lang pháp lý về tích tụ ruộng đất, tập trung đất đai, tạo điều kiện cho cơ sở, HTX, Doanh nghiệp phát triển chăn nuôi quy mô lớn; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ tăng cường hợp tác, giúp đỡ cho Hà Nội trong công tác đào tạo, chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, giúp Thành phố xây dựng Tháp giống heo; có chính sách hỗ trợ, quản lý về giá nguyên liệu, thức ăn, thuốc thú y, giá cả mặt hàng chăn nuôi, giảm khâu trung gian để hạ giá thành sản phẩm; chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát, tham mưu điều chỉnh các mức thu phí, lệ phí liên quan đến chăn nuôi, giết mổ (như phí kiểm soát giết mổ… cho phù hợp với thực tiễn, các chính sách hỗ trợ phòng chống dịch bệnh (như hỗ trợ ASF) ÔNG TRẦN LÂM SINH, PHÓ GĐ SỞ NN&PTNT TỈNH ĐỒNG NAI: Nâng cao trình độ, năng lực cho người dân Đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ, năng lực cho người dân để sản xuất theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Ưu tiên các dự án đầu tư theo trang trại quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao gắn với sơ chế, chế biến sản phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng; tổ chức sản xuất chăn nuôi theo hình thức hợp tác, liên kết; sản xuất theo các quy trình chăn nuôi an toàn (VietGAP, ATDB, ATSH,…); xây dựng các mô hình chăn nuôi heo theo hướng hữu cơ gắn với chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm, chăn nuôi tuần hoàn. Thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh; tiếp tục xây dựng mới và duy trì các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh trên đàn heo; chú trọng việc xây dựng các vùng an toàn dịch đáp ứng tiêu chuẩn để hướng đến thị trường xuất khẩu… |