Mô hình chăn nuôi lợn công nghệ cao của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: Tuấn Anh.
Hàng nghìn tỷ đồng đầu tư vào chăn nuôi công nghệ cao
Thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã được nhiều nhà đầu tư chọn làm nơi đặt trang trại chăn nuôi công nghệ cao tại các huyện như: Phú Thiện, Ia Pa, Chư Pưh, Chư Prông, Mang Yang.
Trong đó, đáng chú ý có trại chăn nuôi heo công nghệ cao Ia Pa của Công ty Cổ phần nông nghiệp Navifam tại huyện Ia Pa. Trang trại có diện tích 14,74 ha, với quy mô 20.000 heo thịt mỗi năm, tổng vốn đầu tư 33 tỷ đồng. Cũng tại huyện Ia Pa, Công ty TNHH Nhất Trần cũng đã đầu tư trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao với diện tích 14,94 ha, quy mô 20.000 heo thịt mỗi năm, tổng vốn đầu tư 48 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại huyện Phú Thiện, Công ty TNHH chăn nuôi Bảo Giang đầu tư trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao với quy mô 24.000 heo thịt mỗi năm, tổng vốn đầu tư 46 tỷ đồng. Cũng tại huyện này, Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Ricky Farms 79 đã đầu trang trại chăn nuôi heo Ricky Farms 79 với quy mô 32.000 con heo thịt mỗi năm, tổng vốn đầu tư 75 tỷ đồng.
Tại huyện Kbang, Công ty cổ phần Tập đoàn Mavin với 2 dự án Trung tâm Giống heo công nghệ cao có quy mô 4.000 heo nái ông bà, 100.000 heo nái sinh sản/năm, với tổng vốn đầu tư 120 tỷ đồng và Trung tâm Giống gà công nghệ cao với quy mô 40 gà trứng giống bố mẹ, 4 triệu gà đẻ trứng mỗi năm, diện tích 40,66 ha, tổng vốn đầu tư 95 tỷ đồng.
Đặc biệt, mới đây, Tập đoàn Hoàng Gia De Heus Hà Lan và Tập đoàn Hùng Nhơn cũng đã khởi công Dự án Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai tại huyện Chư Pưh với diện tích 53,48 ha, tổng vốn đầu tư 380 tỷ đồng. Quy mô khu trang trại chăn nuôi gồm 2.500 con lợn giống hạt nhân (cấp cụ, kỵ), 9.000 con lợn giống (cấp ông, bà/lứa) và 25.000 con lợn thịt/lứa.
Tận dụng đồng cỏ rộng lớn, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào chăn nuôi bò tại Gia Lai.
Cùng với chăn nuôi heo, Gia Lai cũng đón nhận rất nhiều doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi bò công nghệ cao. Nổi bật có Công ty Cổ phần chăn nuôi bò thịt, bò sữa Cao Nguyên đầu tư trang trại chăn nuôi bò thịt, bò sữa Đak Ya tại huyện Mang Yang. Trang trại có diện tích 620 ha, với quy mô 10.000 bò sữa, 2.000 bò thịt, tổng vốn đầu tư 861 tỷ đồng.
Tại huyện Chư Prông, Công ty TNHH MTV Chăn nuôi bò Trung Nguyên cũng đầu tư trang trại chăn nuôi bò thịt với quy mô 25.000 con bò thịt, diện tích 155 ha, tổng vốn đầu tư 1.163 tỷ đồng.
Đặc biệt, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Trường Hải (Thagrico) đang triển khai xây dựng trang trại chăn nuôi bò theo mô hình kết hợp với trồng cây ăn trái, cây cao su, cây nguyên liệu tại xã Ia Púch (huyện Chư Prông), xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) và xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh) với quy mô 22.000 con bò, diện tích trên 1.700 ha, tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng.
“Chọn mặt gửi vàng”
Đầu năm nay, cụm chăn nuôi tại xã Pơ Lang (huyện Mang Yang) của Công ty Cổ phần chăn nuôi Gia Lai đi vào hoạt động sau 7 tháng làm các thủ tục và xây dựng các hạng mục cần thiết. Theo đó, trang trại sẽ sản xuất heo giống, chăn nuôi heo thịt, xử lý chất thải đều được thực hiện theo quy trình khép kín, tự động. Trong quá trình chăm sóc, các con heo sẽ được kiểm soát chặt chẽ về thức ăn, nước uống để phòng dịch, bệnh.
Gia Lai rất phù hợp với phát triển chăn nuôi công nghệ cao. Ảnh: Tuấn Anh.
Ông Nguyễn Ngọc Mai, Giám đốc Công ty Cổ phần chăn nuôi Gia Lai cho biết, khí hậu ở Gia Lai tương đối mát mẻ rất thuận lợi cho ngành chăn nuôi. Bên cạnh đó, với quỹ đất rộng lớn nên các trang trại xây dựng cách xa nhau, qua đó hạn chế lây lan dịch bệnh. Đặc biệt, thủ tục hành chính được các ban ngành của tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để công ty sở hoàn thành và đưa vào hoạt động. “Với những lợi thế đó, trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tiếp tục triển khai và đưa vào hoạt động một số cụm chăn nuôi công nghệ cao tại huyện Mang Yang và huyện Đăk Pơ”, ông Mai chia sẻ.
Theo ông Mai, hiện mỗi tháng, cụm chăn nuôi cung cấp ra thị trường khoảng 6.000 con heo thịt. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng tuyển và đảm bảo công việc cho 800 công nhân, đa phần là người Ba Na tại các xã Pơ Lang, Kon Chiêng (huyện Mang Yang), với mức lương mỗi người từ 6-8 triệu đồng/tháng.
Cũng “chọn mặt gửi vàng” khi đầu tư vào Gia Lai, Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai sẽ áp dụng công nghệ 4.0 xuyên suốt quá trình chăn nuôi, giúp kiểm soát tốt chất lượng chăn nuôi, tối ưu hóa hiệu suất chăn nuôi, giảm giá thành sản phẩm và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết, Gia Lai có diện tích đồng cỏ rộng lớn, khí hậu ôn hòa, rất phù hợp phát triển chăn nuôi quy mô lớn. DHN Gia Lai không chỉ góp phần tạo nên mô hình chăn nuôi hiện đại mà còn góp phần vào phát triển kinh tế, an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho gần 300 lao động địa phương, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tập đoàn Hoàng Gia De Heus Hà Lan và Tập đoàn Hùng Nhơn cũng đã khởi công Dự án Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai. Ảnh: Tuấn Anh.
Ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết, tỉnh Gia Lai sở hữu đồng cỏ rộng tới 18.000 ha, được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vùng đất rộng lớn, thổ nhưỡng phì nhiêu. Đặc biệt, mật độ chăn nuôi của tỉnh còn thấp, dư địa phát triển mở rộng quy mô chăn nuôi còn nhiều, đây là lợi thế mà ít địa phương nào có được để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô công nghiệp.
Ông Quế cũng cho biết, nhằm tạo điều kiện để nhà đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh Gia Lai đã ban hành một số chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Ngoài ra, để thu hút đầu tư đi vào chiều sâu, tỉnh đã tập trung có trọng tâm, trọng điểm nhằm khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế để tạo đột phá phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Định hướng trong thời gian tới, ông Quế cho biết, tỉnh sẽ đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đã được tỉnh cấp chủ trương đầu tư. Đồng thời, rà soát các vướng mắc của các dự án để tham mưu UBND tỉnh các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư.
“Tỉnh đã định hướng xây dựng các vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, an toàn dịch bệnh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, đặc sản của địa phương. Cùng với đó, phát triển chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học theo chuỗi liên kết, giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm”, ông Quế chia sẻ.