|
  • :
  • :

"Đòn bẩy" liên kết sản xuất lúa gạo bền vững

Theo ngành chức năng, việc tăng cường hoạt động của nhóm công tác đối tác công tư (PPP) ngành hàng lúa gạo sẽ thu hút đầu tư và tăng cường hiện đại hóa hệ thống nông nghiệp và lương thực thông qua áp dụng công nghệ và kết nối đổi mới sáng tạo.

Cần có giải pháp liên kết bà con nông dân lại thành một tổ chức trong chuỗi ngành hàng lúa gạo. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG KHA

Cần có giải pháp liên kết bà con nông dân lại thành một tổ chức trong chuỗi ngành hàng lúa gạo. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG KHA

Theo ngành chức năng, việc tăng cường hoạt động của nhóm công tác đối tác công tư (PPP) ngành hàng lúa gạo sẽ thu hút đầu tư và tăng cường hiện đại hóa hệ thống nông nghiệp và lương thực thông qua áp dụng công nghệ và kết nối đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, các hoạt động nghiên cứu, xúc tiến thương mại, xúc tiến hợp tác công tư nhằm tạo đòn bẩy công nghệ nông nghiệp để hỗ trợ cho các hoạt động của ngành hàng lúa gạo. Nhất là tham gia vào Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL.

Việc thành lập nhóm là rất cần thiết và đúng lúc

Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, những năm qua, Việt Nam luôn là nước sản xuất và xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và thế giới. Trong xu hướng phát triển chung của nền nông nghiệp, ngành lúa gạo cũng đang đẩy mạnh sản xuất lúa theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học- công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm gạo chất lượng cao.

Đồng thời đưa vào triển khai các chương trình sản xuất lúa carbon thấp, bảo vệ môi trường và sức khỏe nông dân, từng bước thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính mà Việt Nam đã cam kết.

Tháng 6/2022, Bộ Nông nghiệp-PTNT đã ban hành quyết định thành lập nhóm công tác PPP về lúa gạo. Ông Lê Quốc Thanh- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cho biết: Việc thành lập nhóm công tác PPP ngành hàng lúa gạo là rất cần thiết và đúng lúc để góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam và nâng cao giá trị gia tăng của lúa gạo thông qua chuỗi giá trị.

Cùng với đó, tăng thu hút đầu tư và tăng cường hiện đại hóa hệ thống nông nghiệp và lương thực thông qua áp dụng công nghệ và kết nối đổi mới sáng tạo mang lại lợi ích cho nông dân và nông nghiệp Việt Nam.

Theo đó, nhóm công tác PPP về lúa gạo ra đời trước thời điểm soạn thảo “Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” thể hiện tầm nhìn trước những diễn biến của ngành hàng lúa gạo. V

iệc “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh, giảm phát thải vùng ĐBSCL” có ý nghĩa trong việc hình thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, đảm bảo chất lượng, quy trình sản xuất hiện đại, đồng bộ, đáp ứng mục tiêu nâng cao giá trị chuỗi sản xuất lúa gạo, cải thiện thu nhập cho nông dân, đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ chế biến, xuất khẩu gạo đạt hiệu quả cao; giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu…”- ông Thanh cho biết thêm.

Tại Vĩnh Long, thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp-PTNT về xây dựng Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, tỉnh Vĩnh Long đã đăng ký tham gia 20.000ha lúa. Theo đó, diện tích lúa đăng ký tham gia dự án sẽ được thực hiện tại địa bàn 4 huyện gồm: Tam Bình, Long Hồ, Vũng Liêm và Bình Tân.

Cần đồng bộ các giải pháp

Theo Cục Trồng trọt, đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao có quy mô lớn, chiếm 70% diện tích canh tác lúa của vùng ĐBSCL. Đề án nhận được sự kỳ vọng lớn của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp-PTNT và các địa phương vùng ĐBSCL và cả nông dân, hướng đến mục tiêu chung là nâng cao thu nhập cho người dân, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, thời gian qua, các doanh nghiệp đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nông dân nhưng chủ yếu tập trung ở những nông hộ riêng lẻ. Trong khi đó, đề án lại tập trung vào những HTX, tổ chức đại diện cho nông dân. Những chương trình hỗ trợ mang lại nhiều lợi ích cho các nông hộ riêng lẻ có thể sẽ gây “hiệu ứng ngược” so với việc tham gia vào HTX.

Do đó, ông Lê Thanh Tùng- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, mong muốn trong các chương trình hợp tác công tư, doanh nghiệp hay các nhà đầu tư độc lập trong chuỗi ngành hàng lúa gạo cần thống nhất quan điểm là có giải pháp liên kết bà con nông dân lại thành một tổ chức.

Bên cạnh đó, các yếu tố kỹ thuật khi triển khai cũng cần phù hợp với mục tiêu của đề án, hướng tới các yếu tố xã hội, nhân văn và môi trường. Cùng với đó là giữa doanh nghiệp, tổ chức công tư cần có sự hợp tác chặt chẽ với các cơ quan khuyến nông trung ương và địa phương.

Ngành lúa gạo đang có sự chuyển mình mạnh mẽ trong cả sản xuất và xuất khẩu.

Ngành lúa gạo đang có sự chuyển mình mạnh mẽ trong cả sản xuất và xuất khẩu.

Ông Chu Việt Hà- Giám đốc chi nhánh Khoa học cây trồng (Công ty TNHH Bayer Việt Nam) cho rằng, sự kết hợp giữa các doanh nghiệp cùng ngành nông nghiệp để chia sẻ tầm nhìn, mục tiêu chung rất cần thiết.

Bởi theo ông Hà, không có một doanh nghiệp nào có đầy đủ công nghệ giúp cho nông dân từ gieo trồng cho đến khi thu hoạch và tiêu thụ. Muốn phát triển nông nghiệp bền vững, buộc doanh nghiệp phải hợp tác, phát huy thế mạnh của nhau, mỗi đơn vị đóng góp vào chuỗi giá trị để cho ra những mô hình canh tác chuẩn, bền vững, hướng tới nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam.

Theo ông Lê Quốc Thanh, để định vị sản phẩm lúa gạo của Việt Nam trên thị trường quốc tế, đóng góp vào an ninh lương thực trên toàn cầu, ngành hàng lúa gạo Việt Nam đang rất cần sự chung tay vào cuộc của tất cả các bên trong chuỗi ngành hàng lúa gạo.

Quan hệ đối tác là yếu tố quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững góp phần vào việc thực hiện hóa tầm nhìn của Bộ Nông nghiệp-PTNT trong chiến lược phát triển sản xuất 1 triệu hecta lúa bền vững, chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu và thúc đẩy tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.

Mục tiêu cụ thể của Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2025 là diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa đạt 300.000ha và đến năm 2030 đạt 1 triệu hecta. Trong đó, đảm bảo các yếu tố canh tác bền vững, đến năm 2025 đạt lượng giống gieo sạ dưới 80-100 kg/ha; lượng phân bón hóa học, lượng thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học và lượng nước tưới giảm 20%; 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững. Đến năm 2030, lượng giống gieo sạ đạt dưới 70 kg/ha; lượng phân bón hóa học, lượng thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học giảm 30%, các tiêu chí khác được duy trì tương đương.

Nguồn: https://baovinhlong.com.vn/kinh-te/202309/nhom-cong-tac-doi-tac-cong-tu-ppp-don-bay-lien-ket-san-xuat-lua-gao-ben-vung-3175496/