|
  • :
  • :

"Quả ngọt" từ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Cũng với mảnh ruộng, miếng vườn, nhiều nông dân tại vùng đất Vũng Liêm đã mạnh dạn, chủ động học hỏi ứng dụng công nghệ cao để tăng giá trị sản xuất, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Nông dân nâng cao nhận thức sản xuất theo hướng an toàn sinh học, VietGAP, nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Nông dân nâng cao nhận thức sản xuất theo hướng an toàn sinh học, VietGAP, nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Việc ứng dụng công nghệ cao không chỉ nâng cao đời sống của người dân, mà còn góp phần đưa nền nông nghiệp huyện nhà phát triển thêm một bước mới, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn. Đây là định hướng phát triển nông nghiệp đúng đắn của huyện, mang lại nhiều hiệu quả và có sức lan tỏa cao. 

Phát triển đúng hướng, hiệu quả

Nhận định nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu, huyện Vũng Liêm đã có những chủ trương, chính sách phát triển, ứng dụng các công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả, bền vững, có năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh. 

Theo đó, nhờ ứng dụng công nghệ cao, nhiều sản phẩm nông nghiệp của địa phương đã được chứng nhận nhãn hiệu, liên kết sản xuất theo chuỗi và ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, HTX, nông dân trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Nhiều nông dân cho rằng, ứng dụng các thành tựu của công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp sẽ tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, giảm thiểu công lao động, an toàn môi trường, tiết kiệm chi phí trong quá trình sản xuất- chế biến- tiêu thụ, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng giá trị sản phẩm nông sản trên thị trường. 

Mong muốn tạo ra sản phẩm nông sản đặc trưng, chất lượng để tiêu thụ trong nước và hướng đến xuất khẩu, anh Nguyễn Lê Bảo Châu- Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp An Phước (xã Trung An), đã đầu tư xây dựng nông trại theo hướng hữu cơ.

Anh Châu cho biết: Với diện tích 6ha, nông trại đang đi đầu trong việc canh tác trên diện rộng mô hình trồng tắc không hạt theo hướng hữu cơ. Nông trại cũng trồng xen đu đủ để phục vụ thị trường Tết, đồng thời, hướng tới phát triển thêm mô hình nuôi cá, nuôi ong lấy mật. 

“Ứng dụng công nghệ cao, trang trại mong muốn đem đến những sản phẩm có giá trị cao, chất lượng, an toàn đến tay người tiêu dùng. Đồng thời, từ hướng đi mô hình triển khai sẽ giúp thay đổi tập quán canh tác của nông dân. Nông trại mong muốn sẽ tạo được sản phẩm sạch, chất lượng cao và mang thương hiệu nông sản Vũng Liêm nói riêng và Vĩnh Long nói chung đi xa hơn trong thời gian tới”- anh Châu chia sẻ. 

Từ thế mạnh của huyện nhà, anh Lê Minh Hiếu- chủ Trại lươn giống Minh Hiếu (xã Hiếu Thuận) đã áp dụng những kiến thức khoa học tiên tiến vào mô hình nuôi lươn không bùn và đã đem lại thu nhập cao cho gia đình, giải quyết việc làm ổn định cho hàng chục lao động tại địa phương.

Anh Hiếu cho biết: Việc áp dụng nuôi lươn theo hướng công nghệ cao sẽ góp phần đảm bảo cung cấp cho thị trường sản phẩm sạch, an toàn, đem lại lợi nhuận cao, giảm thải ô nhiễm môi trường, tạo hướng đi mới cho nông dân. 

Mô hình nuôi lươn không bùn đã được áp dụng những kiến thức khoa học tiên tiến vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình nuôi lươn không bùn đã được áp dụng những kiến thức khoa học tiên tiến vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ những mô hình nông nghiệp công nghệ cao mang lại hiệu quả, cho thấy sự mạnh dạn của các doanh nghiệp, HTX, nông dân trong việc tìm tòi, học hỏi, áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.

Thông qua các mô hình, người dân đã có cơ hội tiếp cận và nắm bắt được các tiến bộ khoa học- kỹ thuật; từ đó, giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Mặt khác, người dân chủ động trong sản xuất, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bà Lê Ngọc Yến- Phó Phòng Nông nghiệp-PTNT cho biết: Thời gian qua Phòng Nông nghiệp-PTNT đã phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, VietGAP, nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Những mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao mở ra triển vọng mới, góp phần cải thiện đáng kể đời sống người dân. 

Hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, thông minh

Với lợi thế và tiềm năng sẵn có, cùng với nhiều chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện Vũng Liêm đã nhanh chóng triển khai, hướng dẫn, khuyến khích người dân sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, từ đó tạo ra chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp. 

Theo UBND huyện, việc triển khai các mô hình nông nghiệp công nghệ cao có sự nỗ lực, quyết tâm của các ngành, các địa phương và đặc biệt là sự đồng tình của người dân nên việc triển khai thực hiện đạt kết quả khá tốt, đã xây dựng được một số mô hình sản xuất có hiệu quả. Từ đó, làm tiền đề nhân rộng trong những năm tiếp theo từ các chương trình, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi hàng năm.

Việc chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật thường xuyên và nội dung chuyển giao theo nhu cầu cấp thiết từ thực tiễn trong sản xuất của người dân và nhu cầu thị trường được thực hiện, qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường; ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất giúp giảm chi phí sản xuất từng bước chuyển đổi sản xuất theo hướng nâng cao thu nhập của nông hộ. 

Ứng dụng công nghiệp vào sản xuất nâng cao đời sống của người dân,  góp phần đưa nền nông nghiệp của huyện phát triển.

Ứng dụng công nghiệp vào sản xuất nâng cao đời sống của người dân, góp phần đưa nền nông nghiệp của huyện phát triển.

Cụ thể, huyện đã tiếp tục duy trì diện tích cánh đồng lớn sản xuất lúa diện tích 4.100ha, mô hình sản xuất lúa đạt chứng nhận hữu cơ diện tích 30ha mỗi vụ, mở rộng mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GAP và tiêu chuẩn hữu cơ.

Đồng thời, hình thành vùng sản xuất cây ăn trái hàng hóa theo hướng tập trung, trong canh tác nông dân sử dụng phân hữu cơ, hữu cơ sinh học chiếm 27,5% diện tích, sử dụng các biện pháp tưới nước tiên tiến trên cây ăn trái chiếm trên 60% diện tích…

Về cơ giới hóa trong sản xuất lúa đảm bảo được 100% khâu làm đất, 100% khâu thu hoạch, phun thuốc bằng máy trên 70% diện tích sản xuất, 100% diện tích lúa hữu cơ của HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt được sử dụng máy cấy lúa, máy sạ khóm, sạ hàng tùy theo mùa vụ và 100ha diện tích lúa sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn có ứng dụng cơ giới hóa trong khâu sạ, phun thuốc BVTV, cơ giới hóa trong thu hoạch.

Ngoài ra, còn có một số khu vực có ứng dụng thiết bị bay không người lái (Drone) để phun thuốc BVTV của các xã Tân An Luông, Hiếu Thuận, Hiếu Phụng với diện tích khoảng 70ha.

Phó Bí thư Huyện ủy- Bùi Tấn Đảm cho biết: Để phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao, huyện đã tập trung xây dựng, hoàn thành quy hoạch các vùng sản xuất, đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng; cơ giới hóa và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh.

Theo đó, đã duy trì cánh đồng lớn, xây dựng được nhiều trang trại, gia trại quy mô lớn, công nghệ hiện đại; năng suất lúa và năng suất các loại cây trồng đều đạt ở mức cao, góp phần từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.

Định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới, ông Bùi Tấn Đảm cho biết: Huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt quan điểm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đa dạng hóa nội dung, phương thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất và quyết tâm trong toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân.

Đồng thời, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn đã đạt hiệu quả, chất lượng nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, tập quán sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tư duy về phát triển kinh tế nông nghiệp; thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về sử dụng các sản phẩm đạt các tiêu chuẩn chất lượng, ứng dụng công nghệ tiên tiến và thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Song song đó, phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân về kỹ thuật sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, quy trình sản xuất theo GAP, VietGAP, hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, xây dựng mã QR code truy xuất nguồn gốc nông sản, xây dựng mã số vùng trồng,…

Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ chú trọng thu hút đầu tư, xây dựng và phát triển các doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Thực hiện lồng ghép phát triển các vùng sản xuất nông sản có lợi thế của huyện làm căn cứ đẩy nhanh tiến độ áp dụng công nghệ cao để hình thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, đạt chuẩn VietGAP, GAP, hướng hữu cơ gắn liên kết sản xuất với tiêu thụ.

Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã đem lại sự chuyển biến mạnh mẽ, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, thông minh.

Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã đem lại sự chuyển biến mạnh mẽ, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, thông minh.

Có thể khẳng định, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã đem lại sự chuyển biến mạnh mẽ về mặt năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế, từ đó, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, thông minh. Với định hướng phát triển đúng đắn, ngành nông nghiệp Vũng Liêm hứa hẹn sẽ gặt hái thêm nhiều “quả ngọt” và tạo bứt phá trong thời gian tới.

Ông Trần Quốc Hợp- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Vũng Liêm 

Để nâng cao giá trị trên từng đơn vị đất sản xuất nông nghiệp, huyện Vũng Liêm vừa bảo đảm diện tích vùng lúa đạt hiệu quả cao, đồng thời chuyển đổi một số mô hình cây trồng, vật nuôi đạt giá trị lợi nhuận kinh tế cao, chú trọng xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP… Thời gian tới, Huyện ủy Vũng Liêm tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng mã số vùng các loại nông sản chủ lực của huyện. Tăng cường liên kết để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm; xây dựng các mô hình sản xuất tập trung gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp. 

Nguồn: https://baovinhlong.com.vn/kinh-te/202402/qua-ngot-tu-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-3180474/