Nỗi lo khi Ấn Độ áp đặt hạn chế đối với xuất khẩu ngũ cốc
Tờ Thời báo Hoàn cầu ngày 13/10 cho biết, mưa lớn đã phá hủy các loại cây trồng chủ chốt như lúa gạo được gieo vào mùa Hè ở Ấn Độ, có thể làm trầm trọng thêm lạm phát của Ấn Độ, do đó thúc đẩy New Delhi áp đặt các hạn chế hơn đối với xuất khẩu ngũ cốc như gạo và lúa mỳ.
Chính phủ Ấn Độ trong tháng Chín đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo nghiền cho chăn nuôi gia súc và gia cầm và áp thuế 20% đối với xuất khẩu gạo ngoại trừ gạo thơm Ấn Độ.
Kết hợp với lệnh cấm xuất khẩu lúa mỳ của Ấn Độ vào đầu năm và sự gia tăng rủi ro địa chính trị toàn cầu, lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, có thể kích thích sự gia tăng hơn nữa giá lương thực toàn cầu. Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ đưa tới những biến động gì cho giá lương thực toàn cầu?
* Xuất khẩu tăng trưởng
Chính phủ Ấn Độ gần đây cho biết nước này có thể cắt giảm sản lượng gạo từ 10-12 triệu tấn trong năm nay, và nước này có thể thắt chặt xuất khẩu lương thực vì lý do an ninh lương thực trong nước.
Số liệu chính thức của Ấn Độ cho thấy giá gạo nghiền trong nước đã tăng 38% trong năm nay và xuất khẩu đã tăng lên. Theo trang web Business Standard của Ấn Độ, xuất khẩu gạo nghiền của Ấn Độ tăng 4.178% trong giai đoạn tháng 4-8/2022 so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khi mưa lớn ở một số nơi, một số khu vực trồng trọt khác của Ấn Độ phải đối mặt với thời tiết khô nóng vào mùa Hè, với lượng mưa thấp hơn khoảng 40% so với mức trung bình hàng năm, làm giảm 8% diện tích trồng lúa. Tổng sản lượng gạo của Ấn Độ trong tài khóa 2021-2022 ước tính khoảng 130 triệu tấn, trong đó 111 triệu tấn được sản xuất vào mùa Mưa từ tháng 6-9.
Cùng với nhiệt độ cao khiến sản lượng lúa mỳ Ấn Độ giảm hơn 15%, Ấn Độ đã phải áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo thay vì cắt giảm lúa mỳ. Được biết, Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo chủ yếu là gạo nghiền. Gạo nghiền có thể được sử dụng làm thức ăn chính, nhưng cũng có thể được sử dụng như là một thay thế cho thức ăn chăn nuôi, Ấn Độ cần đảm bảo một nguồn cung cấp thức cho ngành ăn chăn nuôi có giá trị kinh tế cao hơn.
Vương Vĩnh Trung (Wang Yongzhong), Chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu Hàng hóa quốc tế tại Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới của Viện hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc, cho biết ba yếu tố gồm giá phân bón, thời tiết và địa chính trị đã dẫn đến lệnh hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ. Giá gạo Ấn Độ vẫn tương đối ổn định so với giá lúa mỳ, ngô và đậu tương thường xuyên biến động. Nhưng kể từ đầu năm nay, giá phân bón toàn cầu đã ở mức cao kỷ lục, làm tăng chi phí trồng lúa gạo. Đặc biệt là kể từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, xuất khẩu của hai nhà xuất khẩu phân bón kali lớn của Nga và Belarus đã bị chặn, dẫn đến giá phân bón tiếp tục tăng.
Trang mạng Nikkei của Nhật Bản cho biết, giá gạo quốc tế đang tăng trong bối cảnh sự hỗn loạn chuỗi cung ứng do dịch bệnh và tình hình xung đột Nga-Ukraine, nhưng Ấn Độ chú ý nhiều hơn đến nguồn cung trong nước. Ấn Độ mới đây đã hạn chế xuất khẩu lúa mỳ và đường cát, và giá thực phẩm toàn cầu có thể phải đối mặt với áp lực tăng mới.
* Tác động đối với các nước châu Á
Hãng tin CNBC của Mỹ cho biết xuất khẩu gạo của Ấn Độ chiếm khoảng 40% thương mại gạo toàn cầu đến hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Lệnh cấm gạo của Ấn Độ đã làm dấy lên lo ngại và căng thẳng về giá lương thực toàn cầu gia tăng hơn nữa.
Các bài viết mới nhất của công ty chứng khoán Nomura Securities của Nhật Bản và CNBC của Mỹ đều cho rằng lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ có tác động khác nhau đến các nước châu Á, trong đó Indonesia và Philippines bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nomura Securities cho biết, nhập khẩu gạo của Philippines chiếm 20% tổng lượng gạo tiêu thụ và là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ.
Lúa mì được chở tới bán tại một chợ ở ngoại ô Amritsar, Ấn Độ ngày 16/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuy nhiên, với lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, hai nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai và thứ ba thế giới là Thái Lan và Việt Nam dự báo sẽ lấp đầy khoảng trống thị phần Ấn Độ để lại.
Các nhà phân phối của một công ty thương mại toàn cầu có trụ sở tại Mumbai cho biết Ấn Độ luôn là nhà cung cấp gạo rẻ nhất, giúp bảo vệ các nước châu Phi như Nigeria, Benin và Cameroon trước tác động của giá lúa mỳ và ngô tăng. Chủ nhiệm Vương Vĩnh Trung cho rằng sau lệnh cấm xuất khẩu và áp thuế xuất khẩu, chi phí xuất khẩu gạo của Ấn Độ tăng, điều này sẽ làm tăng giá gạo trên thị trường quốc tế và tăng gánh nặng cho các nước có thu nhập thấp.
* Ảnh hưởng đến Trung Quốc
Trang Business Standard gần đây cho biết, Ấn Độ đã xuất khẩu 3,8-3,9 triệu tấn gạo nghiền trong tài khóa 2021-2022, trong đó 1,6 triệu tấn được xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Vương Vĩnh Trung cho rằng lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ chỉ gây tác động nhỏ đến Trung Quốc, “dự trữ lương thực dồi dào của Trung Quốc, khả năng thay thế gạo nghiền mạnh, ảnh hưởng rất nhỏ đến Trung Quốc”.
Giới doanh nghiệp trong ngành lương thực Trung Quốc cho rằng lệnh cấm hầu như không ảnh hưởng đến Trung Quốc. Trung Quốc đã “tự cung tự cấp” ngũ cốc cơ bản, khẩu phần lương thực là tuyệt đối an toàn. Trung Quốc có hạn ngạch đối với nhập khẩu gạo, nhưng không có hạn ngạch đối với gạo nghiền. Gạo nghiền có thể được thêm vào thức ăn chăn nuôi; nếu bổ sung nguồn cung ngô trong nước không đủ, thì có thể được thay thế bằng các sản phẩm khác để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước.
Hiện nay, Trung Quốc cũng đang trong thu hoạch vụ Thu. Điều phối nông nghiệp mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc cho thấy tiến độ thu hoạch vụ Thu cả nước đã được hơn một nửa, thu hoạch bước vào giai đoạn cao điểm. Tại An Huy, ngũ cốc vụ Thu mặc dù bị ảnh hưởng bởi hạn hán vừa qua do nhiệt độ cao, nhưng sản lượng tổng thể có thể bằng năm ngoái./.