Anh Huỳnh Trung Tín và ông Mai Văn Trinh kiểm tra lá thốt nốt chuẩn bị treo lá lên trại.
Nghề làm trại nuôi dơi
Anh Huỳnh Trung Tín, sinh năm 1999, ngụ ấp Giồng Cà, xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh, chuyên thi công làm trại nuôi dơi lấy phân. Anh được nhiều nông dân tin tưởng, liên hệ đặt hàng làm các trại nuôi dơi phục vụ chăm sóc vườn cây gia đình, cũng như làm kinh tế từ việc bán phân dơi.
Ông Mai Văn Trinh, sinh năm 1970, ngụ phường Hiệp Tân, thị xã Hoà Thành cho biết, ông có 3 vườn cây ăn trái. Nhằm tiết kiệm chi phí tiền phân bón, bảo vệ vườn cây không bị các con côn trùng chích hút, gây hại, trước đây ông thuê một người làm một trại nuôi dơi lấy phân trên vườn cây sầu riêng của ông, nhưng kỹ thuật làm trại không đạt như mong muốn, hiệu quả không cao.
Qua giới thiệu bạn bè, thấy các mẫu trại do anh Tín làm, ông rất hài lòng, ông quyết định đặt anh làm 2 trại nuôi dơi tại vườn sầu riêng 1,8 ha ở xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, chi phí mỗi trại là 87 triệu đồng.
“Tôi thấy trại dơi em Tín này làm rất kỹ lưỡng, vật tư thi công chất lượng nên tôi đặt làm 2 trại trước. Tới đây tôi cũng dự định sẽ làm thêm 4 trại nữa”- ông Mai Văn Trinh nói.
Một trai nuôi dơi do anh Tín thi công.
Từ bộ đội xuất ngũ đến với nghề làm trại dơi
Năm 2018, anh Huỳnh Trung Tín đi nghĩa vụ quân sự, công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh. Trong quá trình công tác, anh có nghe thủ trưởng nói về mô hình nuôi dơi lấy phân, giá trị dinh dưỡng của phân dơi đối với cây trồng, cũng như hiệu quả kinh tế từ bán phân dơi mang lại, từ đó, anh Tín ấp ủ ý tưởng làm trại nuôi dơi cho gia đình.
Sau khi xuất ngũ, anh Tín bắt đầu tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật làm trại nuôi dơi từ nhiều nơi và rút ra những kinh nghiệm cho mình. Anh đã áp dụng thành công 2 trại nuôi dơi mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình.
Với mong muốn giúp cho các hộ nông dân khác thực hiện mô hình nuôi dơi hiệu quả, anh Tín luôn sẵn sàng chia sẻ các kỹ thuật làm trại. Mọi người có thể đến xem trực tiếp quá trình làm trại; đồng thời anh cũng nhận làm trại theo yêu cầu của khách hàng trong tỉnh.
Hiện anh Tín chủ yếu nhận làm trại cho phần lớn các chủ nhà vườn. Với 4 nhân công, sau 8 đến 10 ngày thi công, trại dơi sẽ hoàn thiện. Nếu như các chân trụ trại nuôi dơi trước đây thường được làm bằng gỗ hoặc sắt… nhưng đối với trại dơi anh Tín thì các chân trụ này đều được làm bằng trụ điện.
Anh Tín cho biết, trụ điện có ưu điểm là độ bền cao, chắc chắn; nhược điểm là khá nặng, chi phí vận chuyển cao. Nếu làm trại bằng chân trụ sắt hay cây gỗ độ bền sẽ không cao, vì sắt dễ bị ăn mòn do nước mưa, nước tiểu của dơi.
Thông thường trại dơi anh Tín làm có độ cao từ mặt đất lên tới đỉnh trại tầm 10,5 - 11m, tuỳ theo khu vực làm trại là đất gò hay đất ruộng thì trại sẽ có độ cao cho phù hợp.
Toàn bộ lá treo làm nơi trú ẩn cho dơi trong trại đều làm bằng lá cây thốt nốt, vì dơi vốn dĩ trong tự nhiên đã ở thích trong loại lá này; lá có độ bền cao hơn so với lá dừa nước.
Theo anh Tín chia sẻ, mô hình nuôi dơi quan trọng nhất là yếu tố khu vực, nơi vị trí đặt trại dơi phải yên tĩnh, không hạn chế đường bay của dơi khi về trại và cần xử lý tốt các yếu tố khác nữa dơi sẽ về ở nhiều.
Lá cây thốt nốt được treo trên trại.
Qua thi công cho nhiều chủ vườn ở nhiều nơi khác nhau, anh Tín cho biết những trại làm gần khu vực biên giới, gần rừng thì cho hiệu quả khá cao. Sau thi công khoảng 3 tháng thì dơi đã rủ về ở nhiều. Người nuôi thu được từ 5-6kg phân dơi/ngày. Tính giá trung bình hiện tại 55.000- 60.000 đồng/kg, thì người nuôi thu về từ 275.000-300.000 đồng/ngày. Như vậy, mỗi tháng thu về từ 8-9 triệu đồng, và dơi sẽ còn về ở thêm nữa.
Tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động
Với việc thi công làm trại dơi của anh Tín, thời gian qua đã tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 14 lao động.
Tiền lương của các lao động sẽ được tính theo số trại làm được, nếu mỗi tháng làm 3 trại, trung bình mỗi lao động sẽ có thu nhập từ 12-20 triệu đồng, nhưng nếu tháng đó làm 2 trại thì mỗi lao động có thu nhập từ 8-16 triệu đồng. Riêng các lao động cắt lá thốt nốt mỗi tháng khoảng 8 triệu đồng.
Anh Huỳnh Trung Tín chia sẻ, với việc thi công làm trại dơi, cùng 2 trại dơi của gia đình và lợi nhuận từ việc bán lá thốt nốt, bình quân mỗi tháng anh thu về khoảng 30-50 triệu đồng.
Mô hình nuôi dơi lấy phân đang có chiều hướng phát triển ở Tây Ninh và nhiều địa phương khác. Với kinh nghiệm, kỹ thuật làm trại có được, dự định trong thời gian tới anh Tín sẽ mở rộng thi công làm trại dơi ra các tỉnh lân cận. Đồng thời với tinh thần không chỉ vì lợi nhuận cá nhân, anh Tín còn mong muốn chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu một mô hình nuôi dơi hiệu quả cho mọi người.