|
  • :
  • :

Ảnh hưởng của phương pháp cho ăn định mức và tự do lên năng suất gà đẻ thương phẩm vào cuối giai đoạn sản xuất

Một thí nghiệm được thực hiện để so sánh hai phương thức cho ăn tự do và định mức trong 3 tháng trên 240 gà đẻ trứng giống Hisex Brown, giai đoạn 64-74 tuần tuổi. Gà được bố trí ngẫu nhiên với 30 lần lặp lại. Các chỉ tiêu theo dõi gồm có tỉ lệ đẻ, khối lượng gà và trứng, hiệu quả kinh tế. Gà mái cho ăn ở phương thức tự do tiêu thụ nhiều thức ăn (126 g/ngày) hơn so với cho ăn định mức (109,8 g/ngày). Gà mái được cho ăn tự do có tỉ lệ đẻ là 90,7% cao hơn so với cho ăn hạn chế (86,1%). Cách cho ăn không ảnh hưởng lên khối lượng trứng (g/trứng) và khối lượng trứng (g/gà/ngày). Gà cho ăn tự do đến cuối thí nghiệm có khối lượng là 2,32 kg nặng hơn so với phương thức cho ăn định mức là 2,045 kg (P<0,01). Phương thức cho ăn tự do vào cuối giai đoạn sản xuất nâng cao sản lượng trứng, tăng khối lượng gà lúc loại thải và tăng lợi ích kinh tế.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong chăn nuôi gà đẻ trứng thương phẩm, chi phí thức ăn chiếm 70-80% giá thành sản xuất trứng (Kabir & cs, 2007 và Oyedeji et al,. 2007). Theo Oyedeji & cs (2007) thì phương pháp cho ăn và dưỡng chất của thức ăn không phù hợp cũng là nguyên nhân làm giảm sức sản xuất trứng của gà mái, trứng đẻ ra nhỏ hơn, vỏ trứng mỏng và tăng trưởng gà kém cũng như tỷ lệ chết cao. Vì thế, để giảm giá thành chăn nuôi đồng thời vẫn bảo đảm năng suất sinh sản của gà mái thì phương thức cho ăn định mức được áp dụng vào chăn nuôi gà đẻ trứng nhưng yêu cầu vẫn duy trì khả năng đẻ trứng, khối lượng trứng và tỷ lệ chết thấp (Bruggeman & cs, 1999). Ở gà giống, người ta thường cho ăn định mức để tránh mập mỡ, giúp gà chậm thành thục nhằm giúp cơ quan sinh sản phát triển đầy đủ và hạn chế đẻ sớm (Andreotti & cs, 2005). Bên cạnh đó, cho ăn định mức còn giúp gia tăng tỷ lệ đẻ, chất lượng trứng, tỷ lệ nở và giảm thiểu số lượng trứng đôi ở chu kỳ đẻ đầu tiên (Bruggeman & cs, 1999). Ngoài ra, Molino & cs (2009) và Garcia (2004) còn cho rằng chăn nuôi gà đẻ thương phẩm bằng phương thức cho ăn định mức sẽ cho chất lượng trứng tốt hơn nhưng vẫn duy trì sức đẻ giúp tối ưu hóa lợi nhuận (Andreotti & cs,2005). Tuy nhiên, một số nhà khoa học cho rằng chỉ nên dùng phương thức cho ăn định mức đối cho gà đẻ hậu bị (Tolkamp & cs,2005) và gà thịt (Sahraei, 2012), khi gà bước vào giai đoạn đẻ thì cho ăn tự do theo nhu cầu gà giúp gà sản xuất ra quả trứng có khối lượng cao hơn khi cho ăn định mức (Zaghari & cs,2009 và Ukachukwu & cs, 2007). Mặt khác, phương thức cho ăn tự do mang lại quyền lợi cho động vật nhiều hơn trong việc tự ý thu nhận thức ăn theo khả năng cơ thể (Appleby & cs, 1991). 

Bên cạnh đó, lượng thức ăn ăn vào lại ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng trứng và trọng lượng gà, gà cho ăn quá nhiều hay quá ít đều không có hiệu quả kinh tế. Theo Bell (2002) cho rằng khi gà mái khoảng 60 -80 tuần tuổi thì cần loại thải vì gà tiêu thụ nhiều thức ăn và có xu hướng đẻ giảm (Garcia, 2004) trong khi trọng lượng trứng lớn. Vì thế, vào giai đoạn đẻ trứng cuối (khoảng 64-74 tuần tuổi) thì phương thức cho ăn nào có ảnh hưởng tốt đến năng suất trứng và chất lượng trứng của gà mái cần phải được xác định để giúp người chăn nuôi tăng lợi nhuận. Mục tiêu của đề tài là đánh giá ảnh hưởng của cách cho ăn tự do và hạn chế lên tỉ lệ đẻ, khối lượng gà trước khi loại thải và hiệu quả kinh tế.

VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP

Chuồng trại và động vật thí nghiệm

Cả hai thí nghiệm đều được tiến hành trong chuồng kín thông gió, có hệ thống làm mát tự động. Ô chuồng được làm bằng sắt với kích thước 40 x 46 x 30 cm. Hệ thống máng ăn bằng nhựa được đặt phía trước chuồng, hệ thống máng uống tự động được đặt phía trên chuồng. Nhiệt độ trong chuồng nuôi dao động từ 25,5-28,5OC. Gà được nuôi trong từng ô riêng biệt với mật độ 4 con/ô. Thí nghiệm được tiến hành trên 240 con gà mái đẻ giống Hisex Brown từ 64-74 tuần tuổi có trọng lượng trung bình 2 kg tại trại gà đẻ trứng thương phẩm ở xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương trong 3 tháng.

Thức ăn thí nghiệm

Sử dụng thức ăn gà đẻ do công ty Emivest sản xuất, thành phần hóa học và giá trị dinh dưỡng của thức ăn được trình bày trong Bảng 1.

Bảng 1: Thành phần hóa học và giá  trị dinh dưỡng của thức ăn thí nghiệm

Phương pháp bố trí thí nghiệm

Thí nghiệm được bố trí ngẫu nhiên với hai nghiệm thức tương ứng với hai mức ăn là định mức (DM) và tự do (TD), mỗi phương thức cho ăn lặp lại 30 lần, mỗi đơn vị thí nghiệm là 1 ô chuồng, tổng cộng có 60 ô chuồng, mỗi ô nuôi 4 con gà, tổng cộng có 240 con gà mái. 

Cách chăm sóc và nuôi dưỡng

Gà được cho ăn 2 lần/ngày, cho gà ăn 80% thức ăn vào buổi chiều khoảng 15 giờ và 20% thức ăn vào sáng hôm sau khoảng 8 giờ. Mỗi buổi sáng cân thức ăn thừa, rồi sau đó cân thức ăn mới cho vào máng ăn. Thu trứng 2 lần/ngày vào lúc 10 giờ 30 phút và 15 giờ. Nước uống được bơm từ giếng khoan, lọc và dự trữ trong bồn cung cấp cho gà hàng ngày. Gà được chiếu sáng 16 giờ/ngày, bằng bóng đèn 220 V, với mật độ 4 m/bóng và công suất 1,3 W/m2.Máng ăn, máng uống được vệ sinh sạch sẽ hàng ngày. Gà được tiêm phòng vaccine đầy đủ.

Bảng 2: Ảnh hưởng của phương thức cho ăn định mức (DM) và tự do (TD) lên sự tiêu thụ thức ăn, năng lượng và lượng dưỡng chất ăn vào

Các chỉ tiêu theo dõi

Khối lượng gà (g), tỉ lệ đẻ (%), năng suất trứng, tiêu tốn thức ăn(TTTĂ), khối lượng trứng (g), khối lượng trứng (g/gà/ngày), hiệu quả sử dụng thức ăn. Các chỉ tiêu về chất lượng trứng như chỉ số hình dáng, đơn vị Haugh, chỉ số lòng đỏ, lòng trắng, độ dày vỏ, màu sắc lòng đỏ và các thành phần của trứng.

Xử lý số liệu

Số liệu được thu thập và xử lý sơ bộ bằng chương trình Excel, sau đó tiến hành phân tích thống kê, sử dụng mô hình Two sample t bằng chương trình Minitab 13.

KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

Ảnh hưởng của phương thức cho ăn lên lượng thức ăn tiêu thụ của gà

Bảng 3: Ảnh hưởng của phương thức cho ăn định mức (DM) và tự do (TD)  lên năng suất trứng và HQSDTA

Số liệu ở Bảng 2 cho thấy phương pháp cho ăn đã ảnh hưởng lên lượng thức ăn tiêu thụ, số lượng vật chất khô (VCK), năng lượng (ME) và protein (CP) ăn vào của gà ở hai nghiệm thức (P<0,01). Tiêu tốn thức ăn (TTTA) (g/gà/ngày), ở nghiệm thức cho ăn tự do (TD) là 126,0 g cao hơn nghiệm thức định mức (DM) là 109,8g. Tương tự, TTTA (g/trứng), số lượng VCK, CP và ME ăn vào của gà cho ăn tự do cũng cao hơn định mức. Gà được cho ăn tự do tiêu thụ nhiều thức ăn hơn so với cho ăn định mức vì thời gian thức ăn còn lại trong máng lâu hơn, gà không cạnh tranh thức ăn với nhau, hơn nữa trong thời gian này nhu cầu dinh dưỡng dành cho sản xuất trứng giảm, gà đang có xu hướng tích lũy mỡ và thay lông nên lượng thức ăn ăn vào cần nhiều hơn.

Bảng 4: Ảnh hưởng của phương thức cho ăn định mức (DM) và tự do (TD) lên khối lượng gà

Bảng 5: Ảnh hưởng của phương thức cho ăn định mức (DM) và tự do (TD) lên chất lượng trứng gà

Kết quả này phù hợp với kết quả của Zaghari & cs (2009) và Ukachukwu & cs (2007) cho rằng gà đẻ trứng sẽ thu nhận lượng thức ăn cao hơn do nhu cầu sản xuất trứng của cơ thể khi cho ăn tự do. 

Ảnh hưởng của phương thức cho ăn lên năng suất trứng và hiệu quả sử dụng thức ăn

Kết quả về tỉ lệ đẻ, khối lượng trứng, và hiệu quả sử dụng thức ăn (HQSDTA) được trình bày qua Bảng 3.

Gà được cho ăn tự do cho tỷ lệ đẻ là 90,7% cao hơn định mức là 86,1% (P=0,03) do gà thu nhận lượng thức ăn nhiều hơn. Ezieshi & cs (2003) cũng cho rằng gà có năng suất trứng cao thì lượng thức ăn thu nhận và nhu cầu dinh dưỡng cao, khi cho ăn định mức có thể không đáp ứng đủ nhu cầu dẫn đến tỷ lệ đẻ giảm, điều này giúp cho sức tạo trứng của gà ở TD (57,5 g/gà/ngày) cũng cao hơn DM (54g/gà/ngày; P=0,03). Khối lượng trứng ở TD (6,3 g) có khuynh huớng cao hơn DM (62,7 g). Zaghari & cs (2009) và Ukachukwu & cs, (2007) cho rằng gà được cho ăn tự do có khối lượng trứng cao hơn cho ăn định mức. Kết quả này phù hợp với nhận định của Kabir & cs (2007) và Oyedeji & cs (2007) cho rằng phương thức cho ăn định mức vẫn duy trì được khối lượng và cỡ trứng so với cho ăn tự do. 

Ảnh hưởng của phương thức cho ăn lên khối lượng gà 

Kết quả khối lượng gà đầu thí nghiệm (64 tuần tuổi) và cuối thí nghiệm (74 tuần tuổi), tăng trọng cuối thí nghiệm được trình bày trong Bảng 4. Số liệu cho thấy khối lượng gà đầu thí nghiệm ở TD và DM không khác biệt về thống kê (P>0,05) để đảm bảo tính đồng đều khi bắt đầu thí nghiệm. Bên cạnh, tăng trọng toàn kỳ (g/gà) của gà DM (43,2) thấp hơn TD (322) (P<0,01) nên khối lượng gà (g/gà) cuối thí nghiệm ở TD (2320,5) cũng cao hơn DM (2044,8) (P<0,01). Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Zaghari & cs (2009) và Ukachukwu & cs (2007) cho rằng khi cho ăn tự do thì gà đẻ sẽ tăng trọng cao hơn khi cho ăn định mức bởi dưỡng chất thu nhận chủ yếu dùng tích lũy mỡ trọng giai đoạn này (Tona & cs, 2003 và Scott,2005). Phương thức cho gà ăn tự do giúp cải thiện tăng trọng của gà nên trọng lượng gà cao nên khi bán gà loại thải sẽ mang lại lợi nhuận nhiều hơn so với cho gà ăn định mức (Bell, 2003 và Garcia, 2004).

Bảng 6: Ảnh hưởng của phương thức cho ăn định mức (DM) và tự do (TD) lên hiệu quả kinh tế

Ảnh hưởng của phương thức cho ăn lên chất lượng trứng

Qua số liệu Bảng 5 cho thấy phương thức cho ăn không ảnh hưởng lên các chỉ tiêu chất lượng trứng như khối lượng trứng, đơn vị Haugh, độ dày vỏ, các chỉ số lòng trắng đặc, lòng đỏ và tỷ lệ vỏ và lòng trắng. Riêng tỷ lệ lòng đỏ của DM (26,7 %) cao hơn TD (25,9 %), (P=0,02). Olawuni (2014) thí nghiệm trên gà đẻ giống thương phẩm cho ăn định mức, cho kết quả đơn vị Haugh tốt hơn so với ăn tự do. Ngược lại, kết quả thí nghiệm của chúng tôi lại phù hợp với nghiên cứu của Molino & cs (2009) và Garcia (2004) đã chứng tỏ phương thức cho ăn không ảnh hưởng đến chỉ số hình dáng, chỉ số lòng trắng đặc, chỉ số lòng đỏ của trứng gà. Theo công bố của Ramachandra & cs (1977), độ dày vỏ, trọng lượng vỏ và đơn vị Haugh không bị ảnh bởi phương pháp cho ăn định mức hay hạn chế lượng thức ăn ăn vào. Mặt khác, gà lớn tuổi có xu hướng đẻ quả trứng to hơn làm cho diện tích vỏ tăng lên trong khi khả năng huy động khoáng chất giảm làm cho độ chịu lực của vỏ trứng kém dần theo tuổi gà. Theo công bố của Campo & cs (2001), trọng lượng vỏ, độ dày vỏ trứng và tỉ lệ cũng giảm dần theo tuổi của gà (Van Den Brand & cs, 2004).

Ảnh hưởng của phương thức cho ăn lên hiệu quả kinh tế

Qua số liệu Bảng 6 cho thấy chi phí thức ăn nghiệm thức tự do (13.760.200 đồng) cao hơn so với nghiệm thức cho ăn định mức (12.258.660 đồng) do gà ăn nhiều hơn. Tuy nhiên, tỉ lệ đẻ và khối lượng trứng ở cách cho ăn tự do cao hơn định mức nên tiền bán trứng nhiều hơn. Ngoài ra, khối lượng gà lúc xuất chuồng (kg/con) ở nghiệm thức cho ăn tự do là 2,3kg cũng cao hơn cho ăn định mức là 2,0 kg nên tính đến giai đoạn loại thải thì cách cho ăn tự do mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn định mức.

KẾT LUẬN

Cho gà ăn tự do đã làm tăng chi phí thức thức ăn do lượng thức ăn tiêu thụ cao hơn ăn định mức. Tuy nhiên, cho gà ăn tự do đã tăng tỉ lệ đẻ, khối lượng trứng cao và khối lượng khi xuất bán cao hơn. Điều này dẫn đến số tiền bán trứng và tiền bán gà loại thải cao nên mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi hơn.

Nguồn: https://nhachannuoi.vn/anh-huong-cua-phuong-phap-cho-an-dinh-muc-va-tu-do-len-nang-suat-ga-de-thuong-pham-vao-cuoi-giai-doan-san-xuat/
Tin liên quan
Chưa có thông tin