|
  • :
  • :

Ảnh hưởng tuổi cai sữa heo con đến sức khoẻ đường ruột, năng suất và hành vi

Trong các hệ thống chăn nuôi heo hiện đại, cai sữa là một giai đoạn thiết yếu. Trong giai đoạn này, heo con phải trải qua những yếu tố stress do môi trường thay đổi như chuyển đến khu sau cai sữa, tách khỏi heo mẹ và sống với nhiều heo con của những bầy khác. Heo con nuôi trong điều kiện thả rông được cai sữa từ 12 đến 17 tuần tuổi, nhưng trong các hệ thống chăn nuôi heo hiện đại, heo con thường được cai sữa từ 2 đến 5 tuần tuổi, khi đường ruột và hệ miễn dịch chưa trưởng thành.

Những thay đổi sau cai sữa tạo ra căng thẳng làm ảnh hưởng đến sức khỏe, hiệu suất và đường ruột heo con. Các nghiên cứu cho thấy rằng việc cai sữa muộn hơn giúp cải thiện sức khỏe, tăng khả năng tăng trưởng và giảm tỷ lệ tử vong trong giai đoạn sau cai sữa. Vì vậy, cần xem xét tất cả những ảnh hưởng này để chọn thời điểm cai sữa cho heo con thích hợp.

Ảnh hưởng của tuổi cai sữa đến sức khỏe đường ruột heo con

Hệ vi sinh vật đường ruột bao gồm vi khuẩn và các sinh vật đơn bào khác sống trong đường tiêu hóa của heo. Hệ vi sinh vật đường ruột đóng vai trò có lợi cho vật chủ, chẳng hạn như tiêu hóa và lên men carbohydrate, sản xuất vitamin, duy trì các chức năng bình thường của nhung mao ruột, điều hòa các phản ứng miễn dịch và bảo vệ khỏi vi khuẩn gây bệnh.

Ở heo, sự hình thành hệ vi sinh vật đường ruột bắt đầu từ lúc mới sinh. Hệ vi sinh vật đường ruột trải qua những thay đổi do điều kiện môi trường, chế độ ăn uống, tuổi tác và sự tiếp xúc với vi sinh vật từ lúc mới sinh cho đến khi cai sữa và trong thời kỳ sau cai sữa. Nghiên cứu cho thấy rằng hệ vi sinh vật đường ruột heo thay đổi theo cách có thể dự đoán được trong giai đoạn sau cai sữa và tuổi cai sữa có ảnh hưởng tạm thời đến hệ vi sinh vật này. Các tác động tạm thời bao gồm sự gia tăng đa dạng vi sinh vật sau cai sữa từ 3 đến 7 ngày và giảm các gen kháng hầu hết các loại vi sinh vật sau cai sữa. Tuy nhiên, ảnh hưởng của tuổi cai sữa đến sự phát triển lâu dài của hệ vi sinh vật đường ruột heo vẫn chưa được biết rõ.

Ảnh hưởng của tuổi cai sữa đến sự phát triển của hệ thống tiêu hóa

Khi cai sữa, trở ngại lớn nhất đối với heo con cai sữa là khả năng tiếp nhận, tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng từ thức ăn cho heo con. Ở giai đoạn này heo con rất dễ rơi vào tình trạng:

  • Không ăn uống đủ chất dinh dưỡng dẫn đến sự thiếu hụt năng lượng làm cho heo con dễ dàng hao hụt trọng lượng, sức khỏe suy giảm và phụ nhiễm những mầm bệnh tại trại

  • Hoặc heo con có thể ăn nhiều thức ăn nhưng khả năng tiêu hóa thức ăn kém dẫn đến tình trạng thức ăn không thể tiêu hóa hết và di chuyển xuống ruột già. Và đó có thể trở thành nguồn dinh dưỡng cho nhóm vi khuẩn bất lợi phát triển và gây bệnh cho heo con.

Hệ đường ruột của heo con cần một khoảng thời gian dài cho sự hoàn thành của hệ thống enzyme tiêu hóa. Vì thế việc huấn luyện cho heo con làm quen với thức ăn cứng trong giai đoạn theo mẹ sẽ giúp cho heo con dễ dàng vượt qua được giai đoạn khủng hoảng sau khi cai sữa.

Ảnh hưởng của tuổi cai sữa đến năng suất của heo con

Căng thẳng liên quan đến cai sữa dẫn đến giảm lượng nước và lượng thức ăn, ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng của vật chủ và dẫn đến giảm hiệu suất. Người ta ước tính rằng chỉ có 50% heo con ăn bữa đầu tiên trong vòng 24 giờ sau cai sữa, và 10% vẫn chưa ăn 48 giờ sau đó. Tuy nhiên, heo con thường trở lại mức năng lượng trước khi cai sữa từ 8 đến 14 ngày sau cai sữa. Heo con cai sữa sớm tăng trọng ít hơn heo con cai sữa muộn hơn. Như dự đoán, heo con cai sữa muộn sẽ dẫn đến tiêu thụ lượng thức ăn nhiều hơn vào tuần sau cai sữa, nhờ vậy trọng lượng cơ thể sẽ lớn hơn. Ngoài ra, heo con cai sữa sớm có tỷ lệ chết cao hơn so với heo con cai sữa muộn hơn.

Ảnh hưởng của tuổi cai sữa đến hành vi của heo con

Tuổi cai sữa ảnh hưởng đến thời gian heo con tiêu thụ thức ăn và nước uống. Heo con cai sữa muộn hơn dành nhiều thời gian hơn ở máng ăn so với heo con cai sữa sớm. Ngược lại, heo con cai sữa sớm duy trì tỷ lệ uống nước cao hơn heo con cai sữa muộn hơn. Heo con cai sữa sớm có tỷ lệ hóp bụng cao hơn so với heo con cai sữa muộn hơn. Tuy nhiên, heo con cai sữa muộn hơn dành nhiều thời gian hơn cho việc khịt mũi và nhai các vật và đồ vật trong chuồng hơn so với heo con cai sữa sớm. Ngay sau khi cai sữa, heo con cai sữa muộn hơn dành nhiều thời gian hơn để tương tác với xung quanh so với heo con cai sữa sớm. Hơn nữa, heo cai sữa muộn không có các hành vi hung hăng và các cuộc đụng độ với heo con khác tại máng ăn và máng uống. Mặc dù, heo con cai sữa sớm dành nhiều thời gian hơn để thực hiện hành vi chạy trốn so với heo con cai sữa muộn hơn.

Ảnh hưởng của tuổi cai sữa đến sức khỏe miễn dịch.

Ngoài những tác nhân stress làm ảnh hưởng đến sức khỏe của heo con trong giai đoạn cai sữa và có thể xem là căn nguyên làm cho sức khỏe heo con bị suy giảm thì một trong những nguyên nhân vì sao heo con ở giai đoạn này dễ dàng nhiễm bệnh đó là do hệ miễn dịch của heo con chưa đủ hoàn thiện và có đầy đủ kháng thể cần thiết giúp heo con có thể vượt qua được những ảnh hưởng của những yếu tố gây bệnh như tiêu chảy hay viêm phổi. Vì thế để giúp cho heo con cai sữa có được sức khỏe thể trạng tốt thì trang trại cần kết hợp rất nhiều phương pháp cần thiết như:

  • Tạo lập miễn dịch cho heo con trong giai đoạn theo mẹ thông qua một quy trình vaccine từ nái mẹ kết hợp với việc quản lý bú sữa đầu của heo con trong giai đoạn sau sinh

  • Nâng cao sức khỏe đàn nái để đảm bảo nái mẹ đủ cung cấp sữa cho heo con giúp heo con nhận nhiều kháng thể và dưỡng chất từ sữa mẹ

  • An toàn sinh học trang trại luôn đặt ở mức cao nhất nhằm hạn chế tối đa sự phát triển mầm bệnh trong trại cũng như tình trạng vấy nhiễm trên thú non

  • Nâng cao sức khỏe vật nuôi bằng việc cải thiện dinh dưỡng và chăm sóc tốt nhất

Kết luận

Ngành chăn nuôi heo đã chuyển sang cai sữa sớm hơn cho heo con để cải thiện việc sử dụng chuồng đẻ, tăng số heo con được sinh ra trên mỗi nái mỗi năm và tăng số lượng heo được sản xuất tại trại trong năm. Tuy nhiên, cai sữa sớm có một số tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và năng suất của heo sau cai sữa. Do đó, nhiều nhà sản xuất và nhà khoa học đang đánh giá lại các quyết định về độ tuổi cai sữa để tìm ra độ tuổi cai sữa tối ưu và để tối đa hóa lợi nhuận từ hoạt động chăn nuôi heo của họ.

Nguồn: https://nhachannuoi.vn/anh-huong-tuoi-cai-sua-heo-con-den-suc-khoe-duong-ruot-nang-suat-va-hanh-vi/
Tin liên quan
Chưa có thông tin