|
  • :
  • :

Bà Rịa – Vũng Tàu: Phấn đấu xây dựng thêm 5 vùng an toàn dịch bệnh động vật

Đó là một trong những nội dung được Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y chủ trì, phối hợp với các ban, ngành và Ủy ban nhân dân các địa phương triển khai thực hiện trong năm 2023.

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu rất quan tâm xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật 

Công tác duy trì, xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật trong thời gian qua luôn nhận được sự quan tâm phối hợp thực hiện của các ban, ngành, Ủy ban nhân dân các địa phương và chủ cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Điểm nổi bật nhất trong công tác này, đó là hằng năm Ủy ban nhân dân tỉnh đều phê duyệt kế hoạch và cấp kinh phí để duy trì và thực hiện.

Chính vì lý do đó, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 6/8 địa phương cấp huyện, 11/83 địa phương cấp xã và 120/143 trang trại được cơ quan thú y các cấp chứng nhận là cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật. Trong đó có những vùng, cơ sở được công nhận an toàn với nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên động vật. Đặc biệt, Cục Thú y đã hỗ trợ Công ty Koyu & Unitek xây dựng 02 trang trại gà thuộc chuỗi xuất khẩu cung cấp sản phẩm cho nhà máy giết mổ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Để tạo điều kiện để người chăn nuôi an tâm đầu tư phát triển bền vững, chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học và bảo vệ các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, qua đó tạo ra vùng nguyên liệu cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, tăng thu nhập cho người chăn nuôi, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu ngành nông nghiệp nhanh chóng thực hiện trong năm 2023, đó là: tổ chức thực hiện các nội dung để duy trì điều kiện tại các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh đã được công nhận. Nhanh chóng xây dựng và đề nghị cấp có thẩm quyền chứng nhận 5 vùng an toàn dịch bệnh trong năm 2023, gồm: vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh Lở mồm long móng và Dich tả heo cổ điển tại huyện Xuyên Mộc; vùng an toàn dịch bệnh Dại động vật tại Tp. Bà Rịa, thị trấn Long Hải (huyện Long Điền), thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ) và vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh Cúm gia cầm và Niu – cát – xơn tại xã Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc). Đồng thời, xây dựng kế hoạch, lộ trình để trong năm 2024, được công nhận thêm 3 vùng an toàn dịch bệnh động vật nữa trên địa bàn tỉnh.

Với vị trí địa lý nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của cả nước, công tác xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh được Cục Thú y đánh giá rất cao và theo lộ trình. Cụ thể, đã hình thành được liên vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh Dại động vật tại thành phố Vũng Tàu, thị xã Phú Mỹ và huyện Côn Đảo. Đây là các địa phương có thế mạnh phát triển về cảng biển, du lịch và nơi tập trung đông đảo khách du lịch, chuyên gia và người lao động. Còn đối với các vùng chăn nuôi trọng điểm của tỉnh như huyện Châu Đức, thị xã Phú Mỹ và huyện Xuyên Mộc, ngành thú y đặt ra lộ trình để sớm được công nhận là vùng an toàn dịch bệnh đối với nhiều loại bệnh nguy hiểm trên động vật. Tổng số lượng heo và gia cầm chăn nuôi trong các trang trại được công nhận chiếm trên 78,09% tổng đàn heo và gia cầm được nuôi tại các trang trại trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Xuân Trung, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y chia sẻ.

Theo ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Bên cạnh công tác duy trì, xây dựng cơ sở vùng an toàn dịch bệnh động vật, thì ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang triển khai thực hiện Dự án chuỗi liên kết giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm trong chăn nuôi tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Hướng đến mục tiêu nhằm hình thành 19 chuỗi liên kết giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm trong chăn nuôi. Trong đó, 8 chuỗi liên kết chăn nuôi heo, 8 chuỗi liên kết chăn nuôi gia cầm và 3 chuỗi liên kết trứng gia cầm. Bảo đảm 75% sản phẩm chăn nuôi cung ứng ra thị trường trên địa bàn tỉnh được sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm, với quy mô 396 ngàn con heo, 6,3 triệu con gia cầm và 420 ngàn con gia cầm đẻ trứng. Đây có thể xem là một trong những giải pháp để ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển ổn định, bền vững và góp phần gia tăng giá trị cho các sản phẩm của ngành, cung cấp sản phẩm an toàn, chất lượng cao cho người tiêu dùng”./.

Tại Hội nghị triển khai xây dựng chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh được tổ chức tại tỉnh Tây Ninh vào ngày 11/5/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết thỏa thuận hợp tác xây dựng chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để xuất khẩu giai đoạn từ năm 2023 – 2028 với Công ty TNHH De Heus.

Theo thỏa thuận hợp tác, Công ty TNHH De Heus sẽ phối hợp với Cục Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng, Tây Ninh, Long An xây dựng thành công chuỗi cơ sở sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới và an toàn thực phẩm đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước, đáp ứng yêu cầu của quốc tế để xuất khẩu gà thịt.

Nguồn: https://nhachannuoi.vn/ba-ria-vung-tau-phan-dau-xay-dung-them-5-vung-an-toan-dich-benh-dong-vat/
Tin liên quan
Chưa có thông tin