Thiên thời – Địa lợi
Theo ông Trần Công Hòa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn, địa phương đang thảo luận về việc xây dựng những khu chăn nuôi tập trung có quy mô lớn, theo hướng chế biến thịt trong nước và xuất khẩu.
Kèm theo đó là việc thu hút vào lĩnh vực chế biến thức ăn chăn nuôi. Hiện tại, tỉnh Bắc Kạn cũng đang đi theo hướng đó, từ đó mới làm gia tăng nguồn thu cho ngân sách. Tỉnh không khuyến khích việc chỉ mở trang trại chăn nuôi, vừa tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, vừa hạn chế về nguồn thu từ thuê đất, tiền thuế do chính sách ưu đãi sản xuất nông nghiệp.
Bắc Kạn rất thuận lợi để phát triển về lĩnh vực này, cụ thể: tỉnh Bắc Kạn có diện tích đất tự nhiên rộng lớn, người thưa, với gần 90% diện tích đất tự nhiên là đồi núi và đất rừng; tỉnh Bắc Kạn chỉ cách trung tâm công nghiệp, đô thị lớn của miền Bắc Kạn như Hà Nội hơn 100km, Thái Nguyên hơn 40km, Bắc Ninh hơn 80km và cách sân bay Nội Bài hơn 70km, cảng đường thủy Đa Phúc 65km. Có một phần lớn đất sản xuất nông nghiệp của người dân Bắc Kạn là ruộng khô, ruộng 1 vụ, phù hợp với trồng cây các loại cây ngô, đậu tương, sắn,… là nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Nếu thực hiện được việc chăn nuôi tập trung, với từ hơn 50 trang trại chăn nuôi lợn, tổng đàn sẽ lên đến hàng triệu con sẽ giúp Bắc Kạn trở thành trung tâm chăn nuôi của cả nước và tham vọng là cả khu vực Đông Nam Á. Từ đó những lĩnh vực sản xuất công nghiệp đi theo như: chế biến thịt, chế biến thức ăn, chế biến phân từ chất thải lợn… điều đó sẽ đem lại nguồn doanh thu không lồ cho tỉnh Bắc Kạn.
Nhưng để quy hoạch được quỹ đất rộng vài ngàn ha tập trung là rất khó, do liên quan tới rừng tự nhiên, nguồn nước, đất núi đá nhiều,… Thứ hai là công tác phòng bệnh cũng phải được các chuyên gia cho ý kiến, tránh để xảy ra thảm họa dịch bệnh trong chăn nuôi. Theo đó có thể xây dựng phương án thực hiện nhiều khu vực khác nhau, có tính liên kết, nhưng phải đảm bảo về môi trường, cách xa điểm tập trung dân cư theo quy định.
Ông Nguyễn Ngọc Cương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Kạn cho biết, việc xây dựng chăn nuôi theo hướng tập trung tại Bắc Kạn hiện mới chỉ mang tính chất ý tưởng, còn để thực hiện được là rất khó. Nhưng nếu đi đúng hướng, người dân trên địa bàn tỉnh sẽ được hưởng lợi, các nhà máy chế biến thức ăn tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của Bắc Kạn, tạo công ăn việc làm cho đông đảo người lao động trên địa bàn.
Hình ảnh một trang trại lợn thông qua camera giám sát. Ảnh: Toán Nguyễn.
Thực trạng hiện tại trong lĩnh vực chăn nuôi lợn
Bắc Kạn hiện tại trên địa bàn mới chỉ có 5 dự án chăn nuôi lợn đã hoàn thành và đi vào hoạt động. UBND tỉnh Bắc Kạn cũng chấp thuận chủ trương đầu tư cho 12 dự án khác, hiện đang thực hiện các thủ tục về đất đai, môi trường, xây dựng các hạng mục công trình. Nhìn chung, tiến độ triển khai thực hiện các dự án chăn nuôi lợn do doanh nghiệp đầu tư cơ bản đều chậm do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan (trong đó có 04 dự án trên địa bàn huyện Chợ Mới; 01 dự án tại xã Dương Sơn, huyện Na Rì; 01 dự án tại xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn).
Hầu hết các trang trại lợn đã đi vào hoạt động sản xuất chăn nuôi đều có kiến nghị của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường. Mặc dù đã được Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra và xử lý vi phạm, doanh nghiệp đã khắc phục nhưng vẫn không triệt để, nhất là đối với 03 trang trại đang hoạt động không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận về chăn nuôi nêu trên. Nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp không chấp hành việc xử lý môi trường trong chăn nuôi theo quy định hoặc do trang trại chăn nuôi gần sát khu dân cư.
Ba dự án trên địa bàn huyện Chợ Mới, gồm: Dự án trang trại chăn nuôi lợn thịt công nghệ cao tạo xã Quảng Chu của Công ty Cổ phần Nông nghiệp xanh Quảng Chu; Dự án trang trại chăn nuôi lợn thịt công nghệ cao tại xã Thanh Mai của Công ty Cổ phần Chăn nuôi công nghệ cao Thanh Mai và Dự án Trang trại chăn nuôi lợn nái sinh sản công nghệ cao tại xã Hòa Mục của Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Đồng Tâm Xanh, mặc dù đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 14/12/2021. Tuy nhiên, 03 dự án này chưa triển khai thực hiện, thậm chí doanh nghiệp chưa làm việc với địa phương về thủ tục đất đai.
Dự án trang trại chăn nuôi lợn sạch khép kín tại thôn Đông Piầu, xã Vân Tùng, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn của Công ty Cổ phần Đầu tư quốc tế khoáng sản JSC (trước đây là Công ty CP Đầu tư quốc tế Việt Hà 68) được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư tháng 10/2017. Theo tiến độ đầu tư được UBND tỉnh chấp thuận, quý IV/2018, dự án hoàn thành và đi vào sản xuất kinh doanh. Dự án chưa hoàn thiện các thủ tục đất đai, môi trường, xây dựng theo quy định. Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang thực hiện các thủ tục chấm dứt hoạt động của dự án.
Dự án trại lợn nái và lợn thịt siêu nạc (Giai đoạn 02) tại Thôn Pác Nghiên, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn của Công ty TNHH đầu tư sản xuất nông nghiệp. Theo tiến độ đầu tư được UBND tỉnh chấp thuận, dự án được thực hiện sau khi hoàn thành giai đoạn 1 và đi vào hoạt động. Tuy nhiên, giai đoạn 1 của dự án đã đi vào hoạt động từ tháng 2/2022 nhưng giai đoạn 2 chưa được doanh nghiệp triển khai thực hiện.
Ngoài chăn nuôi lợn, chăn nuôi trâu, bò cũng là lĩnh vực tiềm năng ở tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Toán Nguyễn.
Tiềm năng phát triển chăn nuôi trâu, bò quy mô trang trại
Không chỉ có lĩnh vực chăn nuôi lợn, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn cũng đã có một số trang trại chăn nuôi trâu, bò được thực hiện tại các huyện Chợ Mới, Bạch Thông, Na Rì, Ngân Sơn và Pác Nặm theo hình thức nuôi nhốt.
Một trong những mô hình chăn nuôi bò được đánh giá là thành công tại tỉnh Bắc Kạn là trang trại của anh Nguyễn Trọng Thắng ở tổ dân phố Phiêng My, phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn. Là một doanh nhân trong lĩnh vực xây dựng cơ bản và vận tải, anh Thắng thấy rằng, lĩnh vực kinh doanh đó hiện nay đã không còn đem lại hiệu quả cao nữa, thậm chí là gặp nhiều rủi ro dẫn tới thua lỗ.
Trong quá trình công tác của mình, anh Thắng đã nhận thấy Bắc Kạn là tỉnh miền núi, đất rộng người thưa và rất phù hợp với chăn nuôi bò theo hướng trang trại, tự chủ về nguồn thức ăn. Chính vì lý do đó, năm 2021 anh Thắng đã thuê 2ha đất để thực hiện việc chăn nuôi. Trong đó có 2.000m2 dành cho việc xây dựng chuồng trại, 1,8ha để trồng cỏ voi nuôi bò.
Chủ động nguồn thức ăn cho trâu, bò tại Bắc Kạn. Ảnh: Toán Nguyễn.
Ban đầu trang trại có 89 con, giống bò 3B chiếm phần lớn, tiếp đến là các giống lai Sind, Brahman, Ken Pháp, Angus, Droughtmaster,… Đến nay, sau hơn 1 năm chăn nuôi, tổng số bò tại trang trại đã được nâng lên thành 170 con. Anh Thắng cho biết, nhờ có kiến thức làm ngành y, anh đã tự mày mò làm thụ tinh nhân tạo cho bò. Bê đực thì nuôi bán thịt, còn bê cái thì được tuyển chọn làm bò giống sinh sản.
Chính nhờ tự chủ được nguồn thức ăn chăn nuôi, nhất là việc phối giống nhân tạo mà trong thời gian vừa qua, mặc dù giá cả trâu, bò trên thị trường giảm sâu nhưng trang trại của này vẫn phát triển tốt, tăng đàn liên tục.
Chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng và trồng cỏ là mô hình mới lạ với phần lớn người dân của tỉnh Bắc Kạn nói chung, vốn dựa vào chăn thả và không tự chủ về nguồn thức ăn. Đặc biệt là việc trồng cỏ theo hướng thâm canh, hay việc thu mua rơm rạ của bà con để dự trữ thức ăn. Hình thức này phù hợp với khả năng của người dân địa phương, có thể nuôi ít hay nhiều phù thuộc vào điều kiện của từng gia đình. Nhiều người đã học tập theo, tận dụng quỹ đất quanh nhà, đất vườn để trồng cỏ, không chỉ để nuôi trâu, bò, mà còn làm thức ăn cho gia cầm, cho cá.