Chợ trâu bò Nghiên Loan (Pác Nặm) là một trong những khu chợ đầu mối buôn bán trâu bò lớn nhất miền Bắc họp 02 phiên mỗi tháng. Tuy nhiên theo quan sát và nắm tình hình được biết so với thời điểm đỉnh cao mỗi phiên chợ có 1.500 – 2.000 con trâu, bò được người dân đem đến đây bán, vì thế chợ luôn tấp nập người mua, kẻ bán. Hai năm trở lại đây, kể từ khi dịch Covid-19 diễn ra, khu chợ này trở nên vắng vẻ, lượng giao dịch chỉ đạt khoảng 800-1.000 con mỗi phiên.
Chợ trâu, bò Nghiên Loan (Pác Nặm)
Bà Lý Thị Tuyết, Chủ tịch UBND xã Nghiên Loan (Pác Nặm) cho biết: “Là địa phương có lợi thế đồng cỏ để phát triển chăn nuôi gia súc, nhiều hộ dân áp dụng hình thức nuôi trâu, bò vỗ béo đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Từ cuối năm 2021 đến nay, tình hình tiêu thụ trâu bò rất khó khăn, các thương lái thưa dần, buôn bán tại khu chợ trước đây vốn nhộn nhịp là thế nay diễn ra cầm chừng.
Nguyên nhân là thị trường tiêu thụ chính Trung Quốc vẫn đóng cửa, trâu bò không xuất đi được. Giá trâu bò hơi từ 100.000 – 110.000 đồng/kg nay giảm xuống chỉ còn 60.000 – 70.000 đồng/kg. Trong khi giá trâu, bò bán ra giảm mạnh, giá thức ăn chăn nuôi lại tăng cao khiến nhiều hộ dân đành chấp nhận bán với giá rẻ để thu hồi vốn. Xã hiện có trên 2.000 con trâu, bò nhưng so với thời điểm này năm ngoái số lượng giảm tới 30%. Người dân đã không mặn mà với chăn nuôi trâu, bò nên tìm cách chuyển đổi diện tích trồng cỏ sang cây màu khác, nhất là những hộ chăn nuôi vỗ béo đã thu hẹp quy mô”.
Ông Hoàng Văn Hiệp, thôn Pác Liển, xã Nghiên Loan nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trâu bò vỗ béo cho biết: “Có thời điểm gia đình nuôi gần 10 con. Đầu ra ổn định, mỗi năm trừ chi phí cho thu nhập hơn 100 triệu đồng. Nay tiêu thụ khó cộng với giá quá thấp, gia đình đã ngăn chuồng trại chuyển sang nuôi lợn thịt”.
Anh Lý La Bằng thôn Bản Đính, xã Nghiên Loan là một trong những hộ chăn nuôi đồng thời là người chuyên buôn bán trâu, bò tại khu chợ này cho biết: “Trước đây, mỗi phiên chợ có hàng nghìn con trâu bò được mua bán thành công, nay thì buồn lắm, tình trạng trâu, bò mất giá, tiêu thụ chậm kéo dài lâu quá không biết bao giờ hồi phục. Hiện các thương lái đến thu gom chủ yếu phục vụ nhu cầu trong tỉnh và một số tỉnh khác. Cứ như thế này, bà con sẽ dần bỏ không chăn nuôi trâu, bò nữa, khi thị trường hồi phục lại xảy ra tình trạng khan hiếm”.
Ông Đỗ Xuân Việt, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn cho biết: Mặc dù thị trường tiêu thụ trâu, bò cả nước nói chung và tỉnh Bắc Kạn nói riêng hiện nay khó khăn do không xuất bán được, giá thành hạ. Tuy nhiên, đa số chăn nuôi trâu, bò ở tỉnh đều nhỏ lẻ chỉ từ 2-5 con nên vẫn duy trì, chỉ giảm ở những hộ chăn nuôi nhốt, vỗ béo quy mô lớn hơn vài chục con. Thống kê của ngành, tổng đàn trâu, bò ngựa năm 2022 của tỉnh vẫn đạt trên 85.000 con, đạt 118% so với năm 2021. Hiện bà con đang được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là các dự án liên kết chăn nuôi nên vẫn duy trì phát triển. Người dân chăn nuôi nhỏ lẻ, tự chủ động từ con giống nên chi phí đầu tư ban đầu sẽ thấp hơn nhiều so với các hộ chăn nuôi nhốt, vỗ béo phải nhập trâu, bò trưởng thành.
Đồng chí Đinh Lâm Sáng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Về vấn đề thị trường tiêu thụ trâu, bò khó khăn ngành đã nắm bắt được, tuy nhiên hầu hết việc xuất khẩu trâu, bò ở tỉnh đều qua con đường tiểu ngạch sang Trung Quốc nên rất khó để tác động. Ngành sẽ nghiên cứu tính toán để sớm có giải pháp tìm kiếm đầu mối tiêu thụ ở thị trường trong nước, giúp ổn định cho bà con.
Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp tỉnh, người chăn nuôi trâu, bò cần tiếp tục theo dõi thị trường để có kế hoạch chăn nuôi phù hợp, không giảm đàn ồ ạt khiến nguồn cung bị đứt gãy, khi thị trường phục hồi sẽ không có để bán; tập trung phòng, chống dịch cho tốt để không bị thiệt hại do dịch, bệnh; thay đổi khẩu phần ăn, tận dụng sản phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu, bò.
Các địa phương cần thành lập các tổ hợp tác, liên kết trong sản xuất chăn nuôi, nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ, giúp người dân phát triển chăn nuôi một cách bền vững./.