|
  • :
  • :

Bài học lớn từ cung vượt cầu

Những ngày qua, nhiều nông dân trồng cam sành ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đứng ngồi không yên vì giá giảm mạnh và khó tiêu thụ. Hàng loạt vườn cam dù đã chín vàng nhưng thiếu người mua, đẩy nông dân vào cảnh thua lỗ nặng nề.

Bài 1: Nhiều hệ lụy

Mặc dù hiện tại đã có một số đơn vị, cá nhân đứng ra “giải cứu cam sành” giúp bà con. Song, câu chuyện “tới mùa - dội chợ - rớt giá” đã từng được cảnh báo đối với nhiều loại nông sản, thế nhưng nay vẫn tái diễn...

Nông dân trồng cam sành ở Hậu Giang lo lắng vì giá thấp. Ảnh: H.THU

Thừa sản lượng

Cách nay khoảng 5 năm, chị Huỳnh Kim Thúy, ở xã Tân Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, phá bỏ vườn quýt hồng để chuyển sang trồng cam sành. Nguyên nhân do quýt hồng thường xuyên xuất hiện dịch bệnh vàng lá khiến tỷ lệ hao hụt nhiều, chi phí đầu tư cao; trong khi canh tác cam sành thì nhẹ hơn. “Năm ngoái, cam sành được thương lái thu mua tận vườn với giá dao động từ 12.000-15.000 đồng/kg, có thời điểm hút hàng tăng lên 20.000 đồng/kg giúp nông dân thu lời khá. Không riêng gì bản thân tôi, mà nhiều hộ khác cũng sống khỏe. Thế rồi vui mừng không được bao lâu thì nay cam sành tuột dốc không phanh chỉ còn 2.000-5.000 đồng/kg (tùy loại), khiến ai nấy méo mặt”, chị Thúy bộc bạch.

Cùng cảnh ngộ trên, nhiều nông dân ở thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang, thở dài: “Cùng với huyện Châu Thành thì nông dân thành phố Ngã Bảy có nghề trồng cam sành khá lâu năm ở tỉnh Hậu Giang và những lúc cam sành được giá đã giúp bà con khấm khá. Mấy năm trước, khi thời tiết bắt đầu vào mùa nắng nóng thì thương lái đi mua cam sành rất nhiều nhằm phục vụ nhu cầu chế biến nước giải khát; vì vậy giá cam khoảng 10.000-15.000 đồng/kg. Tuy nhiên, năm nay mọi việc trái ngược khi lúc này nắng nóng nhưng giá cam sành chỉ có 2.000-5.000 đồng/kg mà vẫn khó bán”.

Các đơn vị ở thành phố Cần Thơ “giải cứu” cam sành giúp nông dân Vĩnh Long. Ảnh: H.TÂN

Ông Trương Văn Chín, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Ngã Bảy, cho hay, hiện địa phương có hơn 1.200ha cam sành. Do gần đây giá cam sành giảm liên tục và khó bán nên đã có những vườn cam đến kỳ thu hoạch, nhưng vẫn phải neo lại “chờ người mua”. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến cho cam sành bị rụng, đẩy tỷ lệ hao hụt tăng lên và nông dân sẽ thiệt trăm bề…

Giá bán giảm đi kèm với sức mua cũng giảm theo. Dù hiện nay nhà vườn chấp nhận bán đổ bán tháo với giá 1.000-2.000 đồng/kg cũng rất khó tìm được thương lái thu mua. Nguyên nhân là do cam sành chủ yếu tiêu thụ nội địa, hiện nay sản lượng nhiều dẫn đến cung vượt cầu làm cho giá bán và sức mua đều giảm mạnh. Ngoài giá bán bấp bênh thì mấy năm gần đây cam sành của nông dân trong tỉnh Hậu Giang còn đối mặt với dịch bệnh greening, vàng lá thối rễ, ghẻ và loét bùng phát khá mạnh trên cây cam sành, nên diện tích cam của huyện cũng dần được thu hẹp.

Ông Nguyễn Văn Kề, người dân xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Lúc trước thấy cây cam sành cho thu nhập cao nên mọi người cũng đổ xô trồng cây cam. Nguồn cây giống không được đảm bảo nên hiện nay cam sành bị bệnh vàng lá gân xanh, thối rễ khá nhiều. Mặt khác, do trồng nhiều nên sản lượng cam ngày một tăng, nhưng đầu ra thì bị bó hẹp trong nước nên giá bán liên tục sụt giảm. Trước đây cam sành loại đẹp còn có giá từ 10.000-15.000 đồng/kg nhưng hiện nay chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg, không đủ chi phí đầu tư”.

Tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, nơi được xem là “thủ phủ” cam sành của tỉnh Vĩnh Long với hơn 9.500ha; đi đâu cũng nghe bà con than thở chuyện rớt giá, khó tiêu thụ. Ông Phan Văn Trí, ở xã Thới Hòa canh tác 7 công cam sành, dù hàng ngày tập trung chăm sóc cho vườn cam đảm bảo chất lượng; thế nhưng đợt này thương lái chỉ mua có 2.500 đồng/kg, ước tính chịu lỗ hàng trăm triệu đồng. “Chưa bao giờ giá cam sành tệ hại như hiện nay, có loại thương lái chỉ trả khoảng 1.000 đồng/kg, xem như không đủ chi phí thuê nhân công thu hoạch. Tình hình này có thể khẳng định, hộ trồng ít lỗ ít, hộ trồng nhiều lỗ nhiều; nặng nhất là những hộ thuê đất trồng cam sành với giá khoảng 5 triệu đồng/công thì xem như trắng tay…”, ông Trí ngao ngán cho hay.

Ông Nguyễn Minh Thanh, thương lái chuyên thu mua cam ở Vĩnh Long, cho biết: “Tôi làm nghề này cũng cả chục năm rồi, hàng ngày thu mua cam sành bỏ mối cho các chủ vựa hoặc đại lý ở Thành phố Hồ Chí Minh, cùng các tỉnh ĐBSCL; ngoài ra còn thu mua một số loại cam khác để cung ứng cho các đầu mối xuất khẩu sang Campuchia. Dù vậy, đợt cam sành này được xem là giá thấp nhất bởi nguồn cung quá nhiều, trong khi nhu cầu thì ít; ngoài ra còn “đụng hàng” với cam ở miền ngoài khiến việc tiêu thụ vô cùng khó khăn”.

Chấm dứt bài học “làm theo phong trào”

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long cho hay, qua thống kê toàn tỉnh có khoảng 80.000 tấn cam sành tồn đọng; trong đó nhiều nhất là huyện Trà Ôn, kế đến huyện Tam Bình và Vũng Liêm… Ông Lê Văn Tám, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Ôn, tiết lộ: “Việc đẩy mạnh các kênh tiêu thụ cam sành đang được các đơn vị chức năng tập trung quyết liệt, nhằm tháo gỡ khó khăn cho người trồng cam. Phía lãnh đạo huyện cũng đề nghị gần 50 cơ sở thu mua cam và các hợp tác xã trên địa bàn huyện tăng cường mua cam sành của nông dân càng nhiều càng tốt, ước hơn 300 tấn mỗi ngày…”. Phía Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long cũng phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã… triển khai nhiều giải pháp đưa cam sành đi các nơi tiêu thụ.

Tại thành phố Cần Thơ, Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên thành phố, cùng Đoàn thanh niên các quận, các trường đại học trên địa bàn và một số đơn vị khác tổ chức chương trình tiêu thụ cam sành giúp nông dân Vĩnh Long, với giá thu mua tại vườn khoảng 4.000-4.500 đồng/kg... Đây là những giải pháp trước mắt nhằm giảm thiểu thiệt hại cho nông dân, còn về lâu dài thì việc sản xuất trái cây cần được tính toán hợp lý chứ không thể “giải cứu” mãi được. Tại Hậu Giang, ngành nông nghiệp tỉnh cũng xúc tiến, kêu gọi với các cơ sở thu mua cam trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ lượng cam sành của nông dân đang tới thời điểm thu hoạch để nhà vườn có đầu ra, giảm bớt thua lỗ.

Cần thấy rằng, cách nay khoảng 5 năm, Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT đã lưu ý khi hiệu quả kinh tế mang lại từ một số loại cây có múi khá cao nên nhiều nông dân trồng ào ạt. Cụ thể, qua khảo sát một số vùng ở đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, lợi nhuận từ trồng bưởi da xanh đạt khoảng 600 triệu đồng/ha/năm trở lên; cam sành lời 370 triệu đồng/ha/năm, quýt lời 500-700 triệu đồng/ha/năm… cao gấp nhiều lần so trồng lúa. Vì vậy, nhiều nơi phát triển khá “nóng” diện tích cây có múi kéo theo những lo ngại. Điển hình như diện tích cây cam (các loại) trên cả nước đạt khoảng 90.000ha, trong khi trái cam phần lớn phục vụ tiêu thụ nội địa, do giống cũ nên không có lợi thế xuất khẩu. Ngành chức năng khi phân tích thị trường thì cả nước trồng khoảng 88.000ha cam là dư số lượng phục vụ nội địa, vì vậy không nên mở rộng thêm diện tích cam, chưa kể loại cây này dễ nhiễm bệnh. Khuyến cáo là vậy, song một số nơi vẫn trồng cam, nhất là cam sành; trong đó riêng Vĩnh Long từ năm 2020 đến nay tăng bình quân 1.000ha mỗi năm, đưa diện tích cam sành toàn tỉnh lên hơn 17.000ha. Cung vượt cầu, trong khi thị trường tiêu thụ, nhất là xuất khẩu không được mở rộng nên hiện nay cam sành tuột dốc là hiển nhiên.

Thật ra, câu chuyện của cam sành hôm nay cũng là bài học từng xảy ra ở nhiều loại nông sản khác. Như giữa năm 2021, giá khoai lang xuất khẩu ở Vĩnh Long chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg, cuối năm 2021 giá mít Thái ở Tiền Giang giảm còn 6.000-8.000 đồng/kg do xuất khẩu sang Trung Quốc khó khăn, rồi đầu năm 2022 giá thanh long ở Long An chỉ còn khoảng 2.000 đồng/kg mà vẫn khó bán…, tất cả buộc ngành chức năng phải kêu gọi “giải cứu” giúp nông dân. Hầu hết các loại cây trái và rau củ này những năm qua phát triển “nóng” một cách tự phát, thiếu quy hoạch đồng bộ, thiếu đầu tư hạ tầng, khoa học kỹ thuật; đặc biệt là thiếu sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp tiêu thụ. Chính tình trạng sản xuất theo phong trào, thấy loại trái cây nào hôm nay bán có lời nhiều thì ngày mai các nơi ùn ùn làm theo, cuối cùng dẫn đến thừa sản lượng và giá rớt.

“Thời gian qua sầu riêng tăng giá khủng khiếp, mang lại lợi nhuận cả tỉ đồng/ha, khiến các nơi đua nhau trồng mới sầu riêng. Tôi là dân xứ sầu riêng Cai Lậy, nhưng cũng rất lo viễn cảnh một ngày đó khi thị trường Trung Quốc giảm nhập khẩu thì sầu riêng sẽ sụt giá là khó tránh khỏi. Lúc đó, cũng chính nông dân sẽ thiệt hại đầu tiên, nhất là những nơi mới trồng và không có thế mạnh về sầu riêng…”, ông Trần Văn Nhị, ở xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, cảnh báo. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, mấy năm qua ngành nông nghiệp đẩy mạnh thực hiện và tăng cường tuyên truyền nhằm chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; nông dân cần tạo ra sự khác biệt, bán sản phẩm khác biệt; đồng thời tích hợp đa giá trị trong một sản phẩm nông nghiệp. Đây là hướng đi tất yếu, không thể nào khác được trong thời buổi công nghệ số và hội nhập toàn cầu. Muốn vậy, chúng ta phải trí thức hóa nông dân, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp. Song song đó, kéo doanh nghiệp vào cùng liên kết với hợp tác xã, với nông dân nhằm định hình sản xuất nông nghiệp phải hướng đến thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Một khi đầu vào của sản xuất và đầu ra sản phẩm nông sản được liên thông chặt chẽ thì câu chuyện “giải cứu” mới chấm dứt được. Quan điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn mong muốn, khuyến khích và đánh giá cao các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đóng vai trò “dẫn dắt”; một khi các doanh nghiệp mạnh dạn thay đổi, từ bỏ tư duy “buôn chuyến” để định hình thị trường một cách lâu dài thì liên kết với nông dân mới ổn định được…

Cam sành từng được kỳ vọng là cây làm giàu, tuy nhiên việc phát triển ồ ạt về diện tích, trong khi đầu ra bị bó hẹp đang khiến cam sành loay hoay tìm chỗ đứng. Nguy cơ điệp khúc trồng chặt khả năng sẽ tái diễn trên cây cam sành...

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, diện tích cam sành toàn tỉnh khoảng 5.060ha, giảm 1.021ha so với cùng kỳ năm trước. Đối với cây cam, do tình hình dịch bệnh vàng lá Greening và giá bán giảm thấp, nông dân không mạnh dạn đầu tư nên cây bị suy kiệt; một phần diện tích cây bị già cỗi, ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên nông dân chuyển sang các loại cây trồng khác với hy vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Nguồn: http://baohaugiang.com.vn/kinh-te/bai-hoc-lon-tu-cung-vuot-cau-120074.html