|
  • :
  • :

Bản tin Kinh tế - Thị trường ngày 19-7: Lễ hội sầu riêng Krông Pắc lần thứ hai hứa hẹn nhiều hoạt động đặc sắc

Cùng những tin tức đáng chú ý khác, mời Quý độc giả theo dõi: Campuchia đang là nguồn cung hạt điều lớn nhất của Việt Nam; Nhập khẩu lúa mì từ Brazil tăng hơn 300% trong 6 tháng; Tiếp tục bị chốt lời, giá vàng chưa ngừng giảm.

Lễ hội sầu riêng Krông Pắc lần thứ hai hứa hẹn nhiều hoạt động đặc sắc

Sầu riêng đã trở thành cây trồng chủ lực đem lại nguồn thu nhập chính cho người dân Krông Pắc. Ảnh: VOV

Với chủ đề “Phát triển và Hội nhập”, lễ hội sầu riêng Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk lần thứ 2 sẽ diễn ra từ ngày 31/8 đến ngày 2/9.

Lễ hội có 12 chuỗi hoạt động, gồm: hội thi nông dân sản xuất sầu riêng giỏi; hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP và nông nghiệp tiềm năng của địa phương; ngày hội văn hóa - ẩm thực các dân tộc huyện Krông Pắc (mở rộng); trải nghiệm thưởng thức sầu riêng tại vườn và tham quan cây sầu riêng cổ thụ; hội thảo xây dựng và phát triển hệ sinh thái sầu riêng bền vững; giải chạy việt dã vì sức khỏe cộng đồng; đêm hội DJ và vũ hội ánh sáng giao lưu nghệ thuật giữa các câu lạc bộ đội, nhóm nghệ thuật…

Bà Ngô Thị Minh Trinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc cho biết: Toàn huyện hiện có khoảng 8.000 ha trồng sầu riêng, chiếm 1/3 diện tích sầu riêng của toàn tỉnh Đắk Lắk. Niên vụ này, dự kiến tổng sản lượng đạt trên 92.000 tấn.  Sầu riêng đã trở thành cây trồng chủ lực đem lại nguồn thu nhập chính cho người dân địa phương. Sau lễ hội sầu riêng lần thứ nhất, đời sống của nông dân phần nào đã được nâng lên và góp phần phát triển kinh tế tại địa phương.

Lễ hội sầu riêng huyện Krông Pắc lần thứ hai, có quy mô lớn hơn, được tổ chức bài bản hơn, nhiều hoạt động ý nghĩa hơn sẽ tiếp tục tôn vinh người trồng sầu riêng và những giá trị kinh tế từ loại trái cây này mang lại. Đồng thời qua lễ hội nhằm kết nối, quảng bá về tiềm năng thế mạnh, cơ hội đầu tư vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ trái sầu riêng gắn với phát triển văn hóa, du lịch địa phương.

Campuchia đang là nguồn cung hạt điều lớn nhất của Việt Nam

Campuchia đang là nguồn cung hạt điều lớn nhất của Việt Nam. Ảnh: congthuong.vn

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 6/2024, Việt Nam xuất khẩu hạt điều đạt 62,64 nghìn tấn, trị giá 376,32 triệu USD, giảm 7,5% về lượng, nhưng tăng 1,6% về trị giá so với tháng 5/2024, so với tháng 6/2023 tăng 4,5% về lượng và tăng 9,5% về trị giá. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu hạt điều đạt 353,5 nghìn tấn, trị giá 1,94 tỷ USD, tăng 26,2% về lượng và tăng 18,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Tháng 6/2024, giá bình quân xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt mức 6.008 USD/tấn, tăng 9,8% so với tháng 5/2024 và tăng 4,8% so với tháng 6/2023. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, giá bình quân xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.502 USD/tấn, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tháng 6/2024, Việt Nam tăng xuất khẩu hạt điều sang hầu hết các thị trường truyền thống và tiềm năng, ngoại trừ Anh, Australia, Canada. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam tăng xuất khẩu hạt điều sang hầu hết các thị trường truyền thống và tiềm năng, ngoại trừ Ả rập Xê út. Đáng chú ý, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang nhiều thị trường lớn đều ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã nhập khẩu gần 1,5 triệu tấn hạt điều, trị giá 1,8 tỷ USD, tăng 8,4% về lượng, còn giá trị chỉ tăng nhẹ 3,4%. Hạt điều Campuchia chiếm 55,5% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của nước ta trong nửa đầu năm nay. Theo đó, nửa đầu năm nay, có trên 780.700 tấn hạt điều từ quốc gia này được nhập vào Việt Nam, giá trị lên tới 1 tỷ USD. Riêng nhập khẩu điều từ thị trường Campuchia tăng 36,7% về lượng và tăng 28,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Nhập khẩu lúa mì từ Brazil tăng hơn 300% trong 6 tháng

Một mặt hàng nhập khẩu từ Brazil tăng hơn 300 % trong 6 tháng

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 6/2024 cả nước nhập khẩu 288,14 tấn lúa mì, tương đương 81,45 triệu USD, giá trung bình 282,7 USD/tấn, giảm 46% về lượng, giảm 42,3% kim ngạch so với tháng 5/2024 nhưng giá tăng 6,9%. So với tháng 6/2023 thì giảm mạnh 35,6% về lượng, giảm 45,8% kim ngạch và giảm 15,9% giá.

Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2024 lượng lúa mì nhập khẩu của cả nước đạt trên 3,12 triệu tấn, tương đương gần 862,33 triệu USD, tăng 25,9% về khối lượng, nhưng giảm 3,3% về kim ngạch so với 6 tháng đầu năm 2023, giá trung bình đạt 276 USD/tấn, giảm 23,3%.

Trong tháng 6/2024 nhập khẩu lúa mì từ thị trường chủ đạo Brazil tiếp tục giảm mạnh 88,9% về lượng và giảm 88,7% kim ngạch so với tháng 5/2024, nhưng giá tăng nhẹ 1,5%, đạt 20.416 tấn, tương đương 5,11 triệu USD; trong khi tháng 6/2023 không nhập khẩu từ thị trường này.

Tính chung cả 6 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu lúa mì từ thị trường Brazil chiếm 36,8% trong tổng lượng và chiếm 33,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu lúa mì của cả nước, đạt trên 1,15 triệu tấn, tương đương 287,37 triệu USD, giá trung bình 249,8 USD/tấn, tăng 339,8% về lượng, tăng 200% về kim ngạch nhưng giảm 31,8% về giá so với 6 tháng đầu năm 2023.

Đứng sau thị trường chủ đạo Brazil là thị trường Australia chiếm 20,7% trong tổng lượng và chiếm 23,3% trong tổng kim ngạch, đạt 646.844 tấn, tương đương trên 201 triệu USD, giá trung bình 310,8 USD/tấn, giảm 64% về lượng, giảm 68% kim ngạch và giảm 11,1% về giá so với 6 tháng đầu năm 2023.

Tiếp tục bị chốt lời, giá vàng chưa ngừng giảm

Giá vàng suy giảm. (Ảnh: kitco).

Sáng 19/7, giá vàng thế giới hôm nay đang được niêm yết trên Kitco ở mức 2.443 USD/ounce, giảm 15 USD/ounce so với đầu giờ sáng qua.

Giá vàng suy giảm do tiếp tục chịu áp lực chốt lời sau khi chạm mốc kỷ lục mới.

Theo Giám đốc điều hành Alex Ebkarian Allegiance Gold, khả năng cao là Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng 9.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, giá vàng sẽ biến động theo chiều hướng đi lên. Lãi suất giảm và cuộc bầu cử tại Mỹ là 2 yếu tố trực tiếp có khả năng đẩy giá vàng lên hơn 2.500 USD/ounce bởi kim loại quý này có xu hướng được hưởng lợi trong bối cảnh bất ổn về kinh tế và địa chính trị.

Lượng vàng nắm giữ trong các quỹ hoán đổi danh mục dường như đã chạm đáy vào tháng 5 và hiện đang bắt đầu tăng trở lại. Thị trường sẽ chứng kiến nhu cầu tăng cao trong thời gian tới.

Chuyên gia thị trường cấp cao Russell Shor của Tradu nói rằng, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất cùng với niềm tin lạm phát đang được kiểm soát sẽ thúc đẩy đà tăng dài hạn của kim loại màu vàng. Ngoài ra, bất ổn về địa chính trị và nhu cầu của ngân hàng trung ương cũng đang tạo ra triển vọng tích cực trong trung và dài hạn cho vàng.

Diễn biến giá vàng hôm nay

+ Giá vàng trong nước

Lúc 6h ngày 19/7, giá vàng tại Doji được niêm yết ở mức  78,5 - 80 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 2,5 - 3,02 triệu đồng/lượng (mua - bán) so với đầu giờ sáng qua.

Cùng thời điểm, giá vàng tại SJC được niêm yết ở mức 78,5 - 80 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 2,5 - 3,02 triệu đồng/lượng (mua - bán).

+ Giá vàng quốc tế

Giá vàng thế giới niêm yết trên Kitco ở mức 2.443 USD/ounce, giảm 15 USD/ounce so với đầu giờ sáng qua. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.445 USD/ounce.

Nguồn: http://baohaugiang.com.vn/kinh-te/ban-tin-kinh-te-thi-truong-ngay-19-7-le-hoi-sau-rieng-krong-pac-lan-thu-hai-hua-hen-nhieu-hoat-dong-dac-sac-134254.html