Nhân công nướng bánh tránh phơi sương (ảnh minh hoạ)
Theo Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2025 vừa được UBND tỉnh ban hành, phát triển một số ngành nghề mới theo hướng sử dụng lợi thế của mỗi địa phương, tạo những sản phẩm hàng hoá có giá trị gia tăng, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động ở nông thôn… là những mục tiêu quan trọng phải thực hiện.
Đồng thời, phát triển ngành nghề nông thôn còn nhằm mục tiêu phát huy các giá trị truyền thống và thế mạnh của từng địa phương để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường bền vững ở nông thôn; bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, làng nghề nhằm giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc và khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Việc bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống phải gắn với thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu, phù hợp phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.
Bảo tồn các nghề - làng nghề truyền thống; phát triển nghề - làng nghề mới
Trong giai đoạn này, các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là UBND cấp huyện) tăng cường phối hợp lồng ghép các nguồn kinh phí triển khai thực hiện 5 chương trình và 18 dự án hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, UBND cấp huyện lập hồ sơ đề nghị xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống. Phấn đấu đến năm 2025 có 14 nghề truyền thống (3 nghề truyền thống mới) và 3 làng nghề, làng nghề truyền thống (2 làng nghề mới) trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh công nhận theo quy định.
UBND cấp huyện tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở ngành nghề nông thôn tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Phấn đấu đến năm 2025, có 10 sản phẩm ngành nghề nông thôn đạt chứng nhận sản phẩm OCOP. Các địa phương phổ biến và nhân rộng các mô hình, hoạt động ngành nghề nông thôn mang lại hiệu quả kinh tế và thân thiện với môi trường.
UBND tỉnh quan tâm đến công tác bảo tồn các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống hiện có, gồm: nghề làm bánh tráng, mây tre đan, làm nhang, mộc gia dụng, gò nhôm, chằm nón lá, rèn, đúc gang. Đồng thời, tỉnh quan tâm phát triển các ngành nghề mới như: muối ớt, muối tôm, gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh, đan lát lục bình... để phát huy tiềm năng, thế mạnh mỗi địa phương.
Bên cạnh đó, giai đoạn 2022-2025, Tây Ninh sẽ lập hồ sơ đề nghị xét và công nhận các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn đối với các nghề chưa được công nhận như: báng tráng, muối ớt, muối tôm, hủ tiếu, bánh canh, bún, chao các loại... theo Nghị định số 52/2018/NĐ-CP.
Triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn
Hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn là một trong các nhiệm vụ trọng tâm theo Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2025. Trong đó có việc triển khai thực hiện các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; tổ chức các phiên chợ, điểm bán hàng, lễ hội trái cây tại các khu du lịch, trung tâm thương mại… với tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ là hơn 2 tỷ đồng (bình quân 555 triệu đồng/năm từ nguồn vốn xúc tiến thương mại của tỉnh).
Để phát triển ngành nghề nông thôn đúng hướng, bền vững, tỉnh khuyến khích các thành phần kinh tế tăng cường đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ vào lĩnh vực sản xuất ngành nghề nông thôn, góp phần giảm lao động trực tiếp ở các khâu nặng nhọc, độc hại và tăng năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá, góp phần bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh.
Song song đó, Tây Ninh còn triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học; xây dựng thương hiệu, nhãn hàng hoá và chỉ dẫn địa lý hỗ trợ các sản phẩm lĩnh vực ngành nghề nông thôn với kinh phí dự kiến hơn 3,6 tỷ đồng; phát triển ngành nghề nông thôn, nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với du lịch.
Giai đoạn 2022-2025, các sở, ban, ngành liên quan và UBND cấp huyện phối hợp triển khai thực hiện 18 dự án hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, trong đó huyện Gò Dầu 2 dự án, huyện Dương Minh Châu 4 dự án, thị xã Hoà Thành 2 dự án, huyện Tân Biên 2 dự án, huyện Tân Châu 6 dự án, thị xã Trảng Bàng 2 dự án. Kinh phí hỗ trợ dự kiến khoảng hơn 24 tỷ đồng. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện lồng ghép hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2022-2025 là gần 45 tỷ đồng.
Một số giải pháp chính
Để đạt được các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh nêu một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới như: Tổ chức lại các hoạt động sản xuất ngành nghề nông thôn, nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống theo hướng hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm thông qua các hình thức hợp đồng liên kết gắn quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên tham gia liên kết.
Phát triển các vùng nguyên liệu gắn sản xuất với sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm ngành nghề nông thôn theo chuỗi giá trị.
Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn. Đa dạng hoá các loại hình du lịch, trong đó chú trọng phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn cụ thể: từng bước hình thành các vùng nông nghiệp công nghệ cao, vùng chuyên canh các loại cây trồng, cây ăn trái... gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn nhằm giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm đặc sản với các điểm, tuyến du lịch để thu hút khách du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn.
Huy động các nguồn lực để hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn gồm: Kinh phí lồng ghép từ các chương trình xúc tiến thương mại; khoa học công nghệ; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; khuyến công và Chương trình OCOP. Kinh phí hỗ trợ phát triển các ngành nghề nông thôn từ ngân sách trung ương; địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt chú trọng hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại điện tử đối với các sản phẩm nghề truyền thống và sản phẩm đặc sản khác của địa phương.
An Khang
Giai đoạn 2022-2025, Tây Ninh triển khai một số chương trình chính như:
Chương trình đào tạo nghề phục vụ phát triển ngành nghề nông thôn: Dự kiến nhu cầu đào tạo nghề để hỗ trợ phát triển các ngành nghề nông thôn có số lượng khoảng 4.772 người, tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến khoảng gần 12,5 tỷ đồng.
Chương trình khuyến công: Triển khai thực hiện chương trình khuyến công nhằm đổi mới máy móc, thiết bị và công nghệ hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hoá trên thị trường trong và ngoài nước. Tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến hơn 18 tỷ đồng.
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP): Tây Ninh đặt mục tiêu triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP và phấn đấu phát triển các sản phẩm ngành nghề nông thôn trở thành sản phẩm OCOP theo Quyết định số 1391/QĐ-UBND ngày 6.7.2020 của UBND tỉnh; thực hiện các dự án ưu tiên đầu tư hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn với kinh phí dự kiến hỗ trợ 8,4 tỷ đồng.