Theo đó, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, Trung tâm Dịch vụ huyện Hoài Ân và 2 xã Ân Nghĩa, Ân Hữu lựa chọn 5 hộ đủ điều kiện tham gia mô hình. Các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn kỹ thuật, thống nhất các vấn đề trong tham gia thực hiện mô hình để đảm bảo thực hiện tốt nhất. Qua đó, hình thành chuỗi liên kết trong chăn nuôi từ con giống – hoạt động chăn nuôi – giết mổ – đóng gói, bảo quản – đưa ra thị trường.
Trung tâm Khuyến nông chuyển giao con giống, vật tư cho người dân tham gia Dự án. Ảnh: THÚY AN
Chị Trần Thúy An, cán bộ Trung tâm Khuyến nông, chủ nhiệm Dự án, cho biết: Mô hình này nhằm giúp người chăn nuôi định hướng phát triển kinh tế theo hướng bền vững, nâng giá trị sản phẩm thông qua việc xây dựng chuỗi liên kết từ đầu vào đến đầu ra. Chúng tôi phải bảo vệ tính khả thi của Dự án này trước Hội đồng Khuyến nông Trung ương. Các hộ tham gia triển khai mô hình được hỗ trợ 50% chi phí con giống, vật tư; chuyển giao quy trình kỹ thuật chăn nuôi; cam kết bao tiêu sản phẩm ổn định.
Trong năm 2023, Trung tâm triển khai 2 đợt thả giống với quy mô 10.000 con. Đợt 1 từ tháng 5 đến tháng 8, thả nuôi 5.000 con, tỷ lệ sống trung bình đạt 95,6%. Các chỉ số về tăng trưởng, phát triển ổn định. Đợt 2 xuống giống ngày 31.8. Hiện Trung tâm Khuyến nông cùng các đơn vị liên quan ở huyện Hoài Ân tiếp tục theo sát việc triển khai mô hình, hỗ trợ người dân liên tục.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, ở thôn Phú Văn 1, xã Ân Hữu, 1 trong 5 chủ hộ tham gia Dự án, chia sẻ: Tham gia mô hình, tôi được hỗ trợ kỹ thuật nuôi kiểu mới; sự bài bản, chuyên nghiệp khiến chất lượng sản phẩm cao lên rõ ràng. Trong 3 tháng thực hiện, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm thường xuyên kiểm tra, giải đáp thắc mắc và hướng dẫn tường tận từng khâu trong chăm sóc đàn gà. Đàn gà phát triển tốt, Trung tâm Khuyến nông tỉnh kết nối để HTXNN Thanh niên Hoài Ân mua toàn bộ sản phẩm với giá tốt.
Tương tự, ông Trần Thanh Quan (thôn Kim Sơn, xã Ân Nghĩa) cho hay, nhờ tham gia vào Dự án, ông được học hỏi thêm kinh nghiệm, áp dụng tiến bộ KHKT, công nghệ vào chăn nuôi an toàn; tận dụng được không gian vườn để có chỗ cho gà di chuyển, tận dụng thêm phế phụ phẩm nông nghiệp để phối trộn thức ăn nhằm hạn chế chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi.
Theo ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, sau đợt thứ nhất, chúng tôi kiểm tra thực tế, đánh giá toàn bộ các mục việc và thảo luận chi tiết với HTXNN Thanh niên Hoài Ân để đảm bảo cam kết bao tiêu sản phẩm cho bà con, trên cơ sở các bên tham gia đều có lợi đúng như đã thỏa thuận. Người dân tham gia mô hình hợp tác tốt, thực hiện đúng các yêu cầu trong chăn nuôi an toàn, chất lượng sản phẩm đúng theo yêu cầu bên mua. Chúng tôi tiếp tục theo dõi tiến độ thực hiện đợt 2 của Dự án, từ đó sẽ có thêm cơ sở để đánh giá toàn diện và nhân rộng sau khi Dự án kết thúc.
Chính nhờ theo sát tiến độ thực hiện Mô hình, một mặt tái khẳng định sẽ mua hết toàn bộ số gà thả nuôi thuộc Dự án, mặt khác HTXNN Thanh niên Hoài Ân đã thương thảo với các hộ chăn nuôi, đề nghị tiếp tục kéo dài thời gian nuôi thêm 1 tháng để nâng cao chất lượng sản phẩm thêm một nấc nữa. Với chất lượng thịt gà vượt trội, chắc chắn lợi nhuận của người chăn nuôi sẽ tốt hơn; đặc biệt sẽ tạo ấn tượng rất mạnh trong người tiêu dùng về chất lượng thịt gà Hoài Ân.
Theo ngành nông nghiệp huyện Hoài Ân, các mô hình liên kết chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn là hướng đi mà ngành nông nghiệp triển khai để nâng cao chất lượng nông sản địa phương. Với riêng đàn gia cầm, chú trọng là gà, hiện huyện Hoài Ân đang triển khai đẩy mạnh chăn nuôi gà ta thả vườn, thả đồi, khuyến khích người dân đầu tư sản xuất và kêu gọi các DN tham gia vào chế biến sâu. Huyện Hoài Ân phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện giải ngân 2,4 tỷ đồng cho người chăn nuôi tham gia nuôi gà ta thả đồi, thả vườn thương phẩm; hình thành vùng nguyên liệu đủ tiêu chuẩn và sử dụng nhãn hiệu “Gà ta thả vườn Hoài Ân” để tăng độ nhận diện cho sản phẩm trên thị trường.