Anh Tuấn mến!
ĐLSH không chỉ giúp gà khỏe mạnh, phát triển đồng đều, ít bệnh, tăng trưởng tốt, mà còn giúp giảm thiểu nguồn nhân lực dọn dẹp, vệ sinh chuồng.
Có 2 cách làm ĐLSH phổ biến cho gà. Thứ nhất là làm bằng trấu, phù hợp sử dụng để úm gà hoặc nuôi gà thịt với quy mô từ 30-50m. Trước tiên, rải trấu lên toàn bộ nền chuồng với độ dày khoảng 10cm.
Sau đó thả gà vào. Sau một thời gian thì quan sát xem bề mặt chuồng đã bị phân gà trải kín chưa, nếu rồi thì dùng cào cào sơ lớp ĐLSH. Lưu ý, khi cào phải quây gà gọn lại một phía để tránh làm xáo trộn đàn gà.
Đối với gà nuôi úm thì sau 7-10 ngày, còn nếu gà nuôi thịt thì 2-3 ngày. Sau khi cào xong lớp mặt, hãy rắc chế phẩm để lên men toàn bộ bề mặt chất độn. Tiếp tục sử dụng tay xoa trên bề mặt để men được phân tán đều khắp mọi vị trí.
Thứ 2, làm bằng mùn cưa hoặc kết hợp mùn cưa với trấu, phù hợp trong chăn nuôi gà, vịt, quy mô 30-50m. Đầu tiên, rải lớp mùn cưa với độ dày khoảng 15cm lên nền chuồng. Trường hợp muốn sử dụng lớp đệm bằng cả mùn cưa và trấu thì phải trải trấu trước mùn cưa sau với tỷ lệ trải 8cm trấu rồi sau đó trải 7cm mùn cưa.
Nếu mùn cưa khô, cần phun nước sạch đều lên mùn cưa đảm bảo độ ẩm là 20%. Phải phun nước đều như phun mưa, thỉnh thoảng dùng tay xoa cho ẩm đều. Kiểm tra độ ẩm mùn cưa bằng cách quan sát thấy mùn cưa thấm ẩm và tơi rời là được, lúc này hãy thả gà vào.
Tiếp theo, thực hiện tương tự như bước làm lớp lót bằng trấu, sau đó, rắc chế men lên bề mặt ĐLSH tương tự như làm lớp lót cho gà bằng trấu.
Lưu ý, luôn đảm bảo bề mặt ĐLSH được tơi xốp, 1-2 ngày nên cào bề mặt ĐLSH để bề mặt được tơi xốp và phân dễ phân hủy. Tránh nước mưa làm ướt ĐLSH. Nếu thấy nước uống của gà làm ướt lớp ĐLSH phải thay ngay bằng lớp trấu mới.
Thời gian sử dụng ĐLSH phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng nếu xử lý ĐLSH tốt thì có thể kéo dài thời gian sử dụng từ 6 tháng đến 1 năm.