Thu hoạch bí đỏ.
Người trồng bí đỏ cho biết, năm trước giá bí đỏ dao động từ 13.000 -14.000 đồng/kg; vụ thu hoạch năm nay giá bí đỏ liên tục xuống thấp, hiện chỉ còn 3.000 - 4.000 đồng/kg. Nguyên nhân bí đỏ rớt giá là do những năm trước bí đỏ có giá bán cao, khiến người dân tập trung trồng. Do đó, diện tích tăng gấp đôi từ 400 ha lên đến 800 ha, cung vượt cầu nên dẫn đến giá thành xuống thấp.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Tân Châu, có khoảng 800 ha trồng bí đỏ, trong đó có 150 ha đã được thu hoạch, còn 650 ha đang chờ thương lái; năng suất ước đạt 20 tấn/ha; sản lượng ước đạt 13.000 tấn.
Theo dự kiến của các hộ trồng bí đỏ, thời gian thu hoạch từ ngày 15.10 đến ngày 16.11. Bình quân mỗi ngày, nhà vườn thu hoạch khoảng 500 tấn, tuy nhiên, lượng tiêu thụ hiện tại qua thương lái chỉ khoảng 200 tấn/ngày; giá 4.200 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Cò, nông dân xã Suối Ngô cho biết: “Năm rồi tôi thuê đất của nông trường cao su trồng 2 ha bí đỏ, lợi nhuận trên dưới 200 triệu đồng/vụ. Thấy có lời nhiều, nên nhiều người trên địa bàn tỉnh cũng như ngoài tỉnh trồng theo, khiến diện tích bí đỏ tăng lên, nên cung vượt cầu, khiến giá bí rớt thê thảm”.
“Hiện thương lái vẫn đến thu mua, nhưng họ trả giá thấp, họ thoả thuận trái thối, trái u nần thì bỏ ra. Thương lái sẽ phân ra loại 1 và loại 2, 3 để trả giá. Mặc dù năm nay năng suất bí đỏ đạt yêu cầu, nhưng vẫn không có lời”- ông Cò chia sẻ.
Ông Đinh Văn Hiệp- Phó Chủ tịch UBND xã Suối Ngô cho biết: "Năm nay, trên địa bàn xã Suối Ngô, diện tích trồng bí đỏ nhiều hơn các năm trước, do diện tích thanh lý cây cao su của nông trường nhiều, do vậy người nông dân thuê đất cũng rẻ, đặc biệt thời tiết vào mùa mưa dễ trồng, khiến diện tích trồng bí đỏ năm nay gấp đôi năm ngoái. Năm ngoài giá bí đỏ tầm 13.000 -15.000 đồng/kg, người nông dân lời từ 150-200 triệu đồng/ha".
Ruộng bí đỏ đang chờ được thu hoạch.
Ông Hiệp cho biết thêm, năm nay giá bí đỏ không được cao như năm ngoái, thậm chí còn rớt giá thê thảm, chỉ còn 4.000 đồng/kg, loại 1. Trước tình hình đó, địa phương kiến nghị ngành nông nghiệp tỉnh có định hướng để bà con ổn định về đầu ra, thông tin thị trường, cũng như tập huấn kỹ năng, đẩy mạnh công tác truyền thông, nắm bắt định hướng đầu ra, cần sự liên kết nông sản, để người nông dân yên tâm sản xuất nông nghiệp, tránh tình trạng bị thương lái ép giá. Ngành nông nghiệp tỉnh cần có định hướng lâu dài, nâng giá trị trái bí đỏ, bảo vệ thương hiệu, mã vùng, để người nông dân ổn định sản xuất.
Theo ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT, do bà con không chú trọng đến cấp giấy chứng nhận và mã vùng trồng, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. “Nếu như năm nào sản phẩm nhiều, rơi vào tình trạng cung vượt cầu, thì mình sẽ dùng từ “giải cứu”, nói cách khác là hỗ trợ nông dân mua bán, thì những chuỗi phân phối lớn sẽ đòi hỏi những sản phẩm này phải giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, mã số vùng trồng, giấy chứng nhận VietGAP… theo tôi, năm sau nông dân nên rút kinh nghiệm, cơ quan khuyến nông, bảo vệ thực vật hướng dẫn quy trình, cấp giấy tờ cho mình, sẽ cải thiện ít nhất là không bị mất giá như năm nay”- ông Xuân chia sẻ.
“Trong thời gian tới, chúng tôi đề nghị các chuỗi phân phối, các khu công nghiệp hỗ trợ để tiêu thụ cho bà con với giá ổn định, tất nhiên sẽ không được giá như năm rồi, nhưng ít nhất là người dân sẽ thu lại được vốn và có lời chút đỉnh, để tái đầu tư”- ông Xuân nhấn mạnh.
Hiện ngành nông nghiệp tỉnh thường xuyên định hướng để bà con sản xuất nông nghiệp gắn với tiêu thụ, kết nối chuỗi để có thị trường tiêu thụ ổn định. Tuy nhiên, phần lớn nông dân vẫn thấy cây trồng nào có giá thì đổ xô trồng, không tính đến phương án tiêu thụ dẫn đến nguồn cung vượt cầu. Hiện ngành nông nghiệp tỉnh đang cố gắng kết nối các doanh nghiệp, siêu thị... để tiêu thụ sản phẩm bí đỏ cho người dân.