Giá gà cao nhất trong vòng vài ba năm trở lại đây.
Chăn nuôi gia cầm “ấm” dần…
Cụ thể, theo thống kê của Cục Chăn nuôi, giá sản phẩm gia cầm: so với thời điểm tháng 01/2022, bình quân trong tháng 6/2022 giá các sản phẩm chính đa số đều tăng. Cụ thể, nhóm gà thịt lông màu nuôi công nghiệp theo xu hướng tăng tại cả 3 miền, giá bình quân dao động từ 40.000-42.000 đồng/kg tăng lên 55.000-57.000 đồng/kg. Giá con giống tăng từ 5.500-6.500 đồng/con lên 9.500-11.500 đồng/con.
Nhóm gà thịt lông trắng: giá bình quân dao động từ 26.000-30.000 đồng/kg tăng lên 33.000-36.000 đồng/kg tùy từng khu vực. Trong khi giá con giống ổn định từ 6.000-8.000 đồng/con. Giá các sản phẩm vịt cũng tăng mạnh, trong đó giá vịt Super M tăng trung bình từ 34.900 đồng/kg lên 47.500 đồng/kg; giá vịt thịt Grimaud tăng trung bình từ 34.600 đồng/kg lên 48.500 đồng/kg (tăng 40%).
Giá các sản phẩm trứng gà dao động từ 1.600-2.500 đg/quả; trứng vịt từ 2.070-2.700 đg/quả tùy từng khu vực; giá khu vực miền Bắc cao hơn các khu vực còn lại).
Đến ngày 17/8/2022, theo tin từ Chi Cục Chăn nuôi Thú y, Thủy sản tỉnh Bình Dương, giá sản phẩm chăn nuôi gia cầm vẫn giữ ở mức cao. Cụ thể giá gà trắng của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P lưu hành nội bộ Công ty: 39.000 đồng/kg; giá gà lông màu: 41.000 đồng/kg. Giá sản phẩm tại các Công ty và các cơ sở chăn nuôi tư nhân khác: Giá gà trắng của Công ty cổ phần 3F Việt: 40.000 đồng/kg; giá gà trắng của Công ty TNHH Emivest: 38.000 đồng/kg; giá gà lông màu tại các cơ sở chăn nuôi tư nhân: 43.000 đồng/kg; giá vịt thịt: 43.000 đồng/kg; giá vịt Cherry 1 ngày tuổi: 23.000 đồng/con; giá vịt Grimaud 1 ngày tuổi: 20.000 đồng/con. Giá trứng gia cầm tại các vựa trứng gia cầm: Giá trứng gà loại 1(size 21kg): 3.100 đồng/quả; Giá trứng vịt loại 1(size 23 kg): 2.800 đồng/quả; giá trứng cút: 480 đồng/quả.
Đây là mức giá cao nhất trong vòng vài ba năm trở lại đây và cao hơn gấp nhiều lần so với thời điểm xảy ra dịch Covid-19, các sản phẩm thịt gà, trứng gà không tiêu thụ được hoặc giá bán rất rẻ. Điều này mang lại niềm vui, lợi nhuận cho những người chăn nuôi gia cầm sau nhiều năm đối mặt với thua lỗ.
Lí giải cho việc giá gia cầm tăng cao trong thời gian dài, chia sẻ với PV Chăn nuôi Việt Nam, ông Phan Văn Lục, Tổng Thư kí Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam cho biết, hiện nay, tổng đàn gia cầm ở mức khoảng 550 triệu con và đàn gà trên 400 triệu con, đã có tăng trưởng so với năm ngoái mặc dù có những khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao. Nguyên nhân, do năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát, các trang trại gà chỉ nuôi cầm chừng, giá gà thịt xuống thấp. Nhiều trang trại bị thua lỗ hoặc chỉ hòa vốn. Trong trạng thái bình thường mới, ngành du lịch phục hồi, các nhà hàng mở cửa trở lại nên nhu cầu gà thịt tăng cao. Cùng với đó, chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc khiến việc giao thương giữa 2 nước bị siết chặt nên gà Trung Quốc khó tràn vào Việt Nam. Đây được cho là những nguyên nhân khiến giá gà thịt, trứng tăng cao.
Cùng với đó, theo nhận định một số chuyên gia trong ngành, các sản phẩm thịt nhập khẩu về có mức giá cao và không cạnh tranh như trước. Cụ thể, theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 289,37 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 648,51 triệu USD, giảm 23,8% về lượng và giảm 13,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Giá thịt gà công nghiệp nhập khẩu hiện tăng khá cao, không còn lợi thế cạnh tranh với gà trong nước bằng giá rẻ như thời gian trước. Đây là cơ hội tốt về thị trường tiêu thụ mặt hàng trong thời gian tới.
Còn đối với các sản phẩm giống gia cầm mức giá tăng cao, cũng do tác động của đại dịch Covid-19, năm 2021, người dân không vào đàn, các doanh nghiệp sản xuất giống buộc phải giảm đàn gà bố mẹ. Tới năm 2022, đại dịch được kiểm soát, nhu cầu tái đàn của người dân tăng nhưng các doanh nghiệp chưa chuẩn bị kịp nên xảy ra tình trạng khan hiếm và giá giống tăng lên rất cao.
Tái đàn cuối năm: E dè trong đầu tư?
Chia sẻ với phóng viên về tình hình tái đàn dịp cuối năm, lãnh đạo của một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực giống gia cầm cho biết, theo cảm nhận là tình hình tái đàn không dồn dập. Với các doanh nghiệp thì đã có kế hoạch sẵn. Còn đối với khu vực chăn nuôi nhỏ lẻ, năm 2021, do những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, chăn nuôi lỗ nặng nên một bộ phận không nhỏ người chăn nuôi đã bỏ chuồng, đi tìm việc khác, tới giờ họ không muốn quay lại chăn nuôi. Thời điểm này, việc tái đàn phụ thuộc vào ai đầu tư được thức ăn chăn nuôi bởi giá đã tăng mạnh, trong khi đó đầu ra của chăn nuôi gia cầm chứa đựng những rủi ro. Mọi năm, có trại đủ vốn đầu tư 30-40 vạn gà, nhưng với giá thức ăn tăng cao như hiện nay, thì chỉ có thể đầu tư 20 vạn gà. Năm ngoái, giá bán con giống quá thấp so với chi phí, còn năm nay giá con giống cao hơn so với chi phí một chút nhưng công ty đã phải rất cố gắng, để duy trì được đàn bố mẹ đến thời điểm hiện tại.
Về xu hướng chọn giống của người chăn nuôi để phục vụ người tiêu dùng, theo ông Nguyễn Như Phán, Phó Giám đốc Công ty MTV gà giống Dabaco, giống gà Mía số 1 dành cho phân khúc tầm cao đang bán chạy nhất, sau đó mới đến dòng J-Dabaco phân khúc thịt ở mức trung bình.
Còn ông Nguyễn Thanh Phi Long, đại diện Công ty TNHH chăn nuôi Long Bình, Đồng Nai cho biết, suốt 3 năm qua, các trại nuôi gà công nghiệp phải “gồng mình” gánh lỗ do giá gà thường ổn định với mức giá thấp, nhất là giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, giá gà giảm sâu chưa từng có. Nhiều trang trại đã phải “treo chuồng”, ngừng chăn nuôi. Đến nay, giá gà thịt tăng cao nhưng khôi phục lại đàn nuôi không dễ vì chi phí đầu vào hiện tăng quá cao, từ giá con giống đến mọi chi phí khác, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi đều tăng quá cao.
Thực tế, doanh nghiệp hiện chỉ nuôi đạt 50% tổng công suất chăn nuôi so với thời gian trước. Khi doanh nghiệp có kế hoạch nhập giống gà bố mẹ về để tăng quy mô đàn nuôi thì giá chi phí vận chuyển trước đây chỉ chiếm từ 10-20% so với giá gà bố mẹ thì nay đội lên bằng hoặc cao hơn giá tiền hàng hóa nhập khẩu, khiến doanh nghiệp e dè trong đầu tư.
Phải phát triển theo hướng bền vững
Ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (H.Long Thành, Đồng Nai), thành viên trong chuỗi liên kết chăn nuôi gà xuất khẩu nhận xét, giá gà công nghiệp đang tăng ở mức cao do ở thị trường trong nước, nguồn cung gà, nhất là gà công nghiệp thấp hơn cầu. Mặt khác, xuất khẩu gà vào thị trường Nhật Bản nói riêng, các nước nói chung, đang trên đà hồi phục và tăng trưởng tốt. HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát đang triển khai dự án mở rộng thêm trang trại chăn nuôi quy mô lớn để tăng nguồn cung cho thị trường xuất khẩu.
Chỉ ra khó khăn của người chăn nuôi gia cầm nói chung và gà công nghiệp nói riêng, ông Quyết chia sẻ, nhiều trại đã “treo chuồng” vì thua lỗ do giá gà giảm sâu suốt thời gian xảy ra dịch Covid-19. Người nuôi chưa kịp vực dậy sau ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì rơi vào cảnh chi phí chăn nuôi tăng cao, nhất là thức ăn chăn nuôi tăng giá sốc. Những trại chăn nuôi nhỏ lẻ hoặc đầu tư theo hướng tự phát rất khó tồn tại trong tình hình hiện nay. Những khó khăn là sự sàng lọc để ngành chăn nuôi phát triển theo hướng chuyên nghiệp hơn vì chỉ những trang trại đầu tư bài bản, tham gia chuỗi liên kết phát triển bền vững mới có nền tảng phát triển sản xuất trong giai đoạn cả thị trường đầu vào và đầu ra liên tục biến động mạnh thời gian gần đây.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Bích, chủ trại nuôi gà công nghiệp ở xã Long Đức (H.Long Thành) cho hay, nhờ tham gia chuỗi liên kết nên thời điểm xảy ra dịch Covid-19, giá gà giảm sâu, doanh nghiệp trong chuỗi liên kết vẫn bao tiêu sản phẩm gà của trang trại với giá đã ký hợp đồng trước đó. Giai đoạn chi phí đầu vào tăng sốc từ nguồn con giống đến thức ăn chăn nuôi, trang trại trong chuỗi liên kết được cung cấp nguồn con giống, thức ăn chăn nuôi với giá tốt hơn ngoài thị trường, doanh nghiệp bao tiêu cũng điều chỉnh giá đầu ra cao hơn để đảm bảo lợi nhuận của chủ trại nuôi. Trong giai đoạn thị trường đầu vào, đầu ra biến động lớn như hiện nay, người chăn nuôi mới nhận ra sự đảm bảo của chuỗi giá trị nên càng an tâm gắn bó.
Đại dịch Covid-19 đã khiến chăn nuôi gia cầm thay đổi nhanh, từ chỗ chăn nuôi nhỏ lẻ với hàng vài triệu hộ, thì nay rất nhiều trại chăn nuôi lớn, theo chuỗi liên kết được hình thành. Các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi, trước kia sản xuất thức ăn chăn nuôi để bán ra ngoài cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ; nhưng các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sau nhiều biến cố về dịch bệnh, thị trường ngày càng teo tóp. Vì đã đầu tư rất nhiều tiền vào nhà máy, nên các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi buộc phải xây dựng trại chăn nuôi để duy trì công suất của nhà máy.
Ngành chăn nuôi gia cầm thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi các doanh nghiệp kinh doanh thuốc thú y, vắc xin và phụ trợ liên quan buộc phải chuyển hướng linh hoạt. Theo chia sẻ của một doanh nghiệp có thị phần vắc xin, thuốc thú y lớn tại Việt Nam, thì việc bán hàng của doanh nghiệp này, thay vì bán cho trại nhỏ trước kia, thì nay bán cho các “ông lớn”. Tuy nhiên, để bán cho các “ông lớn”, buộc phải có giá thành tốt, sản phẩm chất lượng và có mối quan hệ tốt…Điều này đỏi hỏi các doanh nghiệp thuốc thú y, vắc xin liên tục cải tiến hoạt động, học hỏi không ngừng, nếu không muốn bị loại ra khỏi “cuộc chơi” này.
Tin tưởng sẽ cung cấp đủ giống để tái đàn dịp cuối năm
Ông Phan Văn Lục, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (ảnh) cho biết, ông tin tưởng rằng, các đơn vị sản xuất giống gia cầm của Hiệp hội như Minh Dư, Cao Khanh, Dabaco, Lượng Huệ… sẽ cung cấp đủ cung cấp đủ giống cho người chăn nuôi.
Ông cũng cho rằng, các cơ quan quản lí về chăn nuôi nên có những tuyên truyền chính xác về thị trường gia cầm để người chăn nuôi nắm được, tránh việc tăng trưởng nóng như hai năm 2019 và năm 2020. Với tốc độ quay vòng rất nhanh của đàn gia cầm, để tái đàn thành công, người chăn nuôi nuôi nhỏ lẻ nên cân nhắc về đầu vào, đầu ra, chú trọng vấn đề an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh để tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng, phục vụ người tiêu dùng để chăn nuôi đạt hiệu quả cao nhất.
Theo Tổng cục Thống kê, ngành chăn nuôi vẫn đang phải đối mặt với khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát tốt, tuy nhiên do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi tăng, nên người chăn nuôi không mở rộng quy mô, tổng số gia cầm của cả nước tính đến cuối tháng 7/2022 tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2021 – đây là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2018-2022.