Mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học vừa bảo đảm sức khỏe người chăn nuôi và người tiêu dùng, vừa bảo vệ môi trường sinh thái
Bảo vệ sức khỏe và môi trường sinh thái
Chăn nuôi hữu cơ là một phần trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sử dụng các nguồn thức ăn tự nhiên, không sử dụng thức ăn có thành phần biến đổi gen, thức ăn tăng trọng, kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng, đồng thời bảo đảm cho động vật có một môi trường sống thoải mái nhất và bảo vệ môi trường sinh thái.
Hiện nay, mặc dù nhu cầu tiêu thụ thực phẩm từ chăn nuôi hữu cơ ngày càng cao nhưng số lượng đàn chăn nuôi hữu cơ còn ít, quy mô nhỏ, phân tán nên chưa đáp ứng được nhu cầu. Một phần là do chăn nuôi hữu cơ đòi hỏi các yêu cầu tương đối khắt khe như diện tích đất chăn nuôi phải rộng rãi, đất sạch, không bị ô nhiễm hoặc đất đã được chuyển đổi từ đất sản xuất thông thường trong thời gian tối thiểu từ 2 – 3 năm. Bên cạnh đó, nguồn nước sử dụng cho gia súc uống phải là nước tự nhiên và sạch, thức ăn chủ yếu là tinh bột, rau củ quả được sản xuất hữu cơ… Ngoài ra, chăn nuôi hữu cơ cần thời gian nuôi dài ngày, tăng trọng thấp, tiêu tốn nhiều thức ăn và nhân công, chi phí đầu tư.
Bà Huỳnh Thị Kim Châu, Trưởng phòng Quản lý Chăn nuôi và Thủy sản – Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết quá trình chăn nuôi hữu cơ không sử dụng thức ăn có thành phần biến đổi gen, thức ăn tăng trọng, kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi. Đồng thời, chăn nuôi theo hướng hữu cơ nhằm giảm nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái. Như vậy, chăn nuôi không đáp ứng tiêu chuẩn hữu cơ, không bảo đảm phúc lợi động vật, không đủ diện tích nuôi và không sử dụng nguồn thức ăn hữu cơ sẽ tách biệt với khu chăn nuôi hữu cơ.
Xu hướng tất yếu
Chứng nhận chăn nuôi hữu cơ là việc xác nhận hoạt động chăn nuôi phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ TCVN 11041-3:2017. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là một trong những hướng đi hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững, giảm nguy hại đến môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Thị trường tiêu dùng hiện nay đang cực kỳ quan tâm đến thực phẩm sạch, an toàn, chất lượng sản phẩm cao và thân thiện với môi trường. Người tiêu dùng ưu tiên chọn thực phẩm hữu cơ nói chung và thịt hữu cơ nói riêng. Thực phẩm hữu cơ không chứa chất tăng trưởng trong chăn nuôi, không có chất thải từ thuốc trừ sâu và chất kích thích tăng trưởng trong trồng trọt. Thực phẩm hữu cơ có vị ngon hơn, nhiều dinh dưỡng hơn và bảo quản được lâu hơn.
Cũng theo bà Huỳnh Thị Kim Châu, phát triển chăn nuôi hữu cơ sẽ là hướng đi chiến lược cho ngành chăn nuôi nhằm bảo đảm an ninh thực phẩm có nguồn gốc động vật, hướng tới một nền chăn nuôi an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường. Theo đó, khu vực chăn nuôi hữu cơ phải được khoanh vùng, phải có vùng đệm hoặc hàng rào vật lý tách biệt với khu vực không sản xuất hữu cơ, cách xa khu vực môi trường bị ô nhiễm hoặc khu tập kết, xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, bệnh viện. Cơ sở chăn nuôi phải có đủ diện tích chuồng trại, có nơi để chứa, ủ phân, chất thải rắn, có hố để xử lý chất thải lỏng bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, môi trường.
Ngoài ra, việc chọn giống vật nuôi, con giống và phương pháp nhân giống phải theo những yêu cầu khắt khe. Giống vật nuôi phải thích nghi với điều kiện địa phương và hệ thống chăn nuôi hữu cơ, ưu tiên sử dụng các nguồn giống bản địa, khỏe mạnh và có khả năng kháng bệnh; không có các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hoặc các vấn đề về sức khỏe liên quan đến một số giống vật nuôi như hội chứng căng thẳng, tự sẩy thai… Mặt khác, nên sử dụng các phương pháp sinh sản tự nhiên hơn là phương pháp thụ tinh nhân tạo. Đồng thời, không được dùng kỹ thuật ghép phôi và biện pháp xử lý sinh sản bằng hoóc môn, không được dùng kỹ thuật gen trong việc nhân giống. Trong quá trình chăn nuôi được cung cấp mức tối ưu 100% thức ăn hữu cơ, kể cả thức ăn trong thời kỳ chuyển đổi.
Với chăn nuôi hữu cơ, cơ sở chăn nuôi phải sử dụng tỷ lệ thức ăn hữu cơ không ít hơn 90% (tính theo khối lượng chất khô) đối với các loài nhai lại và không ít hơn 80% đối với các loài không nhai lại. Cơ sở chăn nuôi phải tự cung cấp tối thiểu 50% lượng thức ăn chăn nuôi (tính theo chất khô), bao gồm cả thức ăn từ các đồng cỏ tự nhiên lân cận hoặc thức ăn được liên kết sản xuất với cơ sở sản xuất hữu cơ khác trong khu vực. Ngoài ra thuốc kháng sinh, thuốc trị cầu trùng, thuốc trị bệnh, chất kích thích tăng trưởng, kích thích sinh sản đều không được dùng làm thức ăn chăn nuôi.