|
  • :
  • :

Chăn nuôi theo hướng hữu cơ, tuần hoàn nhằm nâng cao giá trị và bảo vệ môi trường

Tiềm năng sử dụng phụ phẩm nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, chăn nuôi hữu cơ là rất lớn. Nhưng để tận dụng được nguồn nguyên liệu này cần có sự kết nối giữa các tác nhân để tạo ra hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn, hữu cơ.

Đó là thông tin được chia sẻ tại hội thảo Hội thảo phổ biến kiến thức với chủ đề “chăn nuôi theo hướng hữu cơ, tuần hoàn nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường”, do Hội chăn nuôi Việt Nam phối hợp Viện Chăn nuôi Việt Nam tổ chức sáng ngày 10/7.

Hội thảo nằm trong chương trình hoạt động truyền thông và phổ biến kiến thức của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam).

Toàn cảnh hội thảo

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Liên hiệp Hội Việt Nam; Bộ NN&PTNN; đại diện các Sở, ban ngành; đại diện các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ NN&PTNT; đại diện Hội Nữ Trí thức Việt Nam; các nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực chăn nuôi Việt Nam…

Các đại biểu tham dự hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, nhận định ngành chăn nuôi Việt Nam đang phát triển rất sôi động, chúng ta bắt đầu xuất khẩu được sản phẩm chăn nuôi: lợn sữa, trứng, giống vật nuôi, sữa… Tuy vậy, lợi nhuận của người chăn nuôi rất bấp bênh, nhiều thời điểm thua lỗ. Muốn chăn nuôi bền vững có lợi nhuận tốt, bên cạnh chăn nuôi theo tín hiệu thị trường, cần phải có các giải pháp hạ giá thành sản phẩm, phát triển chăn nuôi tuần hoàn nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường.

TS Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo

Còn theo TS Phạm Doãn Lân, Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho biết, phát triển bền vững có 3 trụ cột bao gồm kinh tế, xã hội và môi trường. Chủ trương của Đảng là không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Ngành chăn nuôi nước ta hiện có quy mô đàn  lợn gần 28 triệu con, trên 500 triệu con gia cầm, đàn bò trên 6 triệu con… đưa ra trên 60 triệu tấn chất thải/năm. Hiện nay, chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm tỷ lệ lớn, nên việc xử lý môi trường gặp nhiều khó khăn. Chăn nuôi theo hướng hữu cơ, tuần hoàn là xu thế tất yếu từ giống, thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển. “Cùng với đó, cần nhận thức rằng, chất thải chăn nuôi là tài nguyên quý để giúp nâng cao giá trị sản xuất”, TS Phạm Doãn Lân nhấn mạnh.

TS Phạm Doãn Lân, Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi phát biểu tại hội thảo

 Chất thải chăn nuôi chưa được tận dụng tốt

Theo ước tính của Cục Chăn nuôi, giai đoạn 2018 – 2022, mỗi năm có trung bình 61 triệu tấn phân và trên 304 triệu m3 nước thải được thải ra từ các loại vật nuôi chính cần phải được xử lý, tái sử dụng để giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường chăn nuôi.

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thời điểm tháng 7/2022 cho thấy, tỷ lệ hộ chăn nuôi có biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi là 72%; còn 28% hộ chăn nuôi thải trực tiếp chất thải chăn nuôi vào môi trường. Đối với trang trại, tỷ lệ có biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi đạt tỷ lệ cao hơn, khoảng 95%.

Hiện có 5 biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn đang được áp dụng.

Thứ nhất, xử lý chất thải chăn nuôi để sản xuất năng lượng sạch và phân bón hữu cơ (cả nước có trên 550 nghìn công trình khí sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi quy mô nông hộ và gần 200 nghìn công trình khí sinh học sử dụng công nghệ HDPE quy mô trang trại).

Thứ hai, sử dụng đệm lót sinh học xử lý chất thải chăn nuôi, cải thiện môi trường chăn nuôi và nguồn đệm lót sau xử lý dùng để bón cho cây trồng (cả nước có trên 12 triệu m 2 diện tích đệm lót sinh học được áp dụng).

Thứ ba, ủ phân làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón. Tỷ lệ cơ sở chăn nuôi áp dụng biện pháp ủ phân vật nuôi là 43% đối với gia cầm, 22% đối với lợn, 23% đối với bò…

Thứ tư, công nghệ vi sinh: Cả nước có trên 233 ngàn hộ chăn nuôi và trên 11 nghìn trang trại chăn nuôi sử dụng chế phẩm vi sinh trong xử lý chất thải và khử mùi trong chăn nuôi.

Thứ năm, chăn nuôi các loại côn trùng ăn chất thải chăn nuôi như trùn quế, lính ruồi đen hiện nay ở nhiều địa phương đã mang lại lợi ích kép cho người chăn nuôi thu được nguồn protein từ côn trùng phục vụ cho chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Mến, Công ty TNHH Dược Hanvet

Thạc sĩ Nguyễn Thị Mến, Công ty TNHH Dược Hanvet trình bày giải pháp sử dụng chế phẩm vi sinh Han-Proway trong xử lý phân gà làm phân bón hữu cơ. Theo đó, phân gia cầm chứa hàm lượng cao các khoáng đa lượng N, P, K và nhiều chất vi lượng (calcium, magnesium, sulfur và các vi khoáng…).

Ở Việt Nam, phân gia cầm được sử dụng phổ biến làm phân bón rau màu và cây ăn quả, tuy nhiên, khi phân chưa được xử lý hợp lý, sẽ vẫn gây ô nhiễm cho đất và các nguồn nước và không khí. Ngoài ra, phân gia cầm có chứa vi sinh vật gây hại và ký sinh trùng, nguy cơ nhiễm mầm bệnh cho gia cầm và người. Chế phẩm vi sinh Han-Proway là thành phần vi sinh vật có lợi giúp cải tạo đất, đa dạng hệ sinh thái vi sinh vật trong đất, làm giảm các vi khuẩn gây bệnh như Salmonella; Coliform.

Cần khung chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn

TS. Nguyễn Anh Phong, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn,

TS.Nguyễn Anh Phong, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho biết nội dung về kinh tế tuần hoàn đã được văn bản hóa trong các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Anh Phong chỉ ra rằng việc áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế. Đó là, tỷ lệ thu gom, xử lý phụ phẩm nông nghiệp tạo giá trị gia tăng còn thấp, việc sử dụng phụ phẩm vẫn còn đơn giản, chưa tạo được giá trị gia tăng cao.

Khung chính sách về phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn chưa được hoàn thiện. Hiện nay, các quy định liên quan đến kinh tế tuần hoàn nói chung, nông nghiệp tuần hoàn nói riêng nằm rải rác ở các luật, nghị định khác nhau, thiếu hướng dẫn và chưa có tiêu chuẩn hóa về kinh tế tuần hoàn.

“Hiện vẫn chưa đưa ra được các quy định, các tiêu chí, tiêu chuẩn để nhận diện, đánh giá, các tiêu chuẩn về công nghệ (sinh học, kỹ thuật nuôi, chế biến) cho các mô hình kinh tế tuần hoàn trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp”, ông Phong nhấn mạnh.

Nhằm thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đưa ra nhiều kiến nghị.

Thứ nhất, cần xây dựng hành lang pháp lý và tiêu chuẩn hóa kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bà Nguyễn Quỳnh Hoa, Trưởng phòng môi trường và công nghệ chăn nuôi, Cục Chăn nuôi

Về phía Cục Chăn nuôi, bà Nguyễn Quỳnh Hoa cho hay Cục sẽ xây dựng và hoàn thiện Bộ tài liệu kỹ thuật hướng dẫn quy trình Hoàn thiện hệ thống TCVN, QCVN, quy định kỹ thuật đối với sản phẩm chế biến từ chất thải chăn nuôi.

Cục Chăn nuôi đề xuất tổ chức đào tạo tập huấn tăng cường chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp theo hướng tuần hoàn chất thải đến tổ chức, cá nhân chăn nuôi.

“Khuyến khích nghiên cứu phát triển công nghệ mới để xử lý chất thải chăn nuôi, sản xuất phân bón hữu cơ, sản xuất năng lượng tái tạo, nuôi côn trùng/sinh vật có ích để chuyển hóa chất thải thành protein làm thức ăn cho vật nuôi, phân bón hữu cơ. Tăng cường nghiên cứu phát triển và nhập khẩu công nghệ để sản xuất sản phẩm probitic, chế phẩm vi sinh, enzyme nhằm hỗ trợ tiêu hóa, tăng sức đề kháng và giúp xử lý chất thải, cải thiện môi trường chăn nuôi”, bà Hoa chia sẻ.

Ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam

Về phát triển sản phẩm hữu cơ, ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho rằng, người tiêu dùng trong nước chưa biết nhiều và hiểu nhiều về nông nghiệp hữu cơ và sản phẩm hữu cơ, do vậy chưa tồn tại, hình thành thị trường tiêu thụ tại chỗ và chưa khuyến khích các nhà sản xuất chuyển đổi từ nông nghiệp thông thường sang nông nghiệp hữu cơ.

Ngoài các chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã quy định tại Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ, các địa phương cần chủ động và cụ thể hơn trong phát triển hữu cơ tại địa phương như hỗ trợ: sản xuất phân bón hữu cơ; giống cây trồng, vật nuôi hữu cơ; phân bón, thức ăn hữu cơ, ông Hà Phúc Mịch cho hay.

Các chuyên gia cho rằng, việc chuyển đổi từ một nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có sự thay đổi cả hệ thống, trong đó phát huy vai trò của các bên liên quan gồm nhà nước và doanh nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng. Các doanh nghiệp và các trang trại, hợp tác xã đã dần hình thành các mạng lưới kết nối chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp với sự kết nối và hỗ trợ kỹ thuật đến từ các khối viện, trường, trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

Một số hình ảnh khác tại hội thảo:

PGS.TS Lê Thị Thúy, Viện trưởng Viện KHKT Chăn nuôi (Hội Chăn nuôi Việt Nam), TS Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, TS Phạm Công Thiếu, Viện trưởng Viện Chăn nuôi

 GS.TS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam trao đổi tại hội thảo

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Tăng cường kết nối doanh nghiệp

Ông Nguyễn Quang Hiếu, đại diện Công ty De Heus cho biết, chăn nuôi, trồng trọt là 2 lĩnh vực có sự hỗ trợ với nhau, nhưng mối liên hệ giữa các doanh nghiệp trong ngành còn rất lỏng lẻo. Ví dụ, ngành thức ăn chăn nuôi dùng rất nhiều tinh bột sắn để sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhưng thông tin về các nhà máy này còn  rất ít. Hay như các trang trại chăn nuôi là đối tác của De Heus có nguồn phân heo nái bán chỉ 5.000-7.000 đồng/bao và bán phân trôi nổi. Nguồn phân này đa số không kết nối doanh nghiệp để chế biến phân cung cấp cho trồng trọt. Trong khi đó, ngành trồng trọt thì lại đi nhập khẩu rất nhiều phân bón, ví dụ phân bón cho trồng dâu tây…

Các chuyên gia cho rằng, việc chuyển đổi từ một nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có sự thay đổi cả hệ thống, trong đó phát huy vai trò của các bên liên quan gồm nhà nước và doanh nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng. Các doanh nghiệp và các trang trại, hợp tác xã đã dần hình thành các mạng lưới kết nối chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp với sự kết nối và hỗ trợ kỹ thuật đến từ các khối viện, trường, trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

Nguồn: https://nhachannuoi.vn/chan-nuoi-theo-huong-huu-co-tuan-hoan-nham-nang-cao-gia-tri-va-bao-ve-moi-truong/