Trang trại gà tại huyện Tân Châu, địa phương được công nhận là vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh Cúm gia cầm và Newcastle trên gà.
Ước tính tổng đàn gia súc và gia cầm trên 10.404.000 con, gồm: 9.300 con trâu, 97.000 con bò (bằng 96% so cùng kỳ năm trước) và 398.000 con heo (bằng 159,2% so cùng kỳ); đàn gia cầm có 9.900.000 con, so cùng kỳ năm trước ước tăng 8,8%. Tổng sản lượng thịt hơi các loại 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh ta là 74.190 tấn, đạt 49,6% kế hoạch và tăng 25,5% so cùng kỳ năm 2023.
Toàn tỉnh hiện có 462 trang trại chăn nuôi gia súc, gồm: 121 trang trại chăn nuôi heo, với tổng đàn 337.251 con, chiếm 89,8% tổng đàn heo của tỉnh; 55 trang trại chăn nuôi trâu với 1.412 con, chiếm 14,9% tổng đàn trâu; 286 trang trại chăn nuôi bò với 15.981 con, chiếm 16,1% tổng đàn bò và 116 trang trại chăn nuôi gia cầm, trong đó: 80 trang trại gà với 8.005.782 con chiếm 90,9% tổng đàn gà và 36 trang trại vịt với 196.500 con chiếm 38,2% tổng đàn vịt.
Về công tác thẩm định và duy trì cơ sở an toàn dịch bệnh (ATDB), từ đầu năm đến nay, Chi cục đã tham mưu Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) cấp chứng nhận mới cho 4 cơ sở chăn nuôi gà, 2 cơ sở chăn nuôi heo, đồng thời, huyện Tân Châu được Bộ NN&PTNT công nhận đạt vùng chăn nuôi ATDB.
Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 2 huyện Dương Minh Châu, Tân Châu được chứng nhận vùng ATDB đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà; 71 cơ sở chăn nuôi gà, heo, bò được cấp giấy chứng nhận ATDB (gồm 49 cơ sở chăn nuôi gà, 21 cơ sở chăn nuôi heo, 1 cơ sở chăn nuôi bò).
Mô hình nuôi gà trên sàn theo hướng VietGAHP của nông dân xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành.
Ngoài ra, ngành chăn nuôi tỉnh đã xây dựng được 6 xã thuộc huyện Gò Dầu được chứng nhận cơ sở ATDB đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà; 9 xã của huyện Bến Cầu được chứng nhận cơ sở ATDB đối với bệnh lở mồm long móng trên bò.
Bên cạnh đó, Chi cục phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện thẩm định 31 dự án xây dựng với 54 nhà yến; nghiệm thu hoàn công 7 trang trại chăn nuôi heo, 3 trang trại chăn nuôi gà.
Thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với các địa phương tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Trong đó, đã triển khai tiêm phòng đợt 1 năm 2024 được 28.830 liều vaccine phòng bệnh lở mồm long móng; 4.560 liều vaccine phòng bệnh dại; 443.920 liều vaccine cúm gia cầm; 282.500 liều Newcastle; 800 liều vaccnie viêm da nổi cục, đồng thời, thực hiện tiêm phòng bổ sung 161.008 liều vaccine các loại trên đàn gia súc, gia cầm mới phát sinh hoặc nuôi mới.
Triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi đợt 1 năm 2024, các trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thị xã, thành phố cấp phát 2.500 lít hoá chất sát trùng cho các hộ thực hiện phun xịt khu vực chăn nuôi và các chợ buôn bán gia cầm sống với tổng diện tích 4.700.000m2.
Tiêm ngừa vaccine cho heo.
Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, không xuất hiện các ổ dịch bệnh nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng ở gia súc, bệnh tai xanh, bệnh dịch tả heo châu Phi, bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò…
Riêng bệnh dại, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 ca bệnh dại trên chó; 3 người tử vong do bệnh dại. Hiện tình hình bệnh dại diễn biến phức tạp, khó lường trên cả nước.
Trong 6 tháng cuối năm 2024, ngành Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y – thủy sản; hoạt động chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm; vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm động vật; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn và hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi nhằm ngăn chặn dịch bệnh xảy ra trên động vật.