|
  • :
  • :

Chủng ngừa bằng phương pháp phun sương vắc xin: Nhiều ưu điểm vượt trội

Chủng ngừa vắc xin cho gia cầm bằng phương pháp phun sương có nhiều ưu điểm vượt trội giúp người chăn nuôi tiết giảm chi phí, đảm bảo sức khỏe vật nuôi và hạ giá thành sản phẩm.

Làm vắc xin để chủng ngừa cho gia cầm là công đoạn vất vả, tốn kém nhiều chi phí cho người chăn nuôi; cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi. Với phương pháp chủng ngừa vắc xin truyền thống như nhỏ mắt, nhỏ mũi hay tiêm đang gặp rất nhiều vấn đề: chi phí sản xuất tăng cao, thất thoát đầu con do những sai sót trong quá trình chủng ngừa, vật nuôi bị stress làm ảnh hưởng đến quá trình miễn dịch, trình độ nhân lực không đồng đều dẫn tới việc chủng ngừa bị ảnh hưởng.

Cùng với đó, thời gian làm vắc xin kéo dài từ 1-2 giờ liên tục làm ảnh hưởng đến chất lượng vắc xin (đặc biệt là các dòng vắc xin sống). Chính những vấn đề còn tồn tại đó làm hiệu quả trong kinh tế và năng lực cạnh tranh của chăn nuôi gia cầm kém đi.

Có nhiều phương pháp chủng ngừa cho gia cầm (Ảnh: Hà Ngân)

Chủng ngừa bằng phương pháp phun sương: Vì sao còn e dè trong tiếp cận?

Hiện nay, chủng ngừa bằng phương pháp phun sương đã được nhiều quốc gia châu Âu, châu Mỹ áp dụng.

Theo TS Elroy Duran, Công ty BIOVAC (Israel) việc chủng ngừa vắc xin bằng con đường phun sương là cách hiệu quả nhất để đưa vắc xin cho gà bằng đường hô hấp. Việc phun có thể được thực hiện trong 1 ngày tuổi trong trại giống hoặc trong trang trại, và cũng có thể được thực hiện ở độ tuổi lớn hơn. Các giọt lớn hơn (hơn 10 micron) sẽ đến được đường hô hấp trên. Những giọt nhỏ hơn (kích thước khoảng 3 micron) sẽ đến được đường hô hấp dưới.

Phương pháp này có thể thực hiện tại trại ấp bằng máy phun sương dạng hộp hoặc tại trang trại nuôi với các loại thiết bị phun sương khác nhau và cho phép chủng ngừa số lượng lớn gà trong một thời gian ngắn với chi phí thấp.  Nhưng tại Việt Nam, vẫn còn có những tâm lý e dè trong việc sử dụng phương pháp này.

Thứ nhất, về dụng cụ, máy phun vắc xin chưa được đồng bộ, phổ biến và chuyên biệt. Với những máy phun chuyên nghiệp và cho hiệu quả tốt thì giá cả lại rất cao.

Thứ hai là do tâm lí chung của mọi người nghĩ rằng, dùng phương pháp phun sương gà sẽ không nhận được đủ liều vắc xin như các phương pháp đang được áp dụng nhiều như nhỏ mắt, nhỏ mũi, cho uống….

Thứ ba, để phương pháp phun sương có hiệu quả, ngoài việc có máy phun chuyên dụng, thì vấn đề con người thực hiện cũng phải được đào tạo, tập dượt và phải có kĩ thuật, kinh nghiệm phun thật tốt, mới đảm bảo được sự đồng đều và hiệu quả của vắc xin.

Thời gian gần đây, tại Việt Nam, với những cải tiến trong dụng cụ phun, cũng như kỹ thuật viên được đào tạo bài bản và vượt qua tâm lí e dè, phương pháp phun sương đã bắt đầu được bộ phận nhà chăn nuôi nước ta tiếp cận; và cho những kết quả khả quan, đặc biệt là áp dụng với việc chủng ngừa các bệnh IB và ND.

Nhân viên Công ty Cổ phần Thú y Megavet Việt Nam thực hiện phương pháp phun sương cho đàn gà (Ảnh: Hà Ngân)

Chủng ngừa bằng phun vắc xin: Lợi đủ đường!

Anh Nguyễn Tiến Đáp (thôn 4, xã Thạch Hòa, Thạch Thất, Hà Nội) đã có hàng chục năm chăn nuôi gà công nghiệp. Trang trại chăn nuôi bề thế, chia làm 2 tầng, trang bị thang máy của anh đang chăn nuôi gia công 32.000 gà trắng.

Thăm trang trại, quan sát đàn gà con tinh nghịch với đôi mắt đen lay láy, bộ lông mềm mịn, tơi xốp, anh Đáp tâm sự: trước đây, để chủng ngừa vắc xin cho đàn gà, phải thuê 6-7 nhân công, làm tích cực trong 2 ngày mới xong. Chi phí phải trả khoảng 100.000 đồng/1.000 gà tiền công. Khi làm vắc xin cho gà xong, nhiều con mệt mỏi, ăn uống giảm hẳn, ảnh hưởng đến năng suất chăn nuôi.

Kể từ đầu năm năm 2022, khi BSTY Ngô Thị Hoa (Đại lý Thuốc Thú y Hồng Hoa) kết hợp với  Công ty Cổ phần Megavet Việt Nam (Megavet) thuyết phục anh chủng ngừa cho đàn gà bằng phương pháp phun sương, anh thấy có nhiều ưu điểm vượt trội.

BSTY Ngô Thị Hoa, anh Nguyễn Tiến Đáp và anh Nguyễn Văn Diễn kiểm tra đàn gà (Ảnh: Hà Ngân)

 Cụ thể, chỉ cần bố trí 2 người lùa đàn gà vào góc tường và 1 nhân viên kỹ thuật của Megavet phun, thời gian phun chỉ hết khoảng 5-10 phút cho 1 lượt từ 2.000-3.000 gà. Sau khi phun, gà không có biểu hiện gì mệt mỏi, ăn uống tốt.  Công ty đã lấy mẫu xét nghiệm để kiểm tra kháng thể trong con gà tương đương như dùng các phương pháp khác.  Anh khẳng định: “Hiệu quả của nó cao hơn trước đây. Cảm ơn các chuyên gia của Megavet đã giúp nông dân giảm được thời gian và chi phí”.

Còn chị Đỗ Thị Tuệ (xã Thanh Bình, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) hiện nuôi 9.000 gà, đang tiến hành làm vắc xin IB, cũng được công ty Megavet hỗ trợ chủng ngừa bằng phương pháp phun sương. Chị vui mừng cho biết: “Rất tiện lợi, nhanh chóng và tiết kiệm được một khoản thuê nhân công bắt, nhỏ”.

Cùng quan điểm, anh Nguyễn Văn Thủy (Sơn Đông, Sơn Tây, Hà Nội) hiện nuôi 9.000 gà cũng khẳng định ưu thế của phương pháp chủng ngừa bằng phun sương vượt trội hẳn so với phương pháp truyền thống. Đó là được tiết giảm hẳn việc thuê nhân công và việc thực hiện nhanh chóng hơn, gà cũng không bị mệt.

BSTY Ngô Thị Hoa, chủ Đại lý thuốc thú y Hồng Hoa (Cổ Đông, Sơn Tây) đang phụ trách kỹ thuật cho 30-40 trại gia cầm thuộc nhiều tỉnh, thành. Biết đến phương pháp chủng ngừa vắc xin cho gia cầm do Công ty Megavet triển khai, chị tiến hành đưa vào các trại mà mình đang quản lý và bà con rất ưng ý vì giúp giảm chi phí, vắc xin miễn dịch tương đương với các phương pháp khác… Chị Hoa cũng cho biết thêm, hơn 10 năm hợp tác với Megavet, từ lãnh đạo tới nhân viên của công ty đều chu đáo, tận tình trong việc hỗ trợ kỹ thuật cho đại lý và các sản phẩm công ty có chất lượng cao. Chị rất yên tâm khi hợp tác với Megavet.

Đàn gà khỏe mạnh sau khi chủng ngừa bằng phương pháp phun vắc xin (Ảnh: Hà Ngân)

Anh Nguyễn Văn Diễn, đại diện kỹ thuật của Công ty Megavet Việt Nam là một trong những người đầu tiên mạnh dạn thuyết phục khách hàng và đại lý sử dụng phương pháp chủng ngừa bằng việc phun sương.

Anh cho biết, ban đầu khi chia sẻ với khách hàng về phương pháp này, có rất nhiều ý kiến phản đối: nhỏ trực tiếp mà còn chưa đồng đều, thì huống chi là phun!

Vì vậy, cũng phải mất thời gian thuyết phục khách hàng rằng, để việc nhỏ vắc xin thành công nhất liên quan đến thao tác làm, nhỏ mắt thì nó phải chớp hết mắt, nhỏ mũi thì nó phải hít hết giọt vào, nhưng không phải ai cũng có thể làm hoàn hảo như thế. Và khi làm vắc xin các bệnh hô hấp cho gà, phương pháp uống không mang lại hiệu quả cao.

Còn phương pháp phun sương dùng để tiến hành chủng ngừa các vắc-xin sống (hòa tan được trong nước), dưới dạng các hạt nhỏ, phân tán trong không khí để đến các tế bào đích trong cơ thể gà. Đây được các chuyên gia hàng đầu trên thế giới đánh giá là phương pháp hiệu quả nhất để chủng ngừa phòng bệnh ND (bệnh Newcastle) và IB (Viêm Phế quản Truyền nhiễm) thông qua kích thích hệ thống miễn dịch cục bộ trên đường hô hấp của gà. Bởi lẽ, vi-rút ND và IB xâm nhập chủ yếu qua đường hô hấp, nên cơ chế miễn dịch cục bộ sẽ là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại các bệnh này. Bên cạnh đó, phun sương cũng giúp gà có được đáp ứng miễn dịch dịch thể.

Để một lần nữa thuyết phục được khách hàng, sau khi phun vắc xin thử nghiệm anh đã lấy mẫu 3 lần đề kiểm tra kháng thể, đó là trước phun, sau khi phun và làm vắc xin lần tiếp theo. Kết quả xét nghiệm cho thấy, nếu so với phương pháp nhỏ (đúng kỹ thuật) thì hiệu quả tương đương, mà thời gian và công sức lại tiết kiệm. Cùng với đó, để biết được hiệu quả trực tiếp khi phun, khi tiến hành pha vắc xin với dung dịch phun, nhân viên kỹ thuật có đưa chỉ thị màu xanh vào dung dịch pha, chỉ cần nhìn miệng và mắt gà nếu có màu thì chứng tỏ gà đã hít vắc xin.

Anh Nguyễn Văn Diễn cũng đưa ra những con số thực tế về chi phí phun vắc xin cho các trang trại so sánh: 1 lần phun vắc xin được 2000-3000 gà, tuỳ lứa tuổi, nên chăn nuôi quy mà trang trại lớn dùng thì sẽ giảm được rất nhiều chi phí nhân công. Còn trại nhỏ thì qua l hoặc nhân viên công ty vào phun hộ, nếu làm theo phương pháp nhỏ thì 1.000 gà cần 2 người nhỏ trong khoảng 1h mới xong, và phải trả 100.000 đồng/1.000 gà tiền công.

Anh Nguyễn Văn Diễn cũng cho biết thêm, từ việc thí điểm đưa 2 máy vào phun vắc xin ở một số vùng tại miền Bắc, hiện nay Megavet đã đưa việc phun vắc xin trên cả nước và nhận được những phản hồi tích cực từ các trang trại. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả tốt, cần thiết phải có phương pháp phun và máy móc chuyên dụng.

Ngành chăn nuôi gia cầm nước ta đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt. Vì vậy, việc đưa các công nghệ mới vào chăn nuôi gia cầm để nâng cao năng suất, tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản xuất là điều quan trọng. Chủng ngừa vắc xin cho gia cầm bằng phương pháp phun sương hứa hẹn sẽ được nhân rộng ở nhiều trang trại chăn nuôi gia cầm trên cả nước, giúp ngành chăn nuôi cạnh tranh và sản xuất bền vững.

Để chủng ngừa bằng phương pháp phun sương thành công

Theo các chuyên gia của Công ty Cổ phần Megavet Việt Nam, để phương pháp phun sương có hiệu quả tốt, chúng ta phải có: máy phun chuyên biệt, con người có kĩ thuật phun tốt, lượng nước dùng để phun cũng rất quan trọng, giúp cho gà nhận được vắc xin đầy đủ và đồng đều nhất.

Con người là yếu tố hàng đầu quyết định đến sự thành công của phương pháp phun vắc xin. Trong ảnh, kỹ thuật viên Công ty Cổ phần Megavet Việt Nam đang tiến thành các thao tác pha vắc xin để chuẩn bị phun (Ảnh: Hà Ngân)

Chọn máy phun có cỡ hạt phun, tốc độ và dòng phun ổn định và phù hợp. Hiện nay Megavet đang sử dụng dòng máy phun đeo vai của Hàn Quốc khá tiện dụng: dung tích bình chứa 5 lít, cho cỡ hạt phun 30-100 Micromet rất phù hợp với cỡ hạt làm vắc xin đường hô hấp. Khoảng cách phun 3-5 mét và tốc độ dòng phun rất đồng đều. Cùng với đó, máy chạy bằng pin nên rất tiện dụng để di chuyển trong trại và độ ồn thấp nên sẽ giảm thiểu stress hay hoảng loạn cho gà khi làm vắc xin.

Người thực hành chủng ngừa vắc xin cho gia cầm phải được đào tạo, huấn luyện và phải có kinh nghiệm.

Lượng nước pha vắc xin thay đổi theo độ tuổi, số lượng của gà, đôi khi cũng thay đổi tùy theo từng người thực hiện phun vắc xin. Lượng nước được tính toán và dùng phun theo các lứa tuổi như sau: 1 ngày, 1 tuần, 2 tuần, 3 tuần… và tốt nhất là nước lạnh từ 12-18 độ C.

Lưu ý, tránh làm vắc xin vào thời điểm nóng, nên làm vào buổi sáng, giảm thông gió (tắt quạt/máy sưởi) và giảm cường độ ánh sáng (tắt đèn) đến mức thấp nhất; khởi động máy phun từ bên ngoài để gia cầm thích nghi âm thanh; duy trì tốc độ chậm, có kiểm soát, đặc biệt là khi đến gần các gần phía cuối chuồng; bật đèn và quạt trở lại trạng thái bình thường ngay sau khi làm vắc xin.

Có 3 yếu tố giúp làm vắc xin thành công: bảo quản và pha vắc xin đúng cách giúp duy trì được hiệu giá vắc xin; giảm thiểu stress cho gia cầm trong quá trình làm vắc xin; đảm bảo độ bao phủ vắc xin đồng đều trong đàn.

Vắc xin cần được bảo quản và pha ở nhiệt độ từ 2-8ºC; bảo quản trong thùng giữ nhiệt có đá; sử dụng nước cất, hoặc  là nước sạch, không có thuốc sát trùng và có pha chất đệm vắc xin.

Để giảm thiểu stress cho gia cầm cần tránh làm vắc xin vào thời điểm nắng nóng, giảm tốc độ gió (tắt quạt/máy sưởi) và giảm cường độ ánh sáng (tắt đèn) đến mức thấp nhất; khởi động máy phun từ bên ngoài để gia cầm thích nghi với âm thanh ( nếu máy phun có độ ầm cao); duy trì tốc độ chậm, có kiểm soát, đặc biệt là khi đến gần các ô phía cuối chuồng; bật đèn và quạt trở lại trạng thái bình thường sau khi làm vắc xin.

Bộ phận kỹ thuật Công ty Cổ phần Thú y Megavet Việt Nam

Nguồn: https://nhachannuoi.vn/chung-ngua-bang-phuong-phap-phun-suong-vac-xin-nhieu-uu-diem-vuot-troi/
Tin liên quan
Chưa có thông tin