|
  • :
  • :

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng chất lượng cuộc sống

Sau khi về đích huyện NTM, huyện Bình Tân tiếp tục quan tâm nâng chất các tiêu chí, trong đó huyện tập trung vận động người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế để tăng thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Huyện Bình Tân chỉ đạo phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, xây dựng mã số vùng trồng.

Huyện Bình Tân chỉ đạo phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, xây dựng mã số vùng trồng.

Xây dựng nhiều mô hình hiệu quả

Chúng tôi đến tham quan trại nuôi dê Tầm Vu ở xã Mỹ Thuận, đây là mô hình chăn nuôi dê giống chủ yếu liên kết với các dự án chăn nuôi của tỉnh để xuất bán. Anh Trần Minh Truyền quê ở xã Xuân Hiệp (Trà Ôn) cho biết, mô hình này được thực hiện từ năm 2015. Anh đến đây làm việc từ năm 2019. Lúc đầu, trại nuôi dê chỉ khoảng vài chục con.

Đến nay, có khoảng 200 con. Hiện, giá dê giống 3-4 triệu đồng/con (trọng lượng 20kg trở lên), còn dê thịt 80.000-100.000 đ/kg. Dự kiến sắp tới mô hình sẽ tiếp tục được mở rộng để đáp ứng nhu cầu cho các dự án và người chăn nuôi.

Sau khi trồng thử nghiệm mô hình khoai môn đạt hiệu quả, anh Nguyễn Thanh Hồng (ở xã Nguyễn Văn Thảnh) tiếp tục duy trì. Hiện, anh có 21 công trồng khoai môn luân canh trên đất lúa. Thông thường, trồng khoảng 4,5-5 tháng thì cho thu hoạch, năng suất khoảng 2 tấn/công, giá bán 16.000-17.000 đ/kg.

“Tới vụ thu hoạch, thương lái sẽ thỏa thuận giá cả và lo nhổ khoai luôn, chủ ruộng chỉ việc ngồi đếm tiền”- anh Hồng cười tươi.

Tại vườn sầu riêng monthong Thái rộng hơn 30 công ở xã Tân Hưng, mô hình này được chăm chút giúp cây phát triển tốt từ việc đắp mô, tạo tán cho cây và đầu tư hệ thống tưới phun tự động...

Anh Dương Văn Thành- người quản lý vườn sầu riêng, cho biết: Đến nay, cây đã hơn 4 năm tuổi, hầu hết kỹ thuật đều làm theo quy trình của người chủ. Gần đây, cây được xử lý cho trái, dự kiến khoảng tháng 4 sẽ thu hoạch.

Từ đất ruộng, ông Huỳnh Văn Quyên (xã Tân Hưng) đã chuyển dần lên 10 công vườn trồng sầu riêng Ri6. Cây cho năng suất bình quân khoảng 2 tấn/công. “Sầu riêng năm nay cho trái đạt hơn năm rồi và giá bán cũng cao hơn”- ông Quyên phấn khởi nói.

Khẳng định là người rất “mê” sầu riêng, ông Quyên cho biết: “Trồng sầu riêng mà không cưng cây thì làm không đạt nổi. Mỗi ngày tôi ra vườn thăm sầu riêng mấy lần, phải thương cây, chăm sóc cây, bón phân, tưới nước đầy đủ. Trồng cây khi còn nhỏ, mỗi lần ra cơi đọt, thấy ham lắm, ban đêm cứ xách đèn đi thăm. Đến giờ đêm nào cũng đi, nhất là lúc cây ra bông.

“Cây nuôi sống mình nên mình yêu nó, dành hết tâm trí cho nó”- ông Quyên trải lòng và cho biết: Nhờ đi thăm cây thường xuyên nên khi phát hiện có vấn đề gì (xì mủ, sâu rầy...) thì khắc phục xử lý kịp thời. Có khi tới 10-11 giờ đêm vẫn còn ở ngoài vườn vì thấy ham cứ lội thăm cây, bởi “cưng cây thì cây cho mình thành quả”.

Giúp dân nâng cao thu nhập

Theo UBND xã Tân Hưng, toàn xã có 746,4ha trồng cây lâu năm. Trong đó, 149ha trồng sầu riêng. Trong số này, ấp Hưng Lợi có diện tích trồng sầu riêng nhiều nhất xã với gần 90ha. Ngoài ứng dụng hệ thống tưới phun tự động, nông dân còn chú trọng sản xuất theo chuẩn VietGAP. Hiện, cây sầu riêng đang đem lại thu nhập khá cho nông hộ.

Năm 2023, ngân sách huyện và xã đã hỗ trợ cho người dân xã Tân Hưng đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế. Nhờ làm ăn hiệu quả, nên thu nhập của người dân ngày càng nâng lên. Qua thẩm định, thu nhập bình quân đầu của xã đạt 68,16 triệu đồng/năm, được Cục Thống kê tỉnh công nhận đạt tiêu chí thu nhập trong xây dựng xã NTM
nâng cao.

Trong năm qua, huyện Bình Tân đã tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng; đưa cây màu xuống ruộng, cải tạo vườn tạp sang trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao;

từng bước sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng lợi nhuận cho người dân; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản theo hướng công nghiệp; thực hiện tốt công tác tiêm phòng, kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi, góp phần nâng tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước đạt trên 2.697 tỷ đồng, tăng gần 3,2% so cùng kỳ.

Ông Nguyễn Văn Tập- Chủ tịch UBND huyện Bình Tân, cho biết, để giúp người dân phát triển sản xuất- kinh doanh và nâng cao chất lượng cuộc sống, huyện đã thực hiện tốt công tác quy hoạch và công khai quy hoạch để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân mạnh dạn đầu tư trên địa bàn; tăng cường cải cách hành chính, phối hợp tốt với các sở, ban, ngành tỉnh để giải quyết kịp thời các thủ tục liên quan đến dự án đầu tư.

Cùng với đó, huyện quan tâm đầu tư nâng cấp các công trình giao thông, nâng cấp cảnh quan môi trường trung tâm đô thị Tân Quới để thu hút các ngành dịch vụ thương mại phát triển.

Lãnh đạo tỉnh, huyện tham quan mô hình nuôi dê giống tại xã Mỹ Thuận.

Lãnh đạo tỉnh, huyện tham quan mô hình nuôi dê giống tại xã Mỹ Thuận.

Bên cạnh, huyện triển khai kịp thời các chính sách khuyến công để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, “hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP để tạo điều kiện thuận lợi quảng bá liên kết tiêu thụ sản phẩm trên thị trường”- ông Nguyễn Văn Tập cho hay.

Huyện Bình Tân đã tập trung chỉ đạo ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, xây dựng mã số vùng trồng, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng giá trị cạnh tranh trên thị trường, mang lại lợi nhuận cho người dân. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện tốt các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả kinh tế được duy trì nhiều năm. Trong đó, nổi bật nhất là 4 mô hình có thể duy trì nhân rộng trong thời gian tới là: Mô hình chăn nuôi dê giống tại xã Mỹ Thuận; mô hình canh tác dưa lưới trong nhà màng tại xã Tân Thành; mô hình ứng dụng hệ thống tưới tự động trong canh tác trên cây sầu riêng tại xã Tân Hưng và mô hình trồng khoai môn luân canh trên đất lúa tại xã Nguyễn Văn Thảnh.

Nguồn: https://baovinhlong.com.vn/kinh-te/202401/chuyen-dich-co-cau-kinh-te-nang-chat-luong-cuoc-song-3179134/