|
  • :
  • :

Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, ngành nông nghiệp thời gian tới phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị.

Xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (ảnh) có chia sẻ với phóng viên Báo Hậu Giang.

Thưa Bộ trưởng, Quy hoạch vùng ĐBSCL vừa được công bố, từ quy hoạch này ngành nông nghiệp sẽ có những định hướng như thế nào để chuyển đổi và phát triển bền vững ?

- Quy hoạch tích hợp ĐBSCL được Thủ tướng phê duyệt và đã được công bố gần đây, chỉ mới là bước để khởi đầu. Chúng ta còn những bước tiếp theo. Đó là tích hợp, chứ thật ra mỗi ngành, mỗi lĩnh vực cũng phải tiếp tục cụ thể hóa quy hoạch từ bản tích hợp đó. Sẽ cụ thể hóa cho từng ngành, từng lĩnh vực và từng địa phương. Tất nhiên trong quá trình đó, phải dung hòa giữa tích hợp vùng và địa phương; giữa quy hoạch vùng với ngành và lĩnh vực, ngược lại giữa ngành và lĩnh vực cũng nhìn về quy hoạch tích hợp và 13 tỉnh, mỗi tỉnh cũng nhìn vào quy hoạch tích hợp đó. Như vậy, tư duy quy hoạch tích hợp và sự phát triển thật sự quy hoạch tích hợp đó là bản quy hoạch về không gian phát triển cho cả vùng. Trước chúng ta đi theo quy hoạch từng ngành, từng lĩnh vực riêng, từng địa phương riêng lẻ. Thì quy hoạch tích hợp đó, chúng ta định hình ĐBSCL là một không gian phát triển chung mà không gian phát triển chung đó không bị cắt bởi địa giới hành chính của từng tỉnh. Không bị cắt một cách tuyệt đối giữa ngành này với ngành kia, giữa lĩnh vực này với lĩnh vực kia.

Nông nghiệp hiện nay phải chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế.

Trong tư duy phát triển, bao giờ cũng gắn ngành này với lĩnh vực kia để tạo ra giá trị mới. Nếu từng đơn ngành, phát triển dựa trên đơn ngành, phát triển dựa trên một địa phương nhỏ thì không đủ một quy mô để tạo ra nguồn lực phát triển, không đủ một quy mô để chúng ta tạo ra những giá trị thì đó là ý nghĩa của quy hoạch tích hợp. Tuy nhiên, nó cũng đòi hỏi một mô hình quản trị cho cả vùng này. Bởi vì bản quy hoạch đó, nếu không có sự quản trị tốt, các địa phương không ngồi với nhau, các ngành, các lĩnh vực không ngồi với nhau thì giá trị của quy hoạch tích hợp đó sẽ không cao, không đáp ứng đúng kỳ vọng của tư duy quản trị, tích hợp.

Có thể thấy, thời gian qua nông nghiệp ĐBSCL có phát triển nhưng chưa liên kết với các ngành khác và cần phải kết hợp với công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Với góc độ, người đứng đầu ngành nông nghiệp, xin Bộ trưởng cho biết định hình sắp tới như thế nào ?

- Thực ra Nghị quyết Trung ương vừa rồi cũng như Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cũng đã định hướng điều đó rồi. Nông nghiệp là nền tảng để phát triển công nghiệp chế biến và thương mại - dịch vụ. Nông nghiệp không phát triển một mình mà nó tạo điều kiện để công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ phát triển và ngược lại. Ở chiều nào đó, thương mại, dịch vụ, công nghiệp chế biến phát triển thì mới giúp giải quyết đầu ra của nông nghiệp. Thành ra, một chuỗi giá trị bắt đầu là nông nghiệp nhưng kết thúc ở thương mại, dịch vụ và đoạn giữa là chế biến, đa dạng hóa các sản phẩm. Phải tăng trưởng dựa trên nâng cao giá trị, thông qua chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị.

Nhưng cũng rất nhiều lý do, tư duy nó chưa thẩm thấu được, sức ì quán tính và có thể kể cả về chính sách chưa cuốn người ta theo dòng tư duy mới, tư duy phát triển mới. Nông dân vẫn theo tư duy sản xuất, một phần doanh nghiệp vẫn theo tư duy sản xuất mà giờ phải chuyển đổi, mang tính chất hệ thống. Ở một chiều nhất định nào đó thì cần phải có những cơ chế, chính sách để chúng ta chuyển hướng. Nếu ngày xưa sản lượng thì chúng ta có cơ chế chính sách cho tư duy sản lượng. Còn nếu khi chuyển qua kinh tế thì chúng ta phải có cơ chế, chính sách, có một mô hình chuyển đổi cho phù hợp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Văn phòng điều phối trong nông nghiệp cũng như là nông thôn ở Cần Thơ. Mong muốn sẽ kết nối để tạo ra được chuỗi giá trị mới qua những mô hình thực tiễn của từng địa phương. Đâu đó đã xuất hiện nhưng nó còn rời rạc, nếu chúng ta kích hoạt được tất cả những điểm sáng mà nó đang rời rạc đó thì nó sẽ tạo ra được giá trị mới.

Thông qua Văn phòng điều phối muốn thu hút những ý tưởng từ các chuyên gia, nhà khoa học để giúp cho Bộ nhìn sức sống đồng bằng hay nhìn điểm nghẽn đồng bằng ở chỗ nào để chúng ta vượt qua. Nếu chúng ta vẫn tư duy sản lượng năm nay là bao nhiêu héc-ta, bao nhiêu tấn lúa, bao nhiêu diện tích mặt nước, bao nhiêu con tôm, bao nhiêu con cá thì chúng ta lại như các chuyên gia nói nó trở thành vòng xoáy, không thoát ra được. Thật ra có nhiều điểm sáng nhưng nhiều khi quá nhiều điểm sáng nó lại xung đột nhau. Có thể tỉnh này xung đột tỉnh kia, những ao nuôi tôm của trang trại này có thể gây ô nhiễm cho một trang trại khác. Đó là cái mà chúng ta chưa tích hợp được trên một không gian sản xuất. Chứ chưa nói đến trong không gian sản xuất đó chúng ta có thể trồng nhiều giá trị lên đó, giá trị văn hóa, giá trị xã hội, giá trị du lịch, nông nghiệp, nông thôn, nó sẽ tạo ra được giá trị rất mới. Những giá trị đó mới là giá trị mà chúng ta thấy rằng chúng ta khai thác hoài nó còn dư địa để chúng ta khai thác, bởi vì đất đai chúng ta không còn dư địa nữa, một ngày nào đó nó sẽ còn teo tóp hơn nữa.

Theo quy luật phát triển thì các địa phương chắc chắn dành đất cho hạ tầng, dành đất cho công nghiệp, dành đất cho đô thị. Chúng ta phải phát triển dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trên sự tích hợp của những giá trị lẫn nhau, để những giá trị đó không phải là con số cộng của những ngành, lĩnh vực lại với nhau nữa mà nó là cấp số nhân để bù lại tài nguyên hữu hình là đất đai và mặt nước.

Với tư duy và tầm nhìn mới mà ngành nông nghiệp đã đặt ra thì cần nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ra sao, thưa Bộ trưởng ?

- Thật ra từ mắc xích đó nó sẽ ra. Thí dụ, tư duy sản lượng, sản xuất nông nghiệp đơn ngành, người nông dân trồng lúa chúng ta thấy ngay rõ ràng nhất thôi. Nếu chỉ tư duy sản lượng, tạo ra được sản lượng thu hoạch, bán ra cho thương lái thì thật ra cũng không cần một nguồn nhân lực gì nhiều, bởi vì bà con nông dân mình xuống giống, lâu lâu đi ra thăm đồng, rồi đến mùa thu hoạch, thương lái đến chở đi rồi. Nhưng khi chúng ta biến ngành lúa gạo trở thành chuỗi ngành hàng, nó không chỉ là lúa, gạo sau đó là những sản phẩm sau gạo là bột chẳng hạn. Rồi sản phẩm sau bột là bánh, những sản phẩm chế biến khác rồi nó sẽ trở thành chuỗi ngành hàng, chính những chuỗi ngành hàng đó sẽ tạo ra việc làm. Lúc đó còn bao bì, đóng gói, thương mại điện tử, chuyển đổi số…, lúc đó rõ ràng nó không chỉ là phát triển kinh tế không mà câu chuyện giống như các bản báo cáo của các chuyên gia vấn đề việc làm cho người đồng bằng. Khi chúng ta đưa vào chuỗi ngành hàng đó thì sẽ có nguồn nhân lực đáp ứng, chính người đồng bằng chúng ta thông qua những cơ sở giáo dục, đào tạo mình sẽ đáp ứng được chuỗi ngành hàng… thì nó không phải là vấn đề kinh tế không mà nó là vấn đề xã hội, bởi vì nguồn nhân lực là xã hội, sẽ tạo ra sức sống mới cho đồng bằng.

Xin cảm ơn Bộ trưởng !

NGUYÊN TOÀN thực hiện

Nguồn: http://baohaugiang.com.vn/nong-nghiep-nong-thon/chuyen-tu-tu-duy-san-xuat-nong-nghiep-sang-kinh-te-nong-nghiep-113806.html