|
  • :
  • :

Cơ giới hóa sản xuất hướng đến “nông nghiệp chính xác”

Việc sử dụng máy móc, thiết bị, công nghệ để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu, hướng đến nền “nông nghiệp chính xác”.

 

Cơ giới hóa đồng bộ không chỉ là máy móc, mà toàn bộ quá trình ở các khâu sản xuất.

Nhiều lợi ích

Tiến sĩ Cao Đức Phát, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), nhận định: “Phát triển công nghệ, đặc biệt là cơ giới hóa góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo, giảm phát thải khí nhà kính, tạo nền tảng cho một ngành lúa gạo vững mạnh. Bên cạnh đó, còn đảm bảo sức khỏe và an toàn của người nông dân, tăng thu nhập, tạo việc làm cho người lao động và hiệu quả sử dụng đầu vào”.

Đồng quan điểm này, ông Alongkorn Ponlaboot, cố vấn cấp cao của Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan, cho rằng: Cơ giới hóa đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp bền vững là vấn đề cấp thiết ở các quốc gia. Agritechnica Asia Live 2022 giúp nông dân tiếp cận nhanh chóng và hiệu quả với các công nghệ và máy móc hiện đại, giúp việc thu hoạch, canh tác bền vững.

Nông dân quen dần với các cách thức canh tác mới, áp dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng.

“Thái Lan đã triển khai công nghệ “nông nghiệp chính xác” bằng cách ứng dụng công nghệ 4.0, công nghệ số, xúc tiến thương mại điện tử và hỗ trợ sản xuất. Hiện tại nông nghiệp của hai nước Việt Nam và Thái Lan đang trên đà phát triển, đây sẽ là cơ hội đẩy mạnh hợp tác hướng đến giảm thiểu các tác động về mất an ninh lương thực, thiên tai”, ông Alongkorn Ponlaboot cho hay.

Còn theo ông Bernd Koch, Giám đốc điều hành Hiệp hội nông nghiệp Đức (DLG) thì Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong sản xuất lương thực ở khu vực Đông Nam Á nói riêng và toàn thế giới nói chung. Vì thế, việc ứng dụng cơ giới hóa sẽ tạo nên bước phát triển mới trong sản xuất nông nghiệp vốn đã quen với cách làm thủ công nhiều năm về trước.

“Chúng tôi nhận thấy Chính phủ Việt Nam rất quan tâm phát triển cơ giới hóa, đẩy mạnh sản xuất, chế biến nông nghiệp, đầu tư vào đào tạo nhân lực. Từ những cuộc triển lãm, người nông dân sẽ có cơ hội tiếp cận, trải nghiệm và tìm kiếm các giải pháp hữu ích cho sản xuất của mình”, ông Bernd Koch bày tỏ.

Có thể thấy, với nông nghiệp Việt Nam nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng, việc ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp không chỉ là giải pháp riêng lẻ hay gắn với một công đoạn riêng biệt nào mà phải đồng bộ cho hầu hết các công đoạn sản xuất, là cơ sở để tạo dựng, phát triển các chuỗi giá trị nông sản bền vững. Chuỗi giá trị này cần có sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân.

Chính sách đẩy mạnh cơ giới hóa

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, từ hình tượng truyền thống “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, đến những chiếc máy gặt đập liên hợp, máy bón phân, máy gieo sạ xuất hiện trên những cánh đồng nhờ ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất. Theo đánh giá thì nền nông nghiệp nước ta đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, từ cách thức, tập quán sản xuất đến tư duy tiếp cận mô hình tăng trưởng và phát triển mới.

“Cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới được Chính phủ quan tâm, ban hành và xem xét nhiều chính sách hỗ trợ như: Chính sách tín dụng, hỗ trợ nông dân mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp; chính sách miễn thuế giá trị gia tăng đối với việc nhập máy, thiết bị chuyên dụng… Các hoạt động huấn luyện, đào tạo lao động sử dụng máy móc, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp, cải tạo hạ tầng đồng ruộng, cơ sở nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm được chú trọng”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, theo tiến trình phát triển công nghệ trong nông nghiệp, cơ giới hóa nông nghiệp không chỉ thiên về mục tiêu năng suất, sản lượng, mà hướng đến “nông nghiệp chính xác”, nâng cao chất lượng, giá trị cho nông sản, giảm chi phí theo tư duy ít hơn để được nhiều hơn.

Với “nông nghiệp chính xác” trên cơ sở ứng dụng cơ giới hóa, giúp nông dân giảm chi phí, tăng khả năng tiếp cận thị trường, khả năng chống chịu, tăng khả năng tiếp cận của nông hộ nhỏ. Qua đó, tạo điều kiện giới thiệu sản phẩm mới, tạo cơ hội việc làm tại nông thôn, nâng cao lợi ích của người tiêu dùng.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp trăn trở khi hiện nay, cơ hội và khả năng tiếp cận thành tựu cơ giới hóa của nông dân, các hợp tác xã nông nghiệp là trở ngại không nhỏ. Vì vậy, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, mô hình hoạt động hiệu quả của các trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, với giải pháp mang tính “kinh tế chia sẻ”, cung cấp dịch vụ cho thuê các loại máy móc nông nghiệp, là gợi ý đáng tham khảo. Qua đó, bà con nông dân hoặc nông hộ có quy mô đất đai nhỏ, có thể tham gia để tiết kiệm chi phí, dành nguồn lực tài chính cho các khâu sản xuất khác.

Bên cạnh đó, định hướng “tri thức hóa nông dân” cũng được Bộ trưởng nêu ra, có thể kết hợp với các chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ. Nhất là các công nghệ thông minh, công nghệ chính xác và bảo vệ môi trường cho người sử dụng máy, thiết bị trong sản xuất nông nghiệp.

Có thể thấy, nhiều yếu tố để tạo ra lợi thế cho ngành nông nghiệp và đẩy mạnh cơ giới hóa sẽ giúp phát huy mạnh mẽ những tiềm năng này. Đây là cơ sở để tạo dựng, phát triển các chuỗi ngành hàng nông sản bền vững, có sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp, HTX và nông dân... phù hợp với nội dung mang tính chiến lược trong nhiều chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước ta về thúc đẩy cơ giới hóa và nông nghiệp số để chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bền vững.

Nguồn: http://baohaugiang.com.vn/nong-nghiep-nong-thon/co-gioi-hoa-san-xuat-huong-den-nong-nghiep-chinh-xac-114318.html