|
  • :
  • :

Cơ hội cho ngành thủy sản bứt phá

Xuất khẩu thủy sản đạt mức tăng trưởng ấn tượng những tháng đầu năm đã mở ra nhiều cơ hội cho ngành thủy sản, đặc biệt là ngành tôm bứt phá từ đây đến cuối năm.

Những tháng cuối năm là cơ hội của ngành thủy sản tăng tốc.

Tín hiệu tích cực

Công ty Cổ phần thủy sản Minh Phú Hậu Giang cho hay, tình hình xuất khẩu của đơn vị những tháng đầu năm nay đang có bước khởi sắc. Tính riêng 5 tháng đầu năm, doanh thu xuất khẩu đạt gần 80 triệu USD. Đơn vị quyết tâm phấn đấu xây dựng phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch cụ thể cho năm 2024 với sản lượng sản xuất 27.000 tấn; doanh thu xuất khẩu 270 triệu USD. Tuy nhiên, với tình hình chung ngành thủy sản Việt Nam cũng như việc xuất nhập khẩu, doanh nghiệp cũng đang gặp nhiều sự cạnh tranh so với một số đất nước như: Ecuador, Ấn Độ. Đây là sự cạnh tranh gay gắt, khốc liệt của toàn ngành.

Ông Vũ Minh Đức, Giám đốc nhân sự, Công ty Cổ phần thủy sản Minh Phú Hậu Giang, chia sẻ: “Về đơn hàng, chúng tôi tăng trưởng tốt. Riêng trong tháng 6, đơn vị có những hợp đồng ký kỷ lục. Với tình hình khó khăn trong cạnh tranh như hiện nay, việc ký được những hợp đồng như thế này là dấu hiệu rất mừng. Vì đối với sản lượng tôm, chất lượng tôm Việt Nam vẫn còn được thế giới, được khách hàng đồng thuận, chỉ cần giảm một ít giá là có thể bán được. Định hướng của tập đoàn năm nay có số lợi nhuận của toàn tập đoàn trên 1.300 tỉ đồng”.

Các doanh nghiệp thủy sản cần nắm bắt cơ hội từ phía một số thị trường mới nổi.

Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 7 năm nay, xuất khẩu thủy sản nước ta đạt trên 885 triệu USD, mức tăng trưởng cao nhất từ đầu năm đến nay, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 5,28 tỉ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu tôm tăng 11%, cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong 7 tháng đầu năm. Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc và EU tăng lần lượt 24% và 32%, trong khi xuất khẩu sang Mỹ tăng 9%, sang Nhật Bản tăng 4%.

Tính tới cuối tháng 7, lũy kế xuất khẩu tôm đạt gần 2 tỉ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau tôm thì cá tra là mặt hàng xuất khẩu tiếp theo có tín hiệu khởi sắc khi đã tăng 23% trong tháng 7. Trong đó, xuất khẩu sang tất cả các thị trường chính đều tăng trưởng từ 20-40%, trừ thị trường EU tăng nhẹ 5%. Lũy kế 7 tháng đầu năm xuất khẩu cá tra đạt hơn 1 tỉ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc vẫn là thị trường mục tiêu số 1 của cá tra Việt Nam, với giá trị 317 triệu USD, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Cũng theo VASEP, top 4 thị trường xuất khẩu thủy sản chính của Việt Nam có dấu hiệu hồi phục nhu cầu rõ rệt trong tháng 7 gồm: Trung Quốc và Hồng Công (Trung Quốc), Mỹ, Nhật Bản và EU. VASEP kỳ vọng năm nay tình hình xuất khẩu sẽ ổn định đúng chu kỳ thông thường, tăng tốc vào quý III và quý IV. VASEP cũng dự báo kim ngạch xuất khẩu sẽ cao hơn khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2023, đạt trên 5,5 tỉ USD, đưa kết quả cả năm 2024 tới gần 10 tỉ USD, tăng 12% so với năm 2023.

Tận dụng tối đa lợi thế

Chia sẻ tại hội nghị về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế diễn ra vào tối ngày 18-7 vừa qua, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, khẳng định: “Kế hoạch năm nay xuất khẩu thủy sản 10 tỉ USD thì đến hết tháng 6 đang 4,4 tỉ USD. Có rất nhiều nỗ lực nhưng cũng có một số áp lực. Hiện nay, tôm vẫn là mặt hàng chủ lực của Việt Nam. 6 tháng qua là 1,6 tỉ USD, tăng khoảng 6% so với năm ngoái.

Dự báo về triển vọng thị trường nửa cuối năm 2024, các doanh nghiệp cho rằng xuất khẩu thủy sản sẽ tăng mạnh hơn do nhu cầu lễ, tết. Đặc biệt, các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, không kháng sinh sẽ được ưa chuộng. Tuy nhiên, VASEP cũng cảnh báo ngành thủy sản vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, chia sẻ: “Mặt hàng tôm đang đối diện với 2 thách thức khá lớn. Thứ nhất, đó là vấn đề dịch bệnh. Áp lực thứ hai, ở phương diện thị trường, đầu năm đến nay, tôm của Ecuador đang tràn sang các thị trường chúng ta đang có lợi thế. Bởi vì, Ecuador có lợi thế về phát triển nuôi tôm rất mạnh mẽ và giá thành thấp. Chúng ta có ưu việt về mặt hàng giá trị gia tăng và công nghệ chế biến cao hơn hẳn nhưng rõ ràng, chúng ta đang có áp lực ở hầu hết khu vực thị trường mà chúng ta có lợi thế như: khu vực châu Âu, Nhật Bản, Úc...”.

Khó khăn là vậy, tuy nhiên, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp thủy sản phải bình tĩnh và tiếp tục có những biện pháp tiết kiệm chi phí cũng như nắm bắt cơ hội từ phía một số thị trường mới nổi, như thị trường Nam Mỹ, thị trường khu vực Trung Đông, để trên cơ sở đó có thể cân bằng nhu cầu thị trường.

Dù các thị trường đang có nhu cầu lớn nhưng không vì thế mà các doanh nghiệp chủ quan, mà cần chủ động tăng sức cạnh tranh và tận dụng tối đa các lợi thế, đặc biệt là đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng. Chỉ khi làm được như vậy mới có thể duy trì được đà tăng trưởng cho ngành, góp phần đạt mục tiêu xuất khẩu thủy sản của năm nay.

Nguồn: http://baohaugiang.com.vn/kinh-te/co-hoi-cho-nganh-thuy-san-but-pha-134678.html