|
  • :
  • :

Cơ hội mới cho khoai lang Bình Tân

Ngày 19/4, tỉnh Vĩnh Long thực hiện lễ công bố xuất khẩu lô khoai lang đầu tiên của Việt Nam sang Trung Quốc. Đây là sự kiện quan trọng, góp phần thúc đẩy nông dân tỉnh Vĩnh Long, nông dân trồng khoai ở ĐBSCL và các vùng trồng khoai trong cả nước nói chung mạnh dạn đầu tư, khôi phục lại ngành hàng khoai lang.

Nông dân trồng khoai lang đã và đang từng bước thay đổi phương thức canh tác theo hướng chất lượng, an toàn.  Ảnh: DƯƠNG THU

Nông dân trồng khoai lang đã và đang từng bước thay đổi phương thức canh tác theo hướng chất lượng, an toàn. Ảnh: DƯƠNG THU

Nâng cao hiệu quả, nâng giá trị khoai lang

Huyện Bình Tân có diện tích khoai lang lớn nhất ĐBSCL, hơn 10.000 ha/năm, sản lượng trung bình trên 300.000 tấn/năm.

Thực hiện Nghị định thư quy định về kiểm dịch thực vật đối với khoai lang của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc là một trong những điều kiện để sản phẩm khoai lang của cả nước nói chung và của huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long nói riêng được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.

Hiện tỉnh Vĩnh Long có 27 mã số vùng trồng và 3 cơ sở đóng gói đáp ứng được yêu cầu của phía Trung Quốc.

Theo ông Lê Văn Thiệt- Phó Cục trưởng Cục BVTV, trong những năm gần đây, nhóm hàng nông lâm thủy sản ngày càng đóng vai trò quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc.

Dự báo trong thời gian tới, đây vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu quan trọng của nông lâm thủy sản nước ta, đặc biệt là mặt hàng rau quả.

Bên cạnh các mặt hàng trái cây tươi thì khoai lang là loại nông sản có tiềm năng rất lớn đối với thị trường Trung Quốc.

Đây là cơ hội để tổ chức phát triển ngành hàng khoai lang của Việt Nam theo hướng hiện đại, chất lượng, an toàn, bền vững.

Đây là cơ hội để tổ chức phát triển ngành hàng khoai lang của Việt Nam theo hướng hiện đại, chất lượng, an toàn, bền vững.

Từ năm 2018, Bộ Nông nghiệp-PTNT đã xác định được thị trường Trung Quốc là một thị trường lớn có nhu cầu rất cao đối với khoai lang vì vậy đã giao cho Cục BVTV thực hiện việc đàm phán với phía Trung Quốc để mở cửa cho khoai lang của Việt Nam.

Sau nhiều lần đàm phán, đến khoảng giữa tháng 11/2022, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã tiến hành kiểm tra online đối với 3 vùng trồng và 3 cơ sở đóng gói khoai lang của Việt Nam.

Ngay sau đó, Bộ Nông nghiệp-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với sản phẩm khoai lang của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc vào ngày 9/11/2022.

Điều này đồng nghĩa với mặt hàng khoai lang của Việt Nam đã chính thức được phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường tỷ dân.

Ông Nguyễn Văn Liệt- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng: “Việc Vĩnh Long được tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô khoai lang đầu tiên theo Nghị định thư đã chứng minh chất lượng sản phẩm khoai lang của tỉnh Vĩnh Long đã được nâng lên đạt theo yêu cầu của phía hải quan Trung Quốc.

Đây là cơ hội để tổ chức phát triển ngành hàng khoai lang của Việt Nam theo hướng hiện đại, chất lượng, an toàn, bền vững và liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ. Từ đó, nâng cao hiệu quả và nâng tầm giá trị khoai lang của Việt Nam trên trường quốc tế”.

Vượt qua thách thức và nắm bắt cơ hội

Theo ông Nguyễn Văn Liệt, việc khoai lang xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc cũng là thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp và người sản xuất khoai lang, bởi vì các nội dung của Nghị định thư thực chất là các yêu cầu kỹ thuật buộc bên sản xuất, đóng gói và xuất khẩu phải tuân thủ và trải qua rất nhiều khâu kiểm tra của cơ quan chuyên môn hai nước, đáp ứng được yêu cầu về kiểm soát sinh vật gây hại, an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng thuốc BVTV vượt mức cho phép; thực hiện đúng quy cách về đóng gói, đảm bảo truy xuất nguồn gốc chính xác.

“Đây mới là chuyến hàng khoai lang đầu tiên và để khoai lang của Vĩnh Long tiếp tục được liên kết tiêu thụ sang thị trường Trung Quốc, cũng như các thị trường khác, tôi đề nghị ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp- PTNT, các doanh nghiệp và chính quyền địa phương đẩy mạnh việc xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất, tăng cường tuyên truyền hướng dẫn nông dân thực hiện.

Khoai lang có thể trở thành cứu cánh, giúp tăng tốc xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp trong quý II.

Khoai lang có thể trở thành cứu cánh, giúp tăng tốc xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp trong quý II.

Về phía nông dân, tôi đề nghị người sản xuất khoai lang tích cực tham gia xây dựng mã số vùng trồng, thực hiện chế độ canh tác theo quy trình hướng dẫn và phối hợp liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp từ khâu trồng, chăm sóc và tiêu thụ khoai lang”, ông Nguyễn Văn Liệt đề nghị.

Ông Lê Văn Thiệt cho biết: Thời gian qua, Cục BVTV luôn đồng hành, hướng dẫn cơ quan chuyên môn tại địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến, tổ chức sản xuất khoai lang sao cho bài bản, bền vững. Đồng thời, đáp ứng về vệ sinh, an toàn thực phẩm như phía bạn yêu cầu.

Trong đó, đặc biệt là không nhiễm các đối tượng sinh vật gây hại mà Trung Quốc quan tâm. Đây không phải nhiệm vụ một sớm một chiều mà cần được thực hiện liên tục, tránh những sơ suất không đáng, có thể dẫn đến hệ lụy cho cả ngành hàng.

“Đạt được thỏa thuận xuất khẩu khoai lang hay bất cứ nông sản nào ra nước ngoài, đó vừa là thời cơ vừa là thách thức cho những người làm nông nghiệp.

Trong bối cảnh nhiều mặt hàng xuất khẩu chính của ngành có giá trị giảm so với cùng kỳ năm trước, khiến giá trị kim ngạch xuất khẩu quý I ước đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4%, khoai lang có thể trở thành cứu cánh, giúp toàn ngành tăng tốc trở lại trong quý II”, ông Lê Văn Thiệt khẳng định.

Là 1 trong 3 doanh nghiệp có lô hàng xuất khẩu khoai lang đầu tiên sang Trung Quốc, bà Nguyễn Ngọc Phương Thảo- Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Song Toàn Phát, cho biết: Lần này công ty xuất khẩu 28 tấn khoai lang. Thị trường Trung Quốc là thị trường rất lớn và tiêu thụ tốt, doanh nghiệp đặt kỳ vọng vào khoai lang Bình Tân nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung đến thị trường Trung Quốc.

Từ trước đến nay, khoai lang Bình Tân được đánh giá cao, có chất lượng ngon, được thị trường Trung Quốc đón nhận. Tuy nhiên, hiện nay thị trường Trung Quốc không còn dễ tính như trước. Do đó, doanh nghiệp đóng gói phải tuân thủ những quy định của Trung Quốc và nông dân vùng trồng phải thật sự nghiêm túc trong việc ghi chép sổ sách, nhật ký canh tác, đảm bảo dư lượng thuốc trừ sâu,… ngành chức năng địa phương phải tăng cường tuyên truyền tập huấn từ doanh nghiệp đến nông dân phải tuân thủ các quy định để xuất khẩu”.

Nguồn: https://baovinhlong.com.vn/kinh-te/202304/co-hoi-moi-cho-khoai-lang-binh-tan-3164020/