Sự kiện đã thu hút gần 100 đại diện từ các doanh nghiệp chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất vắc xin, thuốc thú y và chế phẩm sinh học: Avac, Reber Genetics, Cargill, CP, Greenfeed, Sunjin Vina, Japfa…); các thầy, cô giảng viên đến từ nhiều trường đại học: Trường Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh; Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh; Đại học Công nghệ Tp. Hồ Chí Minh; Trường Đại học Nebraska Lincoln.
Tại hội thảo “Vắc xin thú y: công nghệ sản xuất và ứng dụng”, các diễn giả đã trình bày xoay quanh nhiều chủ đề từ khái quát đến áp dụng thực tế như: (1) Cập nhật bệnh do virus quan trọng và mới nổi trên heo và vắc xin phòng bệnh – PGS.TS. Đỗ Tiến Duy (Trường Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh); (2) Nguyên tắc cơ bản trong công tác phát triển vắc xin virus thú y – PGS.TS. Vũ Lại Xuân Hiệp (Trường Đại học Nebraska Lincoln); (3) Đáp ứng miễn dịch của heo với vắc xin phòng bệnh dịch tả heo châu phi AVAC ASF Live – TS. Nguyễn Văn Điệp (Tổng Giám đốc công ty cổ phần Avac Việt Nam); (4) Vắc xin vi rút nhược độc và bất hoạt: Phương pháp sản xuất và cơ chế kích thích miễn dịch – TS. Đinh Xuân Phát (Trường Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh); (5) Vắc xin thế hệ mới: Ưu điểm và nhược điểm – TS. Frank Chia-Jung Chang, Trưởng phòng Nghiên cứu và phát triển, công ty Reber Genetics (Đài Loan); (6) Vai trò của miễn dịch bẩm sinh đối với công nghệ sản xuất vắc xin hiện đại – PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hoài (Đại học Quốc gia Tp. HCM); (7) Công nghệ sản xuất vắc xin vi khuẩn hiện tại – PGS. Nguyễn Đức Hoàng (Đại học Công nghệ Tp.HCM); (8) Sử dụng và thử nghiệm vắc xin thú y trên trang trại – hướng dẫn và trao đổi ý kiến cùng chuyên gia (thảo luận).
TS. Nguyễn Văn Điệp – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam trình bày tại hội thảo
Theo TS. Nguyễn Văn Điệp, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam: trong nhiều năm gần đây ngành Chăn nuôi – Thú y đối mặt với không ít khó khăn về dịch bệnh trên vật nuôi. Điều này đặt ra nhiều thách thức và cơ hội để các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu khoa học áp dụng các công trình nghiên cứu, các thử nghiệm vào sản xuất thuốc, vắc xin phòng và điều trị bệnh cho vật nuôi. Bên cạnh đó nhu cầu hợp tác trao đổi kinh nghiệm, chuyên môn giữa các doanh nghiệp, các nhà khoa học và người dân chăn nuôi là rất lớn.
Đặc biệt, TS. Nguyễn Văn Điệp đã có bài trình bày với chủ đề: “Đáp ứng miễn dịch của heo với vắc xin AVAC ASF Live phòng bệnh dịch tả heo châu Phi và các kịch bản khi sử dụng vắc xin”, thu hút sự quan tâm lớn của đại biểu tham dự.
TS. Nguyễn Văn Điệp đã giải đáp câu hỏi của các chuyên gia, khách mời để hiểu rõ hơn về các tình huống khi sử dụng vắc xin Avac ASF live, cơ chế đáp ứng miễn dịch trong quá trình sử dụng vắc xin, các trường hợp có thể xảy ra về thao tác kỹ thuật khi tiêm ảnh hưởng đến hiệu quả sinh miễn dịch. Đồng thời, TS. Nguyễn Văn Điệp đã giải thích cho khách mời hiểu sâu hơn về qui trình sản xuất vắc xin, bao gồm các bước như tạo dòng tế bào tương thích (DMAC) cho virus tả lợn Châu Phi nhân lên; đánh giá đặc tính giống virus trên vắc xin; tạo được giống vắc xin nhân trên tế bào dòng DMAC; đánh giá an toàn; đánh giá hiệu lực, xác định được liều, lứa tuổi; xác định được độ dài miễn dịch; đánh giá năng suất, khả năng sinh trưởng; đánh giá kháng thể mẹ truyền; thử nghiệm trên quy mô trại.
Trong thời gian giải đáp cuối chương trình, các khách mời đã đặc biệt quan tâm và ủng hộ khi TS. Nguyễn Văn Điệp chia sẻ thêm về “các kịch bản khi sử dụng vắc xin của công ty cổ phần Avac Việt Nam”, dựa trên các nghiên cứu và thực tế phát triển sản phẩm. Điều này đã góp phần tạo ra hướng đi sâu hơn trong việc sản xuất và sử dụng vắc xin trong thực tế phù hợp với các tình huống dịch bệnh, qui mô khác nhau.
Buổi hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp, mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa các bên tham gia, góp phần đưa các công trình nghiên cứu chuyên sâu đến các doanh nghiệp sản xuất và sản phẩm có tính ứng dụng cao đến các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi. Đồng thời tạo được kết nối giữa các cơ sở nghiên cứu, người chăn nuôi và các doanh nghiệp sản xuất.
Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm