|
  • :
  • :

ĐBSCL: Thay đổi để thích ứng

Để phát triển bền vững vùng ĐBSCL, nhiều chuyên gia cho rằng cần có sự thay đổi, nhất là phải mở lối đi mới để người dân đồng bằng không chỉ làm đủ ăn mà quan trọng là phải làm giàu, đưa vùng đất chín rồng ngày càng phát triển.

Bài 1: Nền nông nghiệp ĐBSCL đang đối diện “3 biến” lớn

ĐBSCL đã và đang đứng trước hàng loạt thách thức kìm hãm quá trình phát triển. Để vượt qua những rào cản này, đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ, trên dưới đồng lòng biến khó khăn thành tiềm năng, nguồn lực để phát triển.

Nông sản luôn chịu tác động lớn từ biến động thị trường.

Nhiều thách thức

Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, có 2 vấn đề nổi cộm đang gây trở ngại lớn cho sự phát triển của ĐBSCL, đó là: Tư duy tiểu nông và chênh lệch về thu nhập. Tâm lý này ăn sâu vào suy nghĩ người nông dân nhiều năm qua, tạo nên sức ì lớn khiến cho nông dân ngại đổi mới, chậm đổi mới từ phương thức sản xuất đến cách thức canh tác.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp dẫn chứng: Đất sản xuất của vùng còn manh mún, ít doanh nghiệp nông nghiệp lớn làm “đầu tàu”. Bên cạnh đó, người dân chưa nắm rõ thông tin biến đổi khí hậu và nguồn lực về nông nghiệp chưa cao. Tổng hòa các yếu tố này khiến cho ĐBSCL thời gian qua dù nỗ lực nhưng vẫn chưa phát triển xứng tầm như kỳ vọng.

Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu.

Trước tình hình này, để từng bước tháo gỡ khó khăn, “cởi trói” cho kinh tế ĐBSCL nói chung và kinh tế nông nghiệp ĐBSCL nói riêng, ông Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh: “Cần đẩy mạnh tư duy sản xuất nông nghiệp, áp dụng chuyển đổi số để phù hợp xu hướng phát triển của thế giới. Đẩy mạnh phát triển HTX và xây dựng thương hiệu nông sản; đào tạo nguồn nhân lực, nông dân chuyên nghiệp và đội ngũ chuyên gia dẫn dắt. Phát triển mạnh về kinh tế tuần hoàn”.

Còn tại Tiền Giang, nhờ lợi thế tự nhiên, việc phát triển nông nghiệp tại đây chia làm 3 vùng sản xuất: mặn, ngọt, lợ. Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho rằng: Do tỉnh tiếp giáp Biển Đông nên nước mặn có thể xâm nhập bất cứ lúc nào. Đến thời điểm này, hậu quả của nước mặn ảnh hưởng đến cây sầu riêng những năm trước vẫn còn. Tác động do phát triển nội tại ở địa phương gây ra sạt lở, xói lở bờ sông, bờ biển. Tỉnh Tiền Giang đã ứng phó bằng nhiều giải pháp công trình và phi công trình để đảm bảo cuộc sống và sản xuất của người dân. Sắp tới, tỉnh sẽ tiếp tục duy trì các giải pháp này.

Sạt lở, mặn xâm nhập cũng đang là nỗi lo của người dân tại Bạc Liêu. Ông Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, chia sẻ: Tỉnh có bờ biển dài 56km nhưng sạt lở không theo một quy luật nào. Hiện nay, toàn tỉnh có 15km bờ biển sạt lở, có một số vị trí sạt lở rất nghiêm trọng.

“Ngày xưa, Bạc Liêu có 2 vùng mặn, ngọt rất rõ ràng, nhưng trong những năm gần đây vùng nước lợ phải chuyển đổi sản xuất. Vì vậy, rất cần các giải pháp công trình lớn cho cả khu vực ĐBSCL và có giải pháp đồng bộ”, ông Lê Tấn Cận cho biết.

Thay đổi để thích nghi

Trước tác động nhiều mặt của biến đổi khí hậu, người dân ĐBSCL đã chủ động chuyển đổi mô hình sản xuất để thích ứng theo hướng thuận thiên. Như tại Cà Mau, người dân đang áp dụng mô hình một vụ lúa, một vụ tôm. Đến nay, diện tích sản xuất theo hình thức này của tỉnh đã lên đến hơn 40.000ha, vừa tạo ra sản phẩm chất lượng cao hơn so với chuyên canh trước đó, vừa cắt đi mầm bệnh tồn lưu trong mỗi vụ nuôi tôm, làm cho hiệu quả sản xuất con tôm lẫn cây lúa được nâng lên về mặt chất lượng và giá trị.

Dù hiệu quả, tuy nhiên, theo ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, việc sản xuất theo mô hình tôm - lúa của người dân tỉnh nhà vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa thành lập được nhiều các tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết sản xuất, xây dựng nhãn hiệu, chứng nhận nguồn gốc. Tình trạng này cần được khắc phục trong thời gian tới.

“Việc quy hoạch theo hướng thuận thiên sẽ làm thay đổi sản xuất theo sự phân vùng. Muốn sản xuất thay đổi phải đầu tư hạ tầng mới. Hiện nay, giữa vùng ngọt và mặn còn có một vùng lợ. Vì vậy, cần đầu tư hạ tầng cho quy hoạch vùng mà chúng ta đã thống nhất. Hỗ trợ địa phương tổ chức lại sản xuất theo ngành hàng, chọn ra các ngành hàng chủ lực tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết”, ông Lê Văn Sử nhấn mạnh.

Đi sâu vào giải quyết vấn đề cốt lõi mang tính toàn vùng, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, chia sẻ: “Trung ương đã thành lập Ban điều phối vùng ĐBSCL để triển khai Nghị quyết 120 năm 2017 của Chính phủ. Vì vậy, để thực hiện hiệu quả, các tỉnh, thành ĐBSCL cần xây dựng hệ thống dữ liệu, hệ thống thông tin dùng chung cho vùng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về nông nghiệp để có nguồn lực đầu tư cho các địa phương một cách sớm nhất trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan”.

Là địa phương được đánh giá bám sát định hướng, chủ trương của Chính phủ trong việc phát triển, Hậu Giang đã có nhiều giải pháp từng bước thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà. Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết: Tỉnh đã ban hành Nghị quyết 04 về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch.

“Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng đã xác định phải chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị, tối ưu hóa giá trị trên một đơn vị sản xuất. Thứ hai, một số vấn đề liên quan đến phương pháp sản xuất, thay đổi phương thức sản xuất từ kinh tế nhỏ, lẻ thành tổ hợp tác, hợp tác xã. Thứ ba, sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới phải đi theo hướng bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính”, ông Trương Cảnh Tuyên cho biết thêm.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, nền nông nghiệp ĐBSCL đang đối diện “3 biến” lớn: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng (tức tiêu dùng xanh, hướng tới nền nông nghiệp xanh). Nếu nhìn tổng thể ĐBSCL với quan điểm tích cực hơn, từ những cái có sẵn, chúng ta có thể “biến hóa” thành có nhiều hơn nữa tại vùng này.

“ĐBSCL cần chuyển sang trạng thái, cách tiếp cận tích cực hơn. Thích ứng với biến đổi khí hậu là vấn đề của ĐBSCL chứ không phải là chuyện riêng của địa phương nào trong vùng. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực của doanh nghiệp, người sản xuất, thậm chí là nâng cao năng lực quản lý của Bộ chuyên ngành, cơ quan…”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Nguồn: http://baohaugiang.com.vn/kinh-te/dbscl-thay-doi-de-thich-ung-115280.html