|
  • :
  • :

Để ngành hàng cá tra phát triển bền vững

Những tháng đầu năm nay, thị trường xuất khẩu cá tra có phần ảm đạm. Tuy nhiên, với những nỗ lực và tín hiệu tích cực từ thị trường, nhiều chuyên gia dự báo ngành hàng này có thể phục hồi giai đoạn cuối năm nay.

Bài 1: Người nuôi cá tra ĐBSCL gặp khó

Giá thức ăn tăng cao, thị trường xuất khẩu không khởi sắc... là những lý do khiến bức tranh của ngành hàng cá tra nửa đầu năm 2023 với nhiều gam màu tối.

Cần tập trung nâng cao chất lượng thay vì số lượng để vững đầu ra cho ngành hàng cá tra.

Cần giải pháp tháo gỡ

Mặc dù không có lợi thế về nuôi cá tra như An Giang, Đồng Tháp, thành phố Cần Thơ…, nhưng tại Hậu Giang, một số hộ nông dân cũng chọn loài thủy sản này để phát triển kinh tế. Nếu như trước đây, cá tra hút hàng, bà con có đồng ra đồng vào thì giờ đây, giá cá đi xuống, nông dân đứng ngồi không yên.

Ông Nguyễn Tấn Phong, Giám đốc HTX nuôi thủy sản Đại Thắng, xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy, cho biết: “HTX có 22 thành viên, lỗ quá nên chỉ còn vài hộ nuôi. Phần lớn là treo ao hoặc chuyển sang nuôi cá tạp. Một số hộ bán đất còn không đủ để trả nợ, do chi phí nuôi cá tra cao, trong khi giá bán thấp dẫn đến việc thua lỗ nặng. Người dân đang chờ chủ trương từ Nhà nước, ngành quản lý có chính sách hỗ trợ, giúp đỡ để tái sản xuất”.

Ở góc độ quản lý, ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: Diện tích ao nuôi cá tra của địa phương khoảng 70-100ha. Hiện nay, tỉnh không có chủ trương mở rộng diện tích. Với diện tích cũ này, Sở NN&PTNT khuyến cáo ở những hộ, HTX có đủ điều kiện tiếp tục duy trì, phát triển nuôi cá tra trong mùa vụ tiếp theo.

“Chúng ta lựa chọn những thời điểm phù hợp để xuống giống, sản xuất mang tính chất liên doanh, liên kết để giảm thiểu rủi ro. Còn hiện nay, không có lợi thế mà lại sản xuất đơn lẻ, nếu trúng mùa mà rớt giá thì ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Về khoa học kỹ thuật, chúng tôi chỉ đạo ngành chuyên môn hỗ trợ người dân có những mã số vùng nuôi đảm bảo tiêu chuẩn để kết nối xuất khẩu. Chúng tôi thường xuyên mời gọi doanh nghiệp liên doanh, liên kết sản xuất. Cá tra tỷ trọng lớn, giá trị cao nên phải có hợp đồng đầu ra, bao tiêu sản phẩm tốt thì sẽ giải quyết được bài toán về lĩnh vực sản xuất”, ông Ngô Minh Long chia sẻ.

Khó đầu ra con cá tra cũng là tình cảnh chung của nông dân Vĩnh Long. Toàn tỉnh có trên 800ha mặt nước nuôi thủy sản. Trong đó có 345ha hiện nay dùng để nuôi cá tra, hiện tại đang thả nuôi 225ha, còn lại khoảng 120ha treo ao. Sản lượng thu hoạch 6 tháng đầu năm đạt gần 42.000 tấn cá tra, giảm gần 4.000 tấn so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Chúng tôi tiếp tục tăng cường các giải pháp trong khâu nuôi cá tra để hạn chế dịch bệnh, đảm bảo làm sao để người nuôi quản lý tốt về môi trường, đặc biệt là hạn chế sử dụng các loại thuốc cấm để điều trị, nhất là kháng sinh. Thứ 2 là tổ chức sản xuất theo chuỗi gắn kết chặt chẽ với vùng nuôi cũng như khâu thu mua chế biến của các doanh nghiệp để phục vụ xuất khẩu. Thứ 3, chúng tôi sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho các vùng nuôi áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến như VietGAP, GlobalGAP…”.

Tập trung chất lượng

Ông Võ Đông Đức, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (Caseamex), khẳng định: Chúng ta đã có đầy đủ tất cả những chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của các quốc gia. Ngoài ra, phải làm thêm những chứng nhận của thị trường châu Âu. Chúng ta cũng có những chương trình nuôi sạch phổ biến, những đòi hỏi về chất lượng nhưng giá cá tra không được ưu đãi của thị trường, có chăng chỉ là cơ hội bán hàng nhiều hơn.

Ngoài ra, ông Võ Đông Đức cũng cho rằng: “Đã hình thành được yêu cầu về chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường rồi thì nên cẩn trọng và cố gắng giữ vững. Đây là yếu tố tiên quyết để cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu thị trường. Chúng ta phải cố gắng có hướng đi chuẩn hơn về cung cấp, sản lượng. Đồng thời, đừng để thất bại về giá vì sẽ kéo theo cả hệ lụy của ngành hàng”.

Đồng tình với quan điểm này, ông Ngô Quang Trường, Giám đốc Công ty Cổ phần thủy sản Biển Đông, cho biết: “Chúng ta không cần kiếm thêm nhiều thị trường mà phải tăng chất lượng cá tra lên thì sẽ tiêu thụ tốt. Chúng ta làm doanh số nhiều nhưng không ai có lời hết. Tôi hy vọng rằng, chúng ta sẽ tìm được giải pháp nào hiệu quả nhất để người nuôi và doanh nghiệp chế biến có lời, doanh nghiệp và người nuôi được quyền định giá con cá mình làm ra. Hiện giờ, chúng ta đang đi ngược lại, rất là nghịch lý”.

Vừa qua, Cục Thủy sản đã tổ chức rà soát điều kiện nuôi của 17 cơ sở/vùng nuôi tại 4 địa phương nuôi cá tra trọng điểm trong vùng là An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ và Tiền Giang. Các vùng nuôi, cơ sở nuôi còn lại do Sở NN&PTNT các địa phương thực hiện kiểm tra, rà soát.

Cục Thủy sản đánh giá, các cơ sở/vùng nuôi của doanh nghiệp đảm bảo tốt các tiêu chí, điều kiện theo Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm cá và các sản phẩm cá bộ Siluriformes xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. 100% các cơ sở/vùng nuôi được cấp mã số nhận diện ao nuôi. Tuy nhiên, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 30% các hộ nuôi nhỏ lẻ, vẫn còn tồn tại một số tiêu chí về cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo, cơ quan chuyên môn Cục Thủy sản đã hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở khẩn trương khắc phục, đầu tư thêm cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh.

Ông Nhữ Văn Cẩn, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản, cho biết: “Thời gian tới, Cục Thủy sản sẽ phối hợp với một số doanh nghiệp cung ứng giống cá tra để phát triển công tác chọn giống qua nhiều thế hệ, cung cấp cho thị trường. Đơn vị đang đặt hàng 75.000 cá tra bố mẹ để cung cấp cho các địa phương. Tạo cơ sở lai tạo con giống chất lượng, thực hiện truy xuất nguồn gốc...”.

Bài 2: Liên kết để phát triển

Nguồn: http://baohaugiang.com.vn/kinh-te/de-nganh-hang-ca-tra-phat-trien-ben-vung-124184.html